Hoang mang trước "quy chuẩn" cấp thẻ hành nghề người mẫu

(PLO) - Chưa có giáo trình đào tạo người mẫu chính quy, chưa có cơ sở công lập đào tạo người mẫu chuyên nghiệp, vậy nên, “quy chuẩn” về cấp thẻ hành nghề khiến nhiều người hoang mang.
Người mẫu hoang mang với việc cấp thẻ hành nghề.
Người mẫu hoang mang với việc cấp thẻ hành nghề.

70% người mẫu trá hình?

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mỗi năm Việt Nam cấp phép cho gần 100 cuộc thi sắc đẹp, tìm kiếm người mẫu, hoa khôi, hoa hậu và gương mặt đại diện cấp tỉnh trở lên. Ước tính mỗi năm có 500-1.000 người mẫu mới tham gia các hoạt động như diễn thời trang, quảng cáo, biểu diễn. Sự tự phát kéo dài trong hoạt động của làng mẫu Việt Nam tạo tiền đề cho các hoạt động tiêu cực núp bóng như tổ chức mại dâm, tổ chức biểu diễn người mẫu trái phép, tổ chức cho thí sinh đi thi nước ngoài trái phép...

Ai là người mẫu thật sự, ai là người mẫu trá hình?. Cơ quan nào có thể thống kê có bao nhiêu người mẫu đang hoạt động nghề ở Việt Nam? Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời. Ông Tạ Nguyên Phúc, Giám đốc sáng tạo của Công ty Đào tạo người mẫu PL kết luận: “Không thể đếm hết những người đang mang danh người mẫu ở làng mẫu Việt nhưng tôi dám khẳng định chỉ có khoảng 30% trong số này là người mẫu thực thụ”.

Một người mẫu chuyên nghiệp còn cần ý chí và bản lĩnh để luôn giữ sắc dáng chuẩn mực: cần một chế độ tập luyện và ăn uống khắt khe, chịu áp lực vô cùng khắc nghiệt, đồng thời phải có sự nhạy bén và tinh tế trong việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh, thương hiệu cá nhân và đạo đức người mẫu. Đằng sau ánh hào quang của nghề người mẫu là một cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt cùng sự nghiệt ngã của quy luật đào thải.

“Với tư cách là người mẫu, tôi không hiểu vì sao ở Việt Nam, việc trở thành người mẫu lại dễ đến thế. Một bộ ảnh được tung lên mạng, vài lần chụp ảnh quảng cáo,… họ nghiễm nhiên trở thành người mẫu trong khi để trở thành người mẫu thực sự, còn nhiều yếu tố và đòi hỏi khác” - Hoa khôi Lan Khuê nói.

Sự cạnh tranh của giới mẫu không chỉ đơn giản là nghề mà còn là thể hiện sự “sang chảnh”. Chính sự ganh đua, kèn cựa này là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng “chân dài - đại gia” hay tiêu cực hơn là “bán thân” như nhiều vụ đã bị phơi bày trước công luận.

Người mẫu Phạm Anh Thư bày tỏ: “Người làm nghề cảm thấy bấn loạn vì những chuyện nhiều người gắn mác người mẫu làm những việc vi phạm pháp luật gây nên những ảnh hưởng không tốt cho người làm nghề thực thụ. Người mẫu tự phong nhiều quá và các danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc, người mẫu lớn nhỏ cũng dễ kiếm cùng với nhu cầu săn tìm hoặc sở hữu “kiều nữ” của “đại gia” khiến mọi thứ trở nên loạn”. Điều này đã gây ra cái nhìn thiếu thiện cảm của mọi người về nghề người mẫu. Những người mẫu chân chính cảm thấy xấu hổ và xót xa. 

Người mẫu chuyển giới có được cấp thẻ?

Để dẹp loạn những đối tượng mượn danh người mẫu làm những công việc bất chính, theo đúng lộ trình, đến quý II/2016, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ hoàn thành việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật và người mẫu trong cả nước.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ở mỗi địa phương phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp thực hiện. Khi cấp thẻ hành nghề, Nhà nước công nhận người mẫu là một nghề thực thụ. Ban quản lý nhà nước và xã hội sẽ phải có trách nhiệm bảo trợ, hỗ trợ người mẫu trong hoạt động, đồng thời tôn vinh những đóng góp của người mẫu với sự phát triển của đất nước.

Thời gian cấp thẻ tới gần, nhưng nhiều người mẫu hoang mang về quy trình cấp thẻ. Có một điều khá lạ, hiện nay ở nước ta chỉ có một số trung tâm tư nhân, các nhà văn hóa đào tạo người mẫu để cung cấp nguồn nhân lực cho các thương hiệu và các chương trình biểu diễn thời trang. Trong khi, các cơ sở công lập đào tạo người mẫu chuyên nghiệp trong lĩnh vực này lại chưa “ra đời”. Các trường nghệ thuật công lập không hề có khoa người mẫu đào tạo chính quy. 

Đào tạo manh mún, mạnh ai người nấy biểu diễn. Có lẽ vì sự hoạt động riêng lẻ của các người mẫu hay những nhóm người mẫu tự phát triển nên ngành nghề này chưa được đánh giá cao về chuyên môn, ảnh hưởng đến việc xây dựng nghề người mẫu thành một nghề chuyên nghiệp.

Cách đây 9 năm, Hội Người mẫu Việt Nam Việt Nam ra đời. Nhưng gần thập kỷ qua, Hội Người mẫu Việt Nam dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Ông Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam thừa nhận: “Hội chưa phối hợp được với các đơn vị liên quan để hoàn thiện bộ giáo trình đào tạo người mẫu, lấy đó làm căn cứ tổ chức đào tạo ngành người mẫu chính quy theo quy định của pháp luật. Hội cũng chưa xây dựng được bộ quy tắc ứng xử và đạo đức của nghề người mẫu để làm căn cứ đề xuất, phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận mã số ngành nghề chính thức ở nước ta”.

Theo Thông tư quy định chi tiết việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, đối tượng cấp thẻ hành nghề gồm: Các cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu hoặc đang làm việc tại các đơn vị nghệ thuật công lập, ngoài công lập; các cá nhân có văn bằng tốt nghiệp về chuyên ngành nghệ thuật, trình diễn thời trang hoặc đạt giải tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật; cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước và quốc tế…

Thông tư này áp dụng đối với người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang được trả thù lao bằng tiền hoặc các quyền lợi vật chất khác và các cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam.

Chưa có giáo trình đào tạo người mẫu chính quy, chưa có cơ sở công lập đào tạo người mẫu chuyên nghiệp, vậy nên, “quy chuẩn” về cấp thẻ hành nghề khiến nhiều người hoang mang. Hầu hết các cơ sở đào tạo người mẫu hiện đều thuộc về các công ty, tổ chức tư nhân. Khi kết thúc khóa đào tạo, người học chỉ được cấp chứng chỉ đã tốt nghiệp khóa học. Vậy liệu người được cấp chứng chỉ có được cấp thẻ?

Trong số hàng ngàn người mẫu ấy, có bao nhiêu người đạt giải thưởng, có bao nhiêu người có bằng tốt nghiệp và được biểu diễn ở cơ quan nhà nước về nghệ thuật biểu diễn? Người mẫu tự do Nguyễn Trang (Hà Nội) băn khoăn: “Tôi thường đi trình diễn thời trang tại các quán bar có trả thù lao nhưng chưa được giải thưởng gì, chưa ai biết tới tên. Vậy, khi nộp hồ sơ kèm theo ảnh trình diễn ở quán bar, tôi có được cấp thẻ hành nghề? Triệu Hoa - một người đẹp chuyển giới còn lo lắng hơn: “Tôi đang làm người mẫu cho một vài tạp chí. Những người chuyển giới như chúng tôi có được cấp thẻ không? Nếu không được cấp thẻ, chúng tôi lấy gì mà sống, lấy gì để được công nhận “danh chính - ngôn thuận”? 

Hàng loạt câu hỏi, sự băn khoăn vẫn chưa tìm lời giải đáp. Ngay chính cơ quan có trách nhiệm cấp thẻ vẫn còn đang loay hoay, bàn thảo.

Ngoài việc lo lắng về việc cấp thẻ, các người mẫu ở Việt Nam làm việc tự do, không qua tổ chức nào nên khi gặp các vấn đề pháp lý liên quan đến hình ảnh của mình hay các sự việc bị quỵt cát sê, chèn ép sẽ không biết ai bảo vệ hoặc không biết cách bảo vệ, đòi quyền lợi cho mình. 

Các người mẫu mong muốn, bên cạnh đẩy mạnh việc cấp giấy phép hành nghề thì cần có một “ba rem” cát sê của người mẫu, có một cơ quan có chức năng tư vấn pháp lý, hỗ trợ người mẫu khi có bất cứ vấn đề liên quan.

Và hơn ai hết, các người mẫu cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể bảo vệ hình ảnh của bản thân và nghề nghiệp.

Đọc thêm