Hà Nội mở "tiệc" đường phố "chiêu đãi" khách yêu nhạc

(PLO) - Giờ đây, đến với phố cổ Hà Nội, người dân và du khách không chỉ được tham quan, mua sắm ở khu chợ đêm, thưởng thức các món ăn độc đáo ở các tuyến phố ẩm thực mà còn được “chiêu đãi” những tiết mục văn nghệ độc đáo, mang đến một diện mạo mới cho du lịch phố cổ Hà Nội.
Hà Nội mở "tiệc" đường phố "chiêu đãi" khách yêu nhạc
Âm nhạc dân gian được giới trẻ đón nhận nhiệt tình
Từ đầu tháng 10/2014, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đưa âm nhạc đường phố vào phục vụ người dân và du khách. Cả dòng âm nhạc truyền thống và đương đại đều được trình diễn, kết hợp hài hòa. Ngoài dòng nhạc hiện đại với sự góp mặt của các ban nhạc, nghệ sĩ trẻ tuổi cùng các ca khúc mới mẻ, sôi động, tạo màu sắc tươi mới mà còn có dòng nhạc dân gian như hát xẩm, ca trù, chầu văn... Với bao nỗ lực, những đêm nhạc cuối tuần trở thành những món ăn tinh thần đặc sắc, được đón nhận nhiệt tình. 
Nhiều đêm, khách đứng vây vòng trong vòng ngoài để nghe nhạc. Điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân khá lớn, nhất là khi biểu diễn ở một không gian đặc trưng - đêm phố cổ. Không ít bạn trẻ cho rằng, những đêm nhạc đó không chỉ kích thích giới trẻ thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật mà còn tạo ra một thói quen thưởng thức văn hóa, từ đó làm lành mạnh hóa đời sống tinh thần của giới trẻ.
Biểu diễn trên phố cổ Hà Nội
Biểu diễn trên phố cổ Hà Nội 
Nhận định này được nhạc sĩ Thao Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đồng tình và chia sẻ. Nhạc sĩ Thao Giang vui mừng tâm sự: “Chúng tôi kéo các bạn trẻ đến với âm nhạc truyền thống bằng nhiều cách. Những đêm hát xẩm diễn ra, nhiều bạn trẻ chăm chú thưởng thức. Mỗi đêm, chúng tôi diễn xong có cả tập thư gửi đến góp ý. Chính vì vậy đoàn chúng tôi không chỉ diễn mà còn làm việc lớn hơn, đó là bảo tồn”. 
Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, đưa nhạc đường phố vào phục vụ người dân và du khách đã tạo ra không gian lý tưởng thu hút khách du lịch. Với không gian phố đi bộ trải dài trên nhiều tuyến gồm: Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ, nhạc đường phố đã tạo ra sắc thái hoàn toàn mới cho phố cổ. 
Về vấn đề này, bà Trần Thúy Lan - Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Chất lượng của các chương trình thu hút rất đông khách. Điều đó cho thấy hiệu quả của hoạt động này, đồng thời các nghệ sĩ, ca sĩ đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Với sự tham gia nhiệt tình và phi lợi nhuận của các đơn vị nghệ thuật như: Câu lạc bộ (CLB) ca trù Thăng Long, CLB XB của Nhạc viện Hà Nội, Trung tâm Phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam... các chương trình nghệ thuật đường phố vào những ngày cuối tuần thực sự đã trở thành điểm nhấn tạo nên ấn tượng đẹp”. 
Bảo tồn bằng không gian mở
Có tham gia những đêm nhạc đường phố, chứng kiến nhiều người già chẳng bỏ qua một buổi nào, háo hức nghe làn điệu cũ từ đầu đến cuối, hay tận mắt thấy giới trẻ say sưa vừa nghe vừa hát mới cảm nhận hết giá trị âm nhạc “thấm” vào lòng người thế nào! Cứ tưởng rằng, các loại âm nhạc truyền thống sẽ không còn được quan tâm, giờ mới hay, hóa ra âm nhạc truyền thống vẫn âm ỉ tồn tại trong lòng nhiều người, giữa sự phát triển của đô thị hiện đại và những luồng văn hóa ngoại đầy hào nhoáng.
Phải khẳng định, những đêm nhạc đường phố diễn ra ở không gian văn hóa được khơi mở rộng, ai cũng có thể tự do đứng lên hát cho mọi người cùng nghe. Thậm chí, có những nhóm bạn đã “tức cảnh sinh tình”, hát ngay khi cùng bè bạn thưởng thức cà phê. Nhiều “sân khấu quần chúng” đã trở nên hấp dẫn hơn khi khán giả, khách du lịch cùng lên sân khấu đàn, hát say sưa, đoàn kết và ấm cúng. Trong không gian mới lạ, cởi mở ấy, khoảng cách giữa nghệ sĩ và người xem đã được xóa nhòa. Tất cả tạo cho đêm phố cổ một bản hòa âm với đa dạng các màu sắc âm nhạc mà du khách có thể tùy ý lựa chọn và thưởng thức. 
Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, tại các nước văn hóa phát triển, nhạc đường phố đã có từ rất lâu. Đưa nhạc đường phố vào biểu diễn là bảo tồn văn hóa, đồng thời còn có cái lợi về kinh tế. Việc đan xen giữa các điểm nhạc đương đại và nhạc dân gian cổ truyền của Việt Nam trên các đường phố là sự phối hợp hài hòa rất cần được phát huy. 
Anh Nguyễn Quang Long, người chuyên tâm nghiên cứu sâu âm nhạc truyền thống chia sẻ: “Người dân giờ thích các chương trình nho nhỏ, gần gũi, không nhất thiết cứ phải đến nhà hát, đến các sự kiện hay quán bar. Họ có thể được thưởng thức ở phố cổ. Chính các ban nhạc, bạn trẻ là những người vừa biểu diễn, vừa góp phần bảo tồn văn hóa nghệ thuật cho Thủ đô”.