Họa tiết trên một bảo vật quốc gia gây tranh cãi hàng trăm năm

(PLO) - Hầu hết các công trình nghệ thuật Chămpa đều là những tác phẩm trang trí kiến trúc ở các đế tháp và mái tháp, riêng đài thờ Trà Kiệu lại khác. Hàng trăm năm nay, các nhà khoa học vẫn đi tìm lời giải đáp.
Họa tiết trên một bảo vật quốc gia gây tranh cãi hàng trăm năm
Hơn ngàn năm tuổi đời
Đài thờ Trà Kiệu được công nhận là bảo vật quốc gia vào đợt 1 năm 2012, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (TP.Đà Nẵng). Theo Hồ sơ di sản, đài thờ Trà Kiệu được làm bằng chất liệu đá sa thạch, cao 128cm, dài 190cm, rộng 190cm, có niên đại thế kỷ VII - VIII. 
Đài thờ gồm hai phần: phần khối tròn ở trên và khối vuông ở dưới. Phần khối tròn gồm hai thớt: phần trên là bộ linga – yoni (biểu tượng của dương – âm, nam – nữ). Linga đã bị mất, được làm lại bằng xi măng.
Phần dưới gồm một thớt tròn. Trên hai thớt đều chạm hình hoa sen với bốn lớp cánh, mỗi lớp 18 cánh hoa. Khối hình vuông có cạnh 190cm, cao 52cm, bốn mặt chạm trổ hình người. Mặt A và B mỗi mặt có 16 nhân vật, mặt C 18 nhân vật, mặt D 11 nhân vật. Ở bốn góc thể hiện bốn con sư tử trong tư thế ngồi, hai chân trước đưa lên đỡ bệ thờ.
Đài thờ Trà Kiệu
Đài thờ Trà Kiệu 
Các bộ phận của đài thờ được sưu tầm từ làng Trà Kiệu (tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên, nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và được đưa về Đà Nẵng vào tháng 12/1891 và tháng 1/1892. Đây là đài thờ Chămpa duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn. Cấu tạo của bệ yoni với hai thớt tròn đối xứng qua hai lớp cánh sen và một chiếc linga ba tầng đặt trong lòng là một cấu tạo tiêu biểu của tổ hợp yoni-linga trong văn hóa cổ Ấn Độ đã được tiếp thu ở Chămpa. 
Hình ảnh được in sớm nhất của đài thờ này xuất hiện trong bài báo của Louis Finot, đăng tải trên tạp chí của Viện Viễn Đông Bác Cổ số đầu tiên, năm 1901. Theo đó, đài thờ, gồm hai nửa bệ có chạm khắc và hai bệ tròn trang trí hoa sen, một nửa khối của đài thờ đặt dưới tượng bò thần Nandin và một nửa khối đặt dưới tượng thần Laksmi. 
Sau khi tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng xong tại “Công viên Tourane” vào năm 1919, đài thờ này được trưng bày tại sân vườn, phía trước gian nhà chính. Trong hai năm 1927 - 1928, Trường Viễn Đông Bác Cổ đã khai quật khảo cổ quy mô lớn tại Trà Kiệu, do Jean-Yves Claeys chủ trì. 
Toàn bộ nền móng của các nhóm tháp phía Bắc trong thành nội đã được phát hiện, cùng với hàng chục điểm thám sát khác trong thành. Nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá đã được tìm thấy. Với kết quả khai quật đó, J. Y. Clayes đã phát họa được quy mô của tòa thành cổ, đồng thời chứng minh được thành Trà Kiệu chính là kinh thành Simhapura (kinh thành Sư Tử) của vương quốc Chămpa. 
Lễ cưới của công chúa Sita?
Hàng trăm năm qua, đã có nhiều học giả lớn người Pháp tìm cách đọc nội dung của đài thờ nổi tiếng này. Năm 1929, Jean Przyluski công bố một nghiên cứu về các bức phù điêu của đài thờ Trà Kiệu và cho rằng chúng diễn tả nội dung một đám cưới hoàng gia của Phù Nam, một vương quốc cổ ở Nam bộ và Đông Nam Campuchia. 
Hai năm sau, một nhà người cứu khác tên George Coedes phản bác với lý lẽ: “Không thể nào một đài thờ tọa lạc ngay trên kinh đô của người Chăm lại kể về một đám cưới ở tận Phù Nam”. 
Theo ông, phù điêu của đài thờ Trà Kiệu là nhằm minh họa một đoạn trong trường ca về thần Krisna, thể hiện một văn bản của đạo Vishnu tên là Bhagatapurana, nói về truyền thuyết thần Krisna chữa bệnh cho người gù tên là Trivaka và chuyện Krisna kéo gãy cung thần Kamsa. 
 
Năm 1963, Jean Boisselier khi đề cập đến đài thờ Trà Kiệu trong luận án tiến sĩ về nghệ thuật Chàm đã đồng thuận với cách lý giải của Coedes. Phạm Hữu Mý lại cho rằng nội dung bốn cảnh chạm này là trích đoạn trường ca Mahabharata, một sử thi nổi tiếng của Ấn Độ, nói về dòng họ Bhârata. Tác giả xác định niên đại đài thờ này vào đầu thế kỷ X. 
Nhưng nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa - Trần Kỳ Phương lại có cách nhìn khác, ông cho rằng những hình ảnh ấy chính là một minh hoạ mang chủ đề “Lễ cưới của công chúa Sita” trong sử thi Ramayana. 
Trần Kỳ Phương cho rằng bốn cảnh chạm quanh đài thờ nầy là những trích đoạn của trường ca Ramayana: cảnh Rama kéo gãy cung thần Kamsa của thần Rudra, được vua Yanak gả công chúa Sita, cảnh đám cưới... Bốn mặt của đài thờ này là bốn cảnh liên hoàn. Niên đại của đài thờ này được Trần Kỳ Phương xác định vào thế kỷ VII, thuộc phong cách “Trà Kiệu sớm”. 
Một người dân kể lại câu chuyện
 Một người dân kể lại câu chuyện
Nhiều ý kiến đã đồng tình với quan điểm này. Theo trường ca Ramayana, vua Yanak lập hoàng hậu đã lâu nhưng không có con. Truyền thuyết cho rằng trong một buổi lễ cày đầu năm, khi vua mở đường cày đầu tiên, từ trong luống cày đã xuất hiện một bé gái sơ sinh, đó là đứa con mà Mẹ Đất đã ban cho nhà vua, vua đặt tên cho công chúa là Sita. 
Khi Sita trưởng thành, nhà vua kén rể bằng cách đặt điều kiện ai giương được cây cung Kamsa của thần Bão tố Rudra thì sẽ gã công chúa Sita. Nhiều vương tôn công tử đến cầu hôn, nhưng chưa ai kéo được sợi dây cung. Cuối cùng hoàng tử Rama của xứ Kosala đã đến cầu hôn.
 Rama có một sức mạnh thần kỳ, không chỉ giương được cung mà còn kéo gãy cung. Nhà vua bèn gả công chúa cho Rama. Theo đó, nhà nghiên cứu cho rằng, mặt A đài thờ này,  nhân vật đang kéo cây cung là Rama (hoá thân thứ bảy của thần Vishnu); mặt B thể hiện cảnh hoàng tử Rama và đoàn tuỳ tùng dâng lễ vật lên vua Yanak; mặt C thể hiện cảnh rước dâu; mặt D là những vũ nữ múa chúc mừng đám cưới của Rama và Sita. /.

Đọc thêm