Kì vọng về phim cổ trang thuần Việt

(PLVN) - Khát vọng phát triển nền phim cổ trang tại Việt Nam vẫn là “nói dễ hơn làm”. Cũng không quá khi cho rằng, các nhà làm phim cổ trang luôn ở trong tình trạng “bước trên con đường chông gai”, “ngồi trên chảo lửa” cho đến khi dự án phim ra mắt, nhận được phản hồi từ khán giả. Song, khán giả vẫn đang mong chờ những tín hiệu khởi sắc vào năm 2020.
Phim cổ trang “Khát vọng Thăng Long”  ra mắt 2010
Phim cổ trang “Khát vọng Thăng Long” ra mắt 2010

Loạt phim cổ trang ra mắt năm 2020

Trong năm 2020, dự kiến sẽ ra mắt hàng loạt bộ phim cổ trang được chuyển thể từ truyện cổ tích, truyện tranh, văn học nổi tiếng. Trong danh sách các phim được công chúng kì vọng, có thể gọi tên “Trạng Tí” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Bộ phim được chuyển thể dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng của Việt Nam “Thần đồng đất Việt”, dự kiến lên sóng đầu tháng 5/2020. 

Cái tên tiếp theo là tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du cũng sẽ được chuyển thể lên màn ảnh rộng bởi nhà sản xuất Mai Thu Huyền. Dự án phim chính thức bấm máy vào tháng 4, dự kiến sẽ ra rạp vào cuối năm nay.

Mặt khác, cũng ra mắt trong năm 2020, dự án phim “Trưng Vương” – câu chuyện về hai vị nữ vương nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là Trưng Trắc và Trưng Nhị (khoảng những năm 40 sau công nguyên) đã được hé lộ vào cuối năm 2019 với sự tham gia của diễn viên Trương Ngọc Ánh. 

Nữ diễn viên cũng cho biết sẽ kết hợp với đạo diễn Victor Vũ để làm phim “Sơn Tinh -Thủy Tinh: Chuyện chưa kể”. Bên cạnh đó, dù không lựa chọn phương thức thể hiện trên màn ảnh, một dự án cổ trang cũng được khán giả chờ mong mang tên “Phượng khấu” bởi đề tài cung đấu, gay cấn, dự kiến sẽ được phát hành độc quyền trên các ứng dụng giải trí trực tuyến.

Nói về phim cổ trang, hầu như chưa có một đất nước châu Á nào có thể vượt qua “ông lớn” Trung Quốc, với đủ thể loại từ ngôn tình chuyển thể, tình cảm hài hước, cung đấu, đến tình sử, kiếm hiệp, tiên hiệp… Cổ trang Hàn Quốc tuy “sinh sau, đẻ muộn” nhưng cũng có được một số bộ phim nổi danh quốc tế.

Khách quan mà nói, cổ trang Việt Nam vẫn còn tương đối “tụt hậu” so với phim cổ trang các nước bạn. Trên thực tế, suốt thập kỷ qua, rất nhiều dự án phim cổ trang đã dành được nhiều sự chú ý, thu hút đầu tư cũng như dành được nhiều kỳ vọng từ khán giả, dư luận. Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa thực sự được thưởng thức một “siêu phẩm” cổ trang theo đúng nghĩa. 

Có thể thấy, số phận các bộ phim cổ trang thường rơi vào ba trường hợp: Phim được PR tốt, doanh thu cao nhưng bị chê chất lượng sơ sài, lai tạp; hoặc phim có chất lượng ổn, có nghiên cứu kĩ lưỡng nội dung thì lại “đìu hiu” tại các rạp chiếu; hoặc tệ nhất là các bộ phim bị đánh giá “thảm họa phòng chiếu toàn tập”. 

Năm 2010, “Khát vọng Thăng Long” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh ra rạp Việt Nam, được giới chuyên gia đánh giá tốt nhưng lại thất bại ở doanh thu phòng vé bởi suất chiếu ít, doanh thu không bù được kinh phí. Năm 2012, “Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ dù ra mắt đúng dịp Tết nhưng bị chê “nội dung xa rời văn hoá Á Đông, tâm lý nhân vật hời hợt”; phim chỉ thu về hơn 16 tỷ, so với kinh phí đầu tư 25 tỷ.

Năm 2013, “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng quy tụ dàn diễn viên đình đám như Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Diễm My, Ngọc Quyên… tuy đã thành công đạt doanh thu phòng vé tới 57 tỷ đồng nhưng đã không tạo được dấu ấn nào về mặt nội dung hay về tính nghệ thuật. 

Phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể có doanh thu khủng nhưng vẫn đầy sạn
 Phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể có doanh thu khủng nhưng vẫn đầy sạn

Đồng cảnh ngộ, phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân năm 2017 đã đạt doanh thu “khủng” 66 tỷ đồng nhưng bị “phàn nàn” là nội dung rời rạc, không đặc sắc, diễn xuất không đồng đều. Năm 2019, “3D Cung Tâm Kế” ra rạp vào dịp Tết đã bị đánh giá là “thảm họa toàn tập”, chỉ thu về khoảng 500 triệu đồng.

Bộ phim dù khai thác mảng cung đấu nhưng vẫn bị khán giả “nhặt sạn” ở mọi khía cạnh - nội dung, bối cảnh, trang phục, diễn xuất. Ngược lại, “Trạng Quỳnh” của đạo diễn Đức Thịnh dù thắng lớn phòng vé với doanh thu hơn 100 tỷ nhưng không nhận được đánh giá cao  từ người xem, chủ yếu là chê bai về cốt truyện yếu, ngôn ngữ không phù hợp…

Con đường “chông gai”

Thực tế cho thấy, thị trường phim cổ trang Việt đang không đồng bộ về nội dung, chất lượng, diễn xuất, cũng như doanh thu. Do đó, các nhà sản xuất, đạo diễn cũng “dè dặt” khi bắt đầu các dự án phim cổ trang Việt so với các dự án phim khác.

Các nhà sản xuất, đạo diễn cho rằng cái khó lớn nhất của các dự án phim cổ trang chính là do kinh phí eo hẹp. Phim cổ trang luôn đòi hỏi kinh phí đầu tư cao, từ phục trang đến bối cảnh, kỹ xảo hậu kỳ. Ở Việt Nam không có phim trường chuyên nghiệp cho phim cổ trang nên tiền đầu tư bối cảnh thường tốn kém. 

Đơn cử “Thiên mệnh anh hùng” tiêu tốn khoảng 25 tỷ đồng, tiền đầu tư “Mỹ nhân kế” cũng “ngót nghét” 17 tỷ đồng, ekip “Tây Sơn hào kiệt” và “Ngày nảy ngày nay” phải “thắt lưng buộc bụng” cũng không chạm dưới mức 12 tỷ đồng.

Như vậy, hầu hết các bộ phim cổ trang đều có mức đầu tư cao hơn so với mặt bằng chung. Do đó, các dự án phim cổ trang thường chỉ tồn tại được nếu là dự án do Nhà nước đầu tư, đặt hàng (ví như Lục Vân Tiên, Ngọn nến hoàng cung…) hoặc do một số nhà sản xuất tư nhân có tiềm lực lớn thực hiện (Tây Sơn hào kiệt, Mỹ nhân kế…).

Về mặt chuyên môn, thị trường phim ảnh Việt Nam vẫn chưa có những tên tuổi hay ê-kíp làm phim cổ trang chuyên nghiệp, thường phải “vay mượn” các đạo diễn, ê-kíp chuyên nghiệp từ nước ngoài. Ví dụ, bộ phim “Lý Thái Tổ - Đường tới thành Thăng Long” nhằm kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long có 3 đạo diễn nhưng có đến 2 đạo diễn là người Trung Quốc.

Mặt khác, phim cổ trang thường có đòi hỏi cao về yếu tố kỹ xảo và những cảnh võ thuật. Tuy nhiên, những yếu tố này vẫn còn khá hạn chế trong hầu hết các phim cổ trang Việt. Đơn cử, bộ phim “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn khai thác đề tài cuộc chiến chống giặc ngoại xâm nhưng bị chỉ trích là “không có nổi một cảnh binh đao khói lửa nào nên hồn”. Như phim “Lục Vân Tiên” dù được đánh giá tốt về nội dung nhưng về phần võ thuật rất hạn chế, kỹ xảo yếu kém. 

Bên cạnh đó, trang phục cổ trang cũng là yếu tố được dư luận và giới chuyên môn “soi” nhiều nhất. Kể cả bộ phim được đầu tư khá kỹ lưỡng cho phục trang như “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” vẫn bị khán giả nhận xét “quá màu mè, không phù hợp bối cảnh”. Hay từng có bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới Thành Thăng Long” đã bị cấm chiếu vì sử dụng phục trang Trung Quốc, không có nét nào thuần Việt. 

Bên cạnh hình thức, kịch bản và nội dung cũng là những hạn chế của phim cổ trang Việt Nam. Việc thiếu hụt những biên kịch chắc tay cùng đội ngũ cố vấn gồm những chuyên gia về lịch sử, văn hóa đã khiến nhiều phim cổ trang Việt có nội dung hời hợt, rời rạc, không có ý nghĩa sâu sắc về văn hoá – nghệ thuật. Tiêu biểu là những bộ phim như “Anh chàng vượt thời gian”, “Cuộc chiến với chằn tinh”… 

Mặc dù khó như vậy, các dự án phim cổ trang vẫn nhận được nhiều sự quan tâm, không chỉ từ các nhà chuyên môn, nhà làm phim mà còn từ chính công chúng. Khán giả vẫn đang mong đợi những “siêu phẩm” cổ trang đúng nghĩa.

Đó không chỉ là những thước phim chất lượng, mang đậm bản sắc Việt, mà còn là một sản phẩm văn hoá – nghệ thuật ý nghĩa đối với đời sống tinh thần khán giả Việt, góp phần tăng thêm hiểu biết, tạo động lực cho người xem tìm hiểu về lịch sử, nguồn cội của dân tộc, của đất nước.  

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng của phim “Mỹ nhân kế”:  “Hiện tại, dòng phim cổ trang Việt Nam đang yếu nhất mà chúng ta cứ né tránh hoài thì chẳng bao giờ mạnh được”.

Đạo diễn Dustin Nguyễn của phim “Lửa Phật”: “Chẳng lẽ mình cứ tiếp tục quanh quẩn làm mãi một thể loai phim hài thôi sao? Chúng ta phải làm nhiều loại phim mới nữa để đa dạng hóa nền điện ảnh của mình chứ. Tôi tin mình không phải là người duy nhất nghĩ như vậy”.

Đạo diễn - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”:  “Nếu chỉ có 20 tỷ đồng làm phim cổ trang sẽ rất khó. Chúng tôi muốn có nhiều thứ, cố gắng hết sức nhưng vẫn là điều không tưởng trong bối cảnh điện ảnh Việt”.

Nhà sản xuất - đạo diễn Mai Thu Huyền của phim “Kiều”: “Chúng tôi tôn trọng mọi cột mốc trong cuộc đời của Kiều nhưng phải sáng tạo, bởi nếu không, thà khán giả mở truyện ra đọc cho xong”.

Đạo diễn Đinh Thái Thụy của phim “Mỹ nhân”: “Mỹ nhân” nói về thời kỳ cách chúng ta vài trăm năm, thời kỳ Trịnh - Nguyễn. Tất cả bối cảnh, đạo cụ, trang phục trong phim hầu như phải tái dựng. Sử liệu và những tài liệu chi tiết về thời kỳ này không còn nhiều nên thực sự gây khó cho chúng tôi trong quá trình thu thập”.

Đọc thêm