Huyền bí tục thờ “dòng nước thần” ở vùng đất Mường Đòn

(PLO) -  Ở làng Vân Đội thuộc vùng đất Mường Đòn, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) có một dòng nước được người dân bản xứ thờ tự. Sự linh thiêng của dòng nước khiến cho vùng đất này ngày một trở nên huyền bí.

Cụ Liên (chủ tế) thắp hương bên trong đền thờ tướng Vũ Duy Dương.
Cụ Liên (chủ tế) thắp hương bên trong đền thờ tướng Vũ Duy Dương.
Tục thờ lạ kỳ
Chúng tôi ngược về vùng đất Mường Đòn, nơi vẫn còn lưu giữ rất nhiều các phong tục của dân tộc. Một trong nhưng phong tục lạ mà đồng bào nơi đây vẫn còn lưu giữ là tục thờ cúng thần nước. Bởi vùng đất này có một dòng nước chảy ra từ trong khe núi, không bao giờ cạn. Cũng nhờ có dòng nước thần nên cuộc sống của người dân mới sung túc, no ấm, đủ đầy. Theo người dân nơi đây, có được điều này là do dân làng được thần núi ban cho dòng nước mát để phục vụ nhu cầu tưới tiêu.
Để tìm hiểu tục thờ cùng thần nước ở vùng đất linh thiêng này chúng tôi đã tìm gặp cụ Bùi Ngọc Liên (67 tuổi) để hỏi chuyện. Khi nhắc đến mó nước linh thiêng, cụ Liên cho biết: “Mó nước này có từ đời nào thì tôi cũng không nhớ nữa, chỉ biết rằng từ lúc sinh ra tôi đã thấy mó nước này rồi. Cũng vì có mó nước nên người dân trong vùng mới có cái để mà tưới tiêu. Chính vì nó là nguồn nước cung cấp chính cho bà con nên chúng tôi mới phải lập miếu thờ. Ở chỗ đó linh thiêng lắm vì nó gần một cây thị mà năm xưa bà Vũ Thị Cao, em gái của tướng Vũ Duy Dương tự sát”.   

Theo cụ Liên, xưa kia vùng đất này là chốn hoang vu vì có nhiều cây cối ung tùm, lại tập trung nhiều loài thú dữ về đây để uống nước. Tại mó nước này cũng đã từng có nhiều người chết vì bị hổ bắt. Cụ Liên từng được nghe các cụ kể rằng, xưa kia có một người đàn ông ở xã Thành Vinh vào chân núi này để chặt nứa. Khi đang chuẩn bị vác nứa về thì bất thình lính con hổ lao tới. Nhanh như cắt người đàn ông này đã nhảy tọt vào bụt nứa ngay cạnh để lánh nạn. 

Không chịu buông tha con hổ tiếp tục lao tới, dùng móng vuốt của mình thò vào giữa bụi nứa. Cũng may là người đàn ông ấy kịp tuốt dao ở trong nắp ra để chém vào chân hổ. Sau một hồi vật lộn cuối cùng con hổ cũng phải bỏ chạy, từ đó đến giờ vùng núi này mới linh thiêng.

Sự linh thiêng của khu rừng khiến cho người dân ít khi lui đến. Cụ Liên bảo: “Đây là “rừng thiêng nước độc”, nên không ai dám nói tục hoặc xúc phạm đến thần linh. Chính vì nó là nguồn nước thiêng nên chúng tôi mới phải dựng một cái miếu để thờ cúng. Năm nào chúng tôi cũng phải cúng tế để gọi thần núi, thần nước về để che chở cho dân làng”. 

Cụ Liên dẫn phóng viên ra miếu thờ cùng mó nước thiêng.
Cụ Liên dẫn phóng viên ra miếu thờ cùng mó nước thiêng. 

Vừa rồi cụ Liên đã cùng dân làng làm một cái lễ cúng thần núi, xin xây dựng công trình thủy lợi phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho dân bản. Có được công trình thủy lợi dẫn từ dòng nước thần về đồng ruộng nên ai cũng phấn khởi. Do là dòng nước thần ban cho dân làng nên năm nào bà con cũng được mùa.  

Gần dòng nước thần, lại có một cây thị to che chở cho một ngôi đền. Cụ Liên trầm ngâm kể lại: “Cây thị này đã hàng nghìn năm tuổi rồi, cứ đến mùa là nó lại ra hoa kết trái. Cây thị sai quả và hương thơm bay khắp vùng nhưng không ai dám trèo lên để hái quả”. 

Cũng theo cụ Liên, cây thị này mọc trên đỉnh của một ngọn núi thiêng. Bởi dưới gốc cây chính là ngôi đền mà bà Vũ Thị Cao năm xưa đã tự sát.

Theo người làng Vân Đội, do cây thị um tùm nên cứ vào những đêm trời mưa lâm râm, trên ngọn cây lại phát ra những tiếng kêu ai oán, tựa như một vết dao cứa vào cổ, bởi bà Vũ Thị Cao đã tự sát ngay tại gốc cây này khi biết tin anh trai là Vũ Duy Dương bị gian quân mưu sát. 

Sau khi bà Vũ Thị Cao chết, dân bản đã lập đền thờ cúng tế. Vì vậy mà những câu chuyện linh thiêng ở ngọn đồi này càng trở nên đáng sợ.

Mảnh đất “rừng thiêng nước độc”
Chốn “rừng thiêng nước độc” này còn gắn liền với một câu chuyện có thật được người dân truyền từ đời này sang đời khác. Cụ Liên được các cụ xưa kia kể lại rằng, tướng Vũ Duy Dương là một người văn võ song toàn (Tổng trấn vùng núi xứ Thanh) nhưng bị gian quân mưu sát. Tướng Vũ Duy Dương là một người phò nhà Lê diệt nhà Mạc. Trong một lần giao chiến với binh lính nhà Mạc, do sơ ý nên ông đã bị đám hỗn quân (tức binh lính nhà Mạc cài cắm) chém bất ngờ giữa đám hỗn loạn.

Đầu của tướng quân chưa lìa khỏi cổ, ông một mình một ngựa chạy đến vùng đất Mường Đòn thì bị kiệt sức và hy sinh ở đấy. Khi người dân thấy tướng quân mặc áo giáp hy sinh trên mình ngựa thì họ mới biết đây là “tổng trấn”. Thấy vậy dân bản mới âm thầm chôn cất rồi lập đền thờ cúng tế. 

Cụ Liên nói: “Không riêng gì bên phía Đền Bà có nguồn nước thần mà ngay cạnh đền tướng quân Vũ Duy Dương cũng có một nguồn nước lạ. Dòng nước này được chúng tôi ví như dòng sữa mẹ luôn tuôn chảy che chở, tắm mát cho người anh hùng đã xả thân vì nghĩa lớn”. 

Bẵng đi một thời gian, người em là Vũ Thị Cao biết người anh đi biệt tích nên đã tìm đến vùng đất Mường Đòn. Người em vừa đi tìm anh vừa mang ý nguyện cùng anh dụng binh phò vua Lê diệt giặc Mạc. Tiếc thay, khi người em vào đến vùng đất Mường Đòn thì biết tin anh đã bị hỗn quân chém. Người em phẫn uất vì chưa hoàn thành được ý nguyện nên đã rút dao tự sát để tránh rơi vào tay quân tướng nhà Mạc. Do dân làng tưởng đó là vợ chồng nên họ đã lập đền thờ Đức Ông và Đức Bà. 
Biết đây là hai người tài giỏi lại chết trên mảnh đất linh thiêng nên dân làng đã tôn hai vị tướng này là ông tổ của dòng họ nhà mình. Về sau vua Lê Trang Tông (1533-1548) biết tin đó là hai anh em, nhà vua cảm phục ý chí của người em, nên đã truy phong tước danh: “Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh bình tặc”.
Từ đời này rồi lại đời khác, dân làng vùng Mường Đòn âm thầm thờ cúng hai vị thần này. Ai cũng mong muốn được thần che chở để họ làm ăn phát đạt, không ốm đau, bệnh tật. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, cứ vào ngày 18 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, bà con lại làm lễ cúng tế, họ cầu cho vạn vật sinh sôi nảy nở, cây cối tốt tươi, gia đình ấm no. Những dịp mở lễ hội cũng là để cho bà con trong bản được hồi tưởng về một vùng đất văn hiến, chứa đựng các giá trị văn hóa của dân tộc. 

Cụ Bùi Ngọc Liên là chủ tế, nên khâu chuẩn bị cho ngày hội trong năm luôn được cụ chuẩn bị chu đáo vì nó là văn hóa của dân tộc. Trong những ngày đó còn là dịp để cho bà con dân bản được ôn lại các giá trị văn hóa dân tộc. Đây cũng chính là hoạt động tâm linh có ý nghĩa vô cùng to lớn đối bà con để họ hăng say lao động sản xuất. 

Ngày 22 tháng 7 năm 1986 Mường Đòn vinh dự được Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa ký quyết định công nhận đền làng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Chính điều này đã là động lực thúc đẩy đời sống tinh thần cho bà con nơi đây.