Hành trình chinh phục cực Đông Mũi Đôi

(PLO) -Háo hức với chuyến đi nên tôi thức giấc lúc 2h30, mặc dù giờ xuất phát lúc 3h30. Đích đến của chuyến đi lần này là Mũi Đôi - Hòn Đầu (nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong, thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). 
Mũi Đôi, cực Đông của Tổ quốc
Mũi Đôi, cực Đông của Tổ quốc

Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp với các kết cấu đá đã tạo thành những kỳ tác đá muôn hình, muôn vẻ, đặc biệt, Mũi Đôi còn là điểm cực Đông và là nơi đón ánh bình minh sớm nhất của một ngày mới trên dải đất hình chữ S.

Để tới đây có hai cách: thứ nhất là đi đường bộ, từ thôn Đầm Môn băng qua các đồi cát (Bãi Cát Thấm) rồi chia làm hai nhánh: hoặc là ra bãi Cỏ Ống hoặc là đến bãi biển Hồ Na, rồi men theo các ghềnh đá để ra đến Mũi Đôi.

Thứ hai là đi đường thủy, từ cảng cá Đầm Môn, đi thuyền qua vũng Đầm Môn trong vịnh Vân Phong, qua Cửa Bé ra Mũi Gành rồi ngược lên phía bắc đến Mũi Đôi. Cả nhóm chọn cách thứ hai, thuê một chiếc thuyền khoảng 30 chỗ.

Bình minh trên biển

Thuyền rời bến khi trời còn chưa sáng, nhưng một ngày mới đã bắt đầu từ trước đó rất lâu với ngư dân trên vịnh Vân Phong. Những chiếc ghe đánh cá rời bến cảng Đầm Môn, những bè tôm hùm nằm san sát nhau, trải dài trên mặt biển. Dù vậy, tất cả lại được bao trùm bởi không gian trời biển rộng lớn của vịnh, khiến ngày mới bình yên chứ không tất bật. 

Sau khi chụp hình và tán chuyện chán chê, bữa sáng được dọn ra rất dã chiến (gồm bánh tét và chả lụa). Điểm tâm bằng bánh tét quả là “lợi hại”, ăn xong phải uống thật nhiều nước. Nếp dẻo cộng với nước trở thành một thứ hỗn hợp tinh bột chóng nở, nhanh chóng chiếm đầy các khoang của dạ dày, làm cho bụng ai cũng căng tròn.

Căng da bụng lại chùng da mắt, giấc ngủ ập đến trong khung cảnh mênh mông của biển, trong cái hiu hiu của gió, trong tiếng rì rầm của sóng và tiếng xình xịch của động cơ thuyền cũng là điều dễ hiểu. 

Nắng lên cao hơn và chói hơn, chiếu thẳng vào những người chụp ảnh và những người ngủ; nhưng người chụp thì cứ chụp, và người ngủ thì cứ ngủ. Còn con thuyền vẫn xình xịch tiến lên phía Bắc. 

Chỉ đến khi gần đến Hòn Đôi, mọi người mới í ới nhau dậy để chụp ảnh và cũng để chuẩn bị đổ bộ. Trước khi vòng qua Mũi Đôi, thuyền chạy ngang qua một bãi cực đẹp, đó chính là bãi Hồ Na với dãi cát trắng phau mịn màng và làn nước trong xanh đến tận đáy. 

Hòn Đôi (còn gọi là Hòn Đầu) là một hòn đảo nhỏ nằm ở phía đông của Mũi Đôi. Sở dĩ gọi là Hòn Đầu vì trên đảo có hai khối đá chồng lên nhau, trông giống hình người xoay đầu ra biển. Giữa Mũi Đôi và Hòn Đầu có một eo biển, tàu thuyền có thể đi qua dễ dàng để cập vào bãi, đổ bộ để đi lên Mũi Đôi. 

Vòng qua Hòn Đầu, thuyền men theo các bãi đá lởm chởm và cuối cùng neo tại một vũng nhỏ, sóng êm và bãi cát thoai thoải gọi là Bãi Ông, đây chính là nơi bắt đầu cuộc hành trình trên bộ.

Mọi người tíu tít chuẩn bị đổ bộ, hành lý nặng được để lại trên thuyền, chỉ mang theo vài vật dụng cần thiết và nhất là nước, mỗi người được phát 3 chai để uống. Để vào bờ, cần phải trung chuyển bằng thuyền thúng, cứ 5 người một chuyến. Anh bạn nhà ghe rõ lành nghề, tay chèo cứ thoăn thoắt, đưa từng chuyến thúng tròn cập vào bãi.

Vượt qua ghềnh đá
Vượt qua ghềnh đá

Mặt trời lên cao, ánh nắng chiếu trực tiếp cộng hưởng với ánh phản chiếu từ mặt biển khiến nhìn ở đâu cũng thấy chói chang nắng. Đổ bộ, cảm giác đầu tiên sau khi rời thuyền là quá nắng và nóng. 

Vượt dốc, leo ghềnh

Sau khi tất cả lên bờ, điểm tập kết là căn chòi của anh Ba Thanh - người dẫn đường đến Mũi Đôi. Anh Ba Thanh vốn là ngư dân ở Đầm Môn. Cơ duyên khiến anh trở thành hướng dẫn viên du lịch cũng thật tình cờ. Một lần nọ có vài du khách nhờ anh dẫn đường ra Mũi Đôi rồi xin số điện thoại.

Sau đó, có nhiều người khác gọi anh nhờ dẫn đường. Mũi Đôi và khái niệm cực Đông dần trở nên có ý nghĩa với cuộc sống của anh hơn, không chỉ còn là mõm đá vô tri vô giác như trước nữa. 

Thu nhập từ nghề mới khá hơn hẳn nghề chài lưới truyền thống, nên gia đình anh dần có sự "chuyển dịch cơ cấu ngành nghề". Những ngày đông khách (có ngày đến 4 đoàn lần lượt ra Mũi Đôi), anh huy động cả vợ con cùng chia nhau tham gia dẫn đường. 

Sau khi ổn định đội hình, cả đoàn lên đường, bắt đầu hành trình chính của chuyến thám hiểm, mà theo anh Ba Thanh - sẽ kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ gồm những đoạn vượt dốc, băng đồi và leo ghềnh. 

Ban đầu là những đoạn đường cát tương đối bằng phẳng. Sau đó là những đồi cát, ghềnh đá. Dù vậy, đoạn đường này cũng ngốn khá nhiều sức của nhiều thành viên trong đoàn, vì trời nắng nóng. Lâu lâu có một cơn gió từ biển thổi vào, nhưng trước khi đến được với đoàn người, gió bay ngang các trảng cát và ghềnh đá nóng hảy, nên có gió lại càng nóng. 

Đừng tưởng đi xuống dễ hơn đi lên, đỡ mệt thì có đỡ mệt hơn thật, nhưng do lá cây khô rụng đầy bên dưới, khiến đế giày không bám trực tiếp vào đất, độ ma sát giảm đi rất nhiều, và lúc này cây gậy lại trở thành vật giảm tốc.

Cứ như vậy, hết đồi này đến đồi khác, chặng dừng sau lâu hơn chặng dừng trước, còn sức người thì càng ngày càng cạn kiệt. Cái ba lô trên lưng như nặng hơn, mấy chai nước nhanh chóng được lấy ra uống, vừa để đỡ khát, và cũng để cho nhẹ bớt cái ba lô. 

Nắng đã lên đến đỉnh đầu, mồ hôi chảy dài trên mặt, cay cả khóe mắt và mặn đắng trong miệng. Nước hết, lại thấy thèm trái dứa biển khi nãy, chả biết có ăn được không nhưng vẫn cứ thèm. 

3 tiếng đồng hồ đã trôi qua mà chưa thấy đích đến ở đâu, hỏi thì anh Ba Thanh cứ nói gần tới rồi. 5-6 lần "gần tới" như vậy, khi gần vượt qua một đỉnh đồi, bỗng nghe hơi gió man mát. Ráng gượng sức leo lên đến đỉnh thì một quang cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt. Biển nãy giờ trốn đâu mất biệt, bây giờ xuất hiện xanh ngắt một màu, trải dài đến vô tận. 

Nãy giờ chưa thấy đích đến ở đâu thì cứ hình dung mơ hồ. Bây giờ đã thấy đích thì càng hãi, vì đây mới là đoạn gian nan nhất của cuộc hành trình. Bước qua Bãi San Hô cạn nước. Từng tảng lớn nhỏ chồng lên nhau, tạo thành một ma trận đá rất khó vượt qua.

Trời gần đúng Ngọ, nắng dữ dội và thiêu nóng những tảng đá. Thử thách lớn nhất thường đặt ở cuối chặng hành trình để đo ý chí của những người thám hiểm. 

Một "chiến sỹ" chấp nhận dừng cuộc chơi, nằm nghỉ và được đưa trở lại thuyền (thuyền sau khi chở người đổ bộ xuống Bãi Ông, đã chạy đến neo sẵn ở bãi biển gần ghềnh đá). Những người còn lại chia thành từng tốp giúp nhau vượt ghềnh. 

Lại nhắc đến nước, cả đoàn hai mấy người, chỉ còn vài ba chai, chia nhau từng ngụm nhỏ để cầm hơi. Khát, khát quá! 

Bỗng nghe í ới của tốp đi trước, thì ra đã gần đích lắm rồi. Chỉ còn vài hòn đá nữa thôi! Lúc này, mỗi hòn đá cứ như một hòn núi. Đầu váng, mắt hoa, môi khô, tay rã rời và chân mõi mệt, không còn theo chính xác điều khiển của trung ương thần kinh nữa rồi. Nhưng ráng! Phải ráng thôi!

Những cây cọc dùng làm gậy được thu hồi trở lại, một số bạn dùng dây, ghép các cây cọc thành một chiếc kim tự tháp có dạng đa giác tứ diện, trên đỉnh nối thêm vài cây để cắm cờ.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng lên được phiến đá to, bằng phẳng ở Mũi Đôi, nơi đặt cột mốc đánh dấu điểm cực Đông của Tổ quốc. Mọi mệt nhọc dường như tan biến, cảm giác vỡ òa trong cái nắng, cái gió của biển trời bao la. 

Niềm vui chinh phục Mũi Đôi
Niềm vui chinh phục Mũi Đôi
"4 cực, một đỉnh, một ngã ba" là cách nói quen thuộc của “dân phượt” để chỉ những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, gồm: cực Bắc (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang), cực Tây (A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông (Vạn Ninh, Khánh Hòa), cực Nam (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), đỉnh Fanxipan (dãy Hoàng Liên Sơn, Lào Cai), ngã ba Đông Dương (Ngọc Hồi, Kon Tum).