Huế bình yên như một bản tình ca

(PLO) - Đến Huế, nếu chỉ loanh quanh trong nội thành, người ta cũng không cần đến xe máy mà thuê một chiếc xích lô là đủ. Huế nhỏ hẹp, chốc lát đã hết đường. Ngay cả giờ cao điểm, phố xá vẫn bình yên như trong video clip minh họa cho một bản tình ca.
Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức

Những ngày ở Huế, tôi thường thuê một chiếc xe máy cà tàng chạy khắp kinh thành. Huế là một thành phố không cần tới nhà chung cư, mà có lẽ tôi cũng không bao giờ mong muốn những chung cư hình hộp nhạt màu, đơn điệu đến vô cảm xuất hiện ở thành phố bình lặng này.

Đến Huế, nếu chỉ loanh quanh trong nội thành, người ta cũng không cần đến xe máy mà thuê một chiếc xích lô là đủ. Huế nhỏ hẹp, chốc lát đã hết đường. Ngay cả giờ cao điểm, phố xá vẫn bình yên như trong video clip minh họa cho một bản tình ca.

Festival Huế, thảng hoặc đường phố có nhộn lên đôi chút vì những đám rước hoặc một cuộc trình diễn ngoài trời.

Về Huế, ấy là người ta cảm thấy thời gian trôi chậm hơn một chút, thậm chí có lúc nào đó kim đồng hồ đã quay ngược về quá khứ, để đắm chìm trong sự tịch mịch của kinh thành cổ kính. Tôi rất thích khoảnh khắc được ngắm nhìn những chiếc xích lô, xe to, xe nhỏ đi qua cổng thành, giống như một trường quay khổng lồ đang sống động trước mắt.

Giữa trưa nắng hạ, phố phường thậm chí còn vắng lặng hơn nữa. Và đó chính là thời khắc khách lãng du cảm thấy “Huế” nhất. Hai con đường bên dòng sông Hương lốm đốm bóng cây. Nắng thì vẫn rực lên những bức tường lịch sử của quảng trường Ngọ Môn.

Một mình lang thang trong Đại Nội cũng là lúc chính Ngọ, nghe bước chân mình lộp cộp tiến sâu dần vào các hậu cung mọc phơ phất cỏ dại. Nhìn quanh đã không còn bóng ai nữa, chỉ thấy thành quách rêu phong và đổ nát của những khu vực chưa được tu sửa.

Rẽ ngang rẽ dọc qua những lối đi lát gạch, qua những cổng vòm, tam cấp, những khoảnh sân từng tấp nập bước chân cung nữ, tôi ngõ hầu như lạc đường. Ngồi lặng trên một bậc thềm, cố gắng hình dung ra kiệu son lộng lẫy và dáng vẻ vương trượng của các bậc quân vương khi bước xuống với tấp nập quan quân hộ tống và bao cung nữ, tỳ nữ xinh đẹp.

Lúc ấy lại mỉm cười khi nhớ đến câu chuyện vui từng đọc về Gia Long, vị hoàng đế thành lập vương triều nhà Nguyễn và là người khởi công xây dựng kinh thành Huế (1805), chính là cái bậc thềm rêu phong mà tôi đang ngồi nghỉ chân với một chiếc nón Huế làm quạt và một chai nước Lavie. 

Nhiều vùng đất chỉ cần có một ngôi chùa, một mái đình cổ cũng quý, cũng biến thành một di tích tham quan đáng kể, còn Huế là một thành phố dư thừa di sản. Những lăng những tẩm, chùa chiền, đền đài… rải rác dọc đường nhiều đến nỗi rất nhiều lăng, đình cỏ mọc hoang và đổ nát cho dù có treo biển “di tích lịch sử” ở đằng trước.

Ngoài Đại Nội thì có ba nơi không thể không tham quan khi đến Huế là Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức và Lăng Khải Định.

Những con đường chạy về các lăng đầy chất thơ, đầy lãng mạn và nếu người lữ khách cứ muốn chui vào xe ô tô máy lạnh thì chuyến đi mất hẳn phần thi vị. Con đường dễ thương nhất ấy là đường Điện Biên Phủ với những ngôi nhà cổ kính và nhỏ nhắn rất Huế, những tiệm áo cưới cũng xinh xắn, những ngôi chùa thinh lặng, những biệt phủ và nhà hàng kiểu cung đình có biển chữ theo phong cách thư pháp như hầu hết các quán hàng, cà phê trong thành nội.

Cuối đường Điện Biên Phủ có đàn Nam Giao. Chính giữa đàn tế hình tròn, nơi trước đây vua và hoàng hậu vẫn làm lễ tế trời, nay để một tấm biển Cấm tập thể dục. Chẳng ai lại không muốn được tập thể dục dưỡng sinh ở một không gian rộng lớn nhiều cây xanh và yên tĩnh như đàn tế, nên dễ hồ ban quản lý đành phải treo biển cấm. 

 

Từ bức tường thông tuyệt đẹp bao quanh đàn Nam Giao, đi xuôi theo đường Minh Mạng sẽ đến lăng Khải Định, còn rẽ quặt về trên là lăng Tự Đức. Kiến trúc lăng mộ thế nào là tùy thuộc vào tư duy và tính nết của từng vị vua.

Yêu thích thơ ca, vua Tự Đức chọn cho mình một nơi sơn thủy hữu tình mà đồng thời cũng là nơi nghỉ dưỡng, làm việc và sáng tác khi nhà vua còn sống. Vì thế Lăng Tự Đức có phần giống một công viên cả về diện tích lẫn kiến trúc. Lăng Khải Định dù diện tích khiêm tốn song lại được xây dựng công phu nhất với sự hãnh diện pha trộn đủ mọi trường phái kiến trúc: Phật giáo, Ấn Độ, Roman, Gô tích và những chất liệu hiện đại ngoại nhập như sắt, thép, xi măng, sành sứ, kính màu…

Trong khi đó, Lăng Minh Mạng lại là một công trình kiến trúc uy nghiêm và trầm mặc nằm giữa lòng hồ nhân tạo. Nhưng dù xây theo cách nào thì lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn cũng đều phải mất nhiều năm mới hoàn thành, huy động nhân lực của hàng vạn quân lính, thợ thuyền, tiêu tốn vô số tiền của khiến dân chúng oán thán chẳng khác nào dân Ai Cập cổ đại xây lăng mộ Pharaon hay người Trung Hoa xây Vạn lý trường thành.

Thậm chí dưới thời vua Tự Đức, do lao dịch nghiệt ngã quá mà các nhân công còn dùng chày vôi làm vũ khí nổi loạn và đảo chính nên gọi là “giặc chày vôi”.

Trên đường Minh Mạng dẫn đến Lăng Khải Định, lúc về tôi thấy một tấm biển đề Khu du lịch sinh thái Thủy Tiên. Biển đã rách nát một phần. Tiện đường rẽ vào, gặp cổng bảo vệ bị thu tiền vé 10.000 đồng. Phóng thẳng xe vào bên trong, tôi thoáng rùng mình khi công viên Thủy Tiên (nằm bên hồ Thủy Tiên) có kiến trúc rất đẹp, có đầy đủ công viên nước, hồ trình diễn cá heo, vườn hoa, nhiều tượng và phù điêu độc đáo… song tất cả đều gẫy nát, nứt nẻ và hoang phế trong quang cảnh không có một ai ngoài… tôi.

Ngay lúc vừa định quay ra để cằn nhằn người bán vé cũng ma quái không kém khi dám cả gan thu tiền khách cho một công viên bỏ hoang thì tôi loáng thoáng thấy có vài người vào tham quan khu vực thủy cung phía bên kia hồ.

Hóa ra họ vẫn bán vé vào “thủy cung” cũng với giá 10.000 đồng, bảo lấy tiền cho mấy con cá sấu ăn. Đáp lại lòng nhiệt tình mua vé tham quan “thủy cung” của tôi, người trực cửa cho biết công trình này thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh, giờ đang trong quá trình nhượng lại cho một nhà đầu tư tư nhân từ Hà Nội vào.

Anh ta bảo thế, và tôi hiểu ra ngay vấn đề, sau một hồi tiếc rẻ thay cho một dự án, cho các công dân Huế đang thiếu chỗ vui chơi hiện đại và thậm chí tiếc thay cho người Hà Nội “giá như có một chỗ thế này”. Rời khỏi Thủy Tiên, một lần nữa thấy Huế thật kỳ lạ. Đến một công viên hiện đại làm vậy mà cũng nhang nhác như phế tích, như bao đền đài, cổ mộ rêu phong rải rác khắp kinh thành.

Một cách khác để du ngoạn xứ đô thành, ấy là đi thuyền trên sông Hương. Khách có thể mua một suất du thuyền giá 240.000 đồng kèm ăn trưa, khởi hành từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều thì quay lại bến. Thuyền sẽ đi ngược dòng qua Đại Nội, chùa Thiên Mụ, khu nhà vườn Kim Long, Lăng Tự Đức, làng nghề làm nón-hương trầm, Điện Hòn Chén, Lăng Minh Mạng… Nghĩa là hầu hết những thắng cảnh quan trọng của xứ Huế. Nếu khách có kinh nghiệm, xuống tận bến giao dịch trực tiếp với chủ thuyền sẽ được một giá tốt hơn. 

Tôi ngồi trên chiếc ghế nhựa đầu mũi thuyền, ngược dòng Hương trong một sớm chiều tắt nắng. Rất tiếc mũi thuyền rồng cao vút đã cản mất tầm nhìn phía trước, chỉ còn cách ngắm hai bên bờ. Những bãi mía vẫn trải dài dịu dàng theo dòng nước, và mái nhọn Gô tích của những nhà thờ xứ đạo, mái vòm cong cong của vài ngôi chùa nhỏ rải rác dọc bờ sông. Cố đô Huế tự thuở nào đã tĩnh lặng, khiến ngay cả nước sông cũng bình yên theo, như hồ không dám chảy xiết làm hỏng cảnh quan của đôi bờ. 

Những việc nên làm:

- Nếu bạn không ngại những đám đông thì đến Huế vào kỳ Festival cũng sẽ rất tuyệt vời. Festival Huế lần thứ 9 sẽ kéo dài từ 29/4 đến 4/5/2016.

- Nếu là phụ nữ, bạn nên dành ra 30 phút để chọn may một chiếc áo dài ở một trong số những tiệm may san sát ngay bên thành nội, có thể lấy ngay trong ngày, nhân viên phục vụ nhiệt tình và giá cả tuyệt đến nỗi không nên từ chối.

- Nên thưởng thức bộ ba món cơm, bún, cháo hến bên cồn Hến.

- Bạn nên chạy trên những con đường tĩnh lặng, nên thơ đến lăng Minh Mạng, Khải Định bằng một chiếc xe máy thuê chứ nhất thiết đừng để những cánh cửa sổ ô tô giết chết cảm xúc của bạn.

Đọc thêm