Hoa hậu thời... “đại hạ giá”?

(PLO) - Các đơn vị tổ chức hoa hậu có thể thay tên gọi Hoa hậu Trang sức, Hoa hậu Miền vườn, Hoa hậu Biển… có gắn chữ Việt Nam thành toàn cầu, quốc tế, thế giới. Họ mời một vài thí sinh nước ngoài tham gia dự thi cho “đúng quy trình” để dễ dàng xin cấp phép. Nhiều người lo ngại việc “lách luật” này sẽ lại bùng nổ hoa hậu, “loạn” người đẹp như những năm trước đây.
Một số người đẹp tham dự cuộc thi sắc đẹp
Một số người đẹp tham dự cuộc thi sắc đẹp

Hoa hậu nhiều… như lá mùa thu

Mới đây nhất, cuộc thi “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016” dành cho thí sinh là thiếu nữ Việt Nam và người gốc Việt đang sinh sống trên toàn thế giới đã được khởi động. Vòng chung kết dự kiến tổ chức từ ngày 1- 15/7 tại Sầm Sơn (Thanh Hóa).

“Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016” chọn lựa những thiếu nữ Việt đang học tập, làm việc và sinh sống tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới hội tụ đủ các tiêu chí: đẹp, trí tuệ, duyên dáng và năng động trong hội nhập.

Cuộc thi nhằm tôn vinh và quảng bá vẻ đẹp, trí tuệ, tài năng của phụ nữ Việt Nam đến bạn bè thế giới, giúp thế giới hiểu hơn về con người và đất nước Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. 

Khi được hỏi về vấn đề thẩm tra tư cách đạo đức thí sinh sống ở nước ngoài, đại diện Ban Tổ chức cho hay họ sẽ kết hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao và đại sứ quán để thực hiện tốt nhất.

Như vậy, cuộc thi “Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016” là một trong ba cuộc thi hoa hậu sẽ tổ chức trong năm nay gồm: “Hoa hậu Biển Việt Nam” với vòng chung kết diễn ra từ ngày 15 -25/5 tại Hạ Long, (Quảng Ninh) và “Hoa hậu Việt Nam” với vòng chung kết dự kiến diễn ra tại TP HCM từ ngày 10 - 7/8. Ngoài ra, sẽ có có hàng loạt cuộc thi người đẹp được “nổ” ra ở một số tỉnh, thành. 

Trong khi đó Nghị định 79 ban hành năm 2012, trong đó tại chương III, mục 3, khoản a Điều 18 quy định: “Đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc mỗi năm tổ chức không quá 2 lần”? Việc 3 cuộc thi nhan sắc lớn diễn ra trong năm 2016 có trái với Nghị định? 

Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: “Về luật không có gì sai, bởi hai cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam” và “Hoa hậu Biển Việt Nam” mang tính toàn quốc (thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định), còn “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016” mang tính toàn cầu. 

Khoản d mục 3 quy định “lấp lửng”: “Đối với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định”.

Và với cách lý giải trên, việc “lách luật” cho các cuộc thi hoa hậu từ chính thống tới “ao làng” dường như là điều quá dễ hiểu. Các đơn vị tổ chức hoa hậu có thể thay “Hoa hậu Trang sức”, “Hoa hậu Miền vườn”, “Hoa hậu bikini”… có gắn chữ Việt Nam thì sẽ đổi thành toàn cầu, quốc tế, thế giới. Họ mời một vài thí sinh nước ngoài tham gia dự thi cho “đúng quy trình” để dễ dàng xin cấp phép.

Thế nên, việc “lách luật” này sẽ lại tiếp tục bùng nổ hoa hậu, “loạn” người đẹp như những năm trước đây. Đơn cử như hàng loạt cuộc thi hoa hậu, người đẹp diễn ra tại Việt Nam: Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Nam Mê Kông, Hoa khôi duyên dáng miệt vườn, Hoa khôi Đồng bằng song Cửu Long, Hoa hậu thế giới, Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu, Hoa hậu Quý bà, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Hoa hậu Đại dương, Người đẹp xứ Dừa; chưa kể các cuộc thi có yếu tố quốc tế, cuộc thi người đẹp xuất hiện nhan nhản khắp các tỉnh, thành...

“Đại hạ giá” thời @

Với quá nhiều cuộc thi được tổ chức trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, các nhà tổ chức bát nháo chụp giật, danh hiệu bị rẻ rúng không thương tiếc là điều dễ hiểu.

Chẳng lạ, khi có người đẹp vứt danh hiệu vào xe rác, hoa hậu đòi trả vương miện. Đã từng nhãn tiền khi năm 2014, Trần Thị Ngọc Bích - một thí sinh tham gia cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam thẳng tay ném dải băng ghi nhận danh hiệu “Người đẹp hình thể” vào sọt rác, “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” 2011- Triệu Thị Hà đòi trả vương miện.

Hàng chục hoa hậu, người đẹp được đội vương miện trên đầu kéo theo hàng tá á hậu 1, á hậu 2, top 5, top 10... được tung hô sắc đẹp.

 Ấy vậy mà, mỗi lần tìm hoa hậu, người đẹp “chinh chiến” tại các cuộc thi sắc đẹp thế giới uy tín như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Việt Nam phải tìm “đỏ con mắt”. Rất nhiều hoa hậu Việt “né” đi thi Hoa hậu thế giới.

Lý do, họ đưa ra nghe có vẻ rất hợp lý để “trốn” đi thi cuộc thi nhan sắc thế giới là: bận học, bận công tác xã hội, sức khỏe yếu… Còn một số nhan sắc khác chịu khó đi thi quốc tế như: Mai Phương Thúy, Trương Tri Trúc, Nguyễn Thị Loan Diễm, Phạm Hương, Lan Khuê thì bị “đo ván” ở vòng ngoài top 10, “trắng tay” ra về.

Một thực tế là, nhiều các cuộc thi hoa hậu sau khi “cài” vương miện lên đầu người đẹp, Ban Tổ chức “quên” luôn kế hoạch “hậu đăng quang”. Họ không có chiến lược đầu tư cho hoa hậu để so tài sắc ở các cuộc thi nhan sắc thế giới uy tín và làm lợi ích cho xã hội, cộng đồng. Họ bỏ lửng các hoa hậu của mình tự bơi trong showbiz.

Những người được chọn với danh hiệu lần lượt dính vào vô số các vụ scandal, gây rối loạn dư luận, vi phạm pháp luật: Hoa hậu “chân dài, não ngắn”, hoa hậu “scandal”, hoa hậu “ảnh nude”, hoa hậu “bán dâm”…

Không ít người lắc đầu ngán ngẩm về danh hiệu hoa hậu “đại hạ giá” thời @./.