Hát quan họ- “miễn dịch” rất tốt với căn bệnh tuổi già

(PLVN) - “Một tác dụng ưu việt của tình yêu với quan họ, đó là khả năng “miễn dịch” rất tốt với các căn bệnh tuổi già, nhất là bệnh Alzheimer. Hay nói như chị Hai Chính, nhờ có việc tham gia CLB mà các thành viên ở đây giờ không còn stress để mà “xả” nữa. Vì quan họ làm cho người ta sống nhân văn, yêu đời và yêu người lắm. Chính vì thế mà chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa để truyền đạt và lan tỏa những tinh hoa của cha ông đến những tình yêu quan họ, đặc biệt là giới trẻ”.- PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng chia sẻ.
Hát quan họ- “miễn dịch” rất tốt với căn bệnh tuổi già

Ngày 17/3/2019, tại đình Yên Phụ (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), Câu lạc bộ (CLB) Quan họ truyền thống Nhị Hà đã tổ chức kỷ niệm 3 năm ngày thành lập (27-3-2016 / 27-3-2019). CLB Nhị Hà luôn chú trọng phục dựng lại nguyên bản một buổi hát canh quan họ (quan họ cổ) với đầy đủ nghi thức của quan họ cổ.

Những liền anh, liền chị ở CLB quan họ Nhị Hà không đi hát biểu diễn, không lên sân khấu mà chỉ hát giao duyên, hát vo. Họ hát theo những niêm luật, lề lối, quy định khắt khe của lối hát quan họ cổ chứ không tùy hứng như những cách hát khác. Đặc biệt, hát quan họ ở đây rất tối kị sử dụng thiết bị âm thanh, loa đài, bởi nếu sử dụng những thiết bị này sẽ làm mất đi những cái nhấn nhá, nẩy hạt, luyến láy của cách hát cổ.

Ngay từ khi mới thành lập, họa sĩ Đỗ Dũng - Chủ nhiệm CLB và hai phó chủ nhiệm CLB là PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng, chị Hai Nguyễn Thị Như Chính - nguyên giảng viên trường ĐH Thương Mại Hà Nội đã xác định cần phải làm gì đó để gìn giữ và phục dựng lại hát canh quan họ. CLB Nhị Hà ra đời đã nhanh chóng có sức lan tỏa, kết nối được những tình yêu quan họ, cho dù họ đang làm nhiều công việc và ngành nghề khác nhau.

Chính thế mà cụ Hai Chiến, dù đã đạt đến tầm nghệ nhân hát canh thường xuyên đứng ra tổ chức các canh hát có tiếng ở Bắc Ninh hào hứng tham gia với CLB Nhị Hà để giao lưu, truyền đạt những hiểu biết của mình về quan họ cổ.

 

Thành viên sinh hoạt ở CLB quan họ truyền thống này từ 20 - 80 tuổi với các ngành nghề khác nhau. Họ đều có điểm chung là nghe, hát quan họ từ khi còn tấm bé. Họ là những người đi hát đối đáp giỏi, có giọng hay, giọng đúng theo chất cổ, có đủ hiểu biết và đạt đến độ tinh túy.

 

CLB giờ đây không chỉ là nơi để sinh hoạt đơn thuần mà cao hơn là sự gắn kết, sẻ chia giữa các thành viên có chung một tình yêu quan họ. Ngoài thời gian tham gia CLB, các liền anh liền chị quan họ Nhị Hà còn liên tục “đắt show” giao lưu văn hóa với nhiều nhóm quan họ uy tín của tỉnh Bắc Ninh, nhiều CLB Quan họ của các làng Quan họ gốc đã mời Nhị Hà giao lưu hát canh như: Làng Lũng Giang, làng Viêm Xá, làng Hoài Thị, làng Ngang Nội, làng Thị Cầu, làng Châm Khê, làng Đặng Xá, làng Thổ Hà…

Theo như lời của họa sĩ Đỗ Dũng: Được người quan họ Kinh Bắc yêu quý mời ca canh và kết bạn là một vinh dự to lớn đối với CLB Nhị Hà, đồng thời cũng thấy được sự đánh giá tốt của người quan họ Bắc Ninh, nhưng là một thách thức lớn đặt ra cho CLB làm sao cho xứng với tấm lòng yêu mến quý hóa ấy.

Trong quá trình tham gia CLB, PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng còn nhận ra một tác dụng ưu việt của tình yêu với quan họ, đó là khả năng “miễn dịch” rất tốt với các căn bệnh tuổi già, nhất là bệnh Alzheimer. Hay nói như chị Hai Chính, nhờ có việc tham gia CLB mà các thành viên ở đây giờ không còn stress để mà “xả” nữa. Vì quan họ làm cho người ta sống nhân văn, yêu đời và yêu người lắm. Chính vì thế mà chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa để truyền đạt và lan tỏa những tinh hoa của cha ông đến những tình yêu quan họ, đặc biệt là giới trẻ.

“Quan họ làm cho người ta sống nhân văn, yêu đời và yêu người lắm. Chính vì thế mà chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa để truyền đạt và lan tỏa những tinh hoa của cha ông đến những tình yêu quan họ, đặc biệt là giới trẻ”, “liền chị” Hai Chính nói.

Giữa lòng Thủ đô ồn ào và náo nhiệt với muôn vàn thể loại âm nhạc thì CLB quan họ truyền thống Nhị Hà như một điểm nhấn văn hóa đặc sắc, giúp người dân và du khách tìm về với cội nguồn, với những tinh hoa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đọc thêm