Hoang tin "bể nước chết người", cả làng sợ hãi

(PLO) - Sau vụ tai nạn đuối nước thương tâm của hai bé trai cùng tuổi, cùng thôn, cùng học một lớp mẫu giáo tại xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), người dân hoang mang, sợ hãi trước lời đồn về mảnh đất “nghịch” nơi có bể nước “chết người”.
Bể nước nơi hai cháu bé gặp tai nạn
Bể nước nơi hai cháu bé gặp tai nạn
Tai nạn thương tâm
Hai cháu bé nạn nhân Chu Quốc Khánh và Trần Thế Văn (cùng SN 2008, ngụ thôn 9, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) học cùng một lớp mẫu giáo nên hay đi chơi với nhau. 
Chiều ngày chủ nhật 16/3, Khánh sang nhà Văn chơi, cả hai ôm vai bá cổ dắt chiếc xe ba bánh ra khỏi nhà, đến bể nước thuộc khuôn viên từ đường họ Trần trong xóm chơi. 
Bà Trần Thị Khấm (71 tuổi, người trông coi từ đường họ Trần) cho biết: “Tôi thường cùng mấy bà trong xóm đan thúng ở gần bể nước. Ngày hôm trước, cháu Văn sang chơi, mọi người đã cảnh báo không cho ra khu vực bể. Buổi chiều hôm sau lại thấy hai bé đến, mấy bà còn mắng không cho ở lại vì sợ các cháu nghịch nước”. 
Đến khoảng 17h, khi người làm về hết, bà Khấm đang lúi húi dọn dẹp tại nơi khuất tầm nhìn bể nước thì thấy bố mẹ cháu Văn đi tìm con. Lúc ấy bà Khấm tưởng hai cháu bé đã về, nhưng bố mẹ Văn thấy chiếc xe đạp của con dựng ở gần bể, quan sát phía dưới có mấy tấm bèo bị úp ngược. 
Trời đã ngả tối, người bố xuống bể khua mà không thấy gì. Hai vợ chồng dắt chiếc xe về, sau đó lại tản đi khắp xóm tìm. Phía bên gia đình cháu Khánh cũng đang hốt hoảng không thấy con đâu. Đi mấy vòng quanh xóm mà không ai biết về hai cháu bé.
Anh Chu An Nam (bố cháu Khánh) kể lại: “Lúc đó ruột gan tôi như có lửa đốt, linh cảm mách bảo tôi phải đến bể nước kia tìm. Khi lội xuống bể, mực nước chỉ khoảng 1m, tôi đi men bờ lần đầu không thấy gì. Quay lại kiểm tra lần hai, tôi sững người vớt được cháu Văn. Cả người tôi run lên khi cách đó khoảng một sải tay, con trai mình cũng đã mềm nhũn”. 
Cặp tay hai đứa trẻ vào hai bên sườn, anh Nam hô hoán. Phía trên bờ, bố mẹ cháu bé còn lại cũng lao đến đỡ lấy con.
Buổi tối hôm ấy, không khí tang thang bao trùm lên xóm nhỏ. Hai gia đình mất con chỉ ở cách nhau 20m, tiếng khóc thảm thiết vang lên khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, xót xa. 
Tan nát cõi lòng cha mẹ
Hơn nửa tháng từ ngày xảy ra sự việc, bà nội bé Khánh mỗi lần nhắc đến cháu lại chảy nước mắt. Bà cho biết cuộc sống bị đảo lộn rất nhiều. Bố của Khánh bị suy sụp tinh thần như biến thành một con người khác. 
Cậu bé thường hay “quấn” bố, đi học về là chạy lại thủ thỉ chuyện lớp học, đòi bố cho ăn. Người cha mất con như cũng không thiết sống, nhiều lần nằm khóc vì thương nhớ con.
Anh Nam làm nghề đúc gang, nơi làm việc cách nhà 10km. Ngày nào anh cũng đi làm từ 17h hôm nay đến 5h sáng hôm sau mới về, chơi với con được khoảng hai tiếng là đến giờ bé phải đi học. Thời gian hai bố con ở bên nhau mỗi ngày chỉ được từng đó, nhưng Khánh rất quấn bố, mỗi khi bố đi về lại quấn quýt hỏi thăm, khi thì đấm lưng, khi thì kể chuyện, khi thì khoe bức tranh tập vẽ… 
Khi chăm sóc con, anh đã cẩn thận đến mức bên nhà ngoại gần ao và mương nước, anh Nam đã hạn chế cho sang sợ con hiếu động ngã xuống. Vì vậy, việc con đi chơi ngã xuống bể nước khi hai vợ chồng đều ở nhà khiến anh càng thêm dằn vặt. 
Người cha lấy những tấm ảnh nhỏ của con từ trong ví ra ngắm. Đôi tay run run xúc động, anh lần giở từng tấm hình, nhắc lại từng thời điểm chụp. “Cháu rất thích chụp ảnh. Ngày nào cũng lôi điện thoại của tôi ra chụp, có lúc nhiều ảnh quá phải xóa bớt đi, cháu còn phụng phịu. Vậy mà sáng hôm xảy ra sự việc, không hiểu sao cháu lại xóa hết ảnh trong máy tôi đi”, anh Nam trầm ngâm.
Cách đó vài chục bước chân là nhà cháu Văn. Chị Trần Thị Duyên (SN 1985) nhắc đến con trai lại lặng lẽ khóc. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị đi chợ bán rau, buôn hoa quả, chồng đi làm thợ cơ khí, mẹ chồng đau ốm liên miên. Cả nhà ai cũng mừng sau khi hai đứa con “đủ nếp, đủ tẻ” lần lượt ra đời. 
Bé Văn rất ngoan ngoãn, thường hay trông em giúp mẹ làm việc. Đứa con gái thứ hai rất yếu ớt, hai tuổi mà chưa biết đi, cả ngày chỉ ư a vài câu, nên bao nhiêu hi vọng gia đình đều tập trung vào cậu con trai, không ngờ tai họa lại giáng xuống như vậy.
Hoang mang mảnh đất có “ma”
Xung quanh cái chết của hai cháu bé, người dân cho rằng mảnh đất có bể nước xảy ra vụ tai nạn là đất “nghịch”: “Nghe nói cách đây ba hay bốn đời, trong họ có ba người chết trẻ, đều dưới 10 tuổi. Đến thời kỳ chiến tranh, chỗ ấy có mấy người bị giặc bắn chết. 
Di ảnh hai cháu bé
 Di ảnh hai cháu bé
Khoảng 20 năm trước, lại có một anh thợ điện trong xóm phát hiện thấy ba người bị điện giật trong nhà liền chạy vào cứu. Cứu được họ thì chính anh ta lại bị chết. Vì vậy, sau tai nạn vừa qua của hai bé, mọi người có phần “rợn” hơn khi đi vào đó”. 
Bể nước xảy ra tai nạn nằm trong khuôn viên từ đường họ Trần của làng, rộng khoảng 20m2, ở dưới bèo phủ kín, phía trên là một ban thờ. Bà Khấm trông coi từ đường, cho biết: “Tôi có nghe mọi người đồn thổi về mảnh đất này, nhưng tôi không thấy điều gì bất thường. Việc các cháu mất là điều không ai mong muốn, và không thể đổ lỗi cho đất “nghịch” mà các cháu mất mạng”. 
Lời đồn còn cho rằng, trước đây có người đàn ông vùng khác đi qua rồi chết ở mảnh đất nơi có bể nước hiện nay. Gia đình nhiều lần lập đàn tiễn “vong” đi nơi khác, nhưng “vong” này quyết ngự ở đây, lâu dần thành “quan lớn” cai quản mảnh đất này. 
Rất nhiều người đã tin vào lời đồn trên vì sau đó lại xảy ra hiện tượng “vong” bé Văn hiện về kể chuyện đang phục vụ “quan”. Mẹ bé Văn cho biết: “Ngày 4/4, gia đình nhà bác tôi ở kế bên có việc nên làm mấy mâm cơm mời mọi người đến. Đang ăn, có một người chị họ tự nhiên nằm vật ra, đánh vào tôi mấy cái rồi trách “mọi người ăn cơm mà không mời con”. 
Mọi cử chỉ, giọng điệu đều rất giống khi cháu Văn còn sống. Thậm chí mảnh vải tôi mới mua không ai biết, chưa dùng đến “vong” cũng biết mà lôi ra hỏi. “Vong” còn thuật lại hôm bị ngã xuống bể nước ra sao, và nói hiện nay phải phục vụ “quan lớn” nữa”./.