Làm gì để không bị sét đánh trong mùa mưa bão

(PLO) - TS Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lí địa cầu – khuyến cáo, để tránh bị sét đánh, khi gặp trời giông sét, nên nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, những chỗ ẩm ướt, không dùng điện thoại bàn trừ trường hợp cần thiết… Tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa.
Làm gì để không bị sét đánh trong mùa mưa bão
Tháng này, Hà Nội nhiều giông sét nhất
Theo TS Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lí địa cầu, hoạt động giông sét ở nước ta tương đối mạnh, đồng đều trên khắp cả nước, chủ yếu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch. Số ngày giông trung bình khoảng 100 ngày/năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ/năm. Trên nền hoạt động giông tương đối mạnh thường có độ chênh lệch khá lớn về mức độ hoạt động giông ở các vùng. Khu vực nhiều thì mỗi năm có đến 140 ngày giông, khu vực ít cũng khoảng vài chục ngày giông. Phụ thuộc từng nơi mà mùa giông có thể sớm hay muộn hơn, tháng nhiều giông nhất cũng thay đổi theo địa phương. 
TS Nguyễn Xuân Anh
TS Nguyễn Xuân Anh
“Ví dụ như ở Hà Nội giông nhiều nhất tập trung vào các tháng 6,7,8 và tháng cao nhất  là tháng 7(trong tháng này trung bình có tới 16 ngày/năm). Trong khi đó ở Sơn La, Lai Châu mùa giông có thể bắt đầu từ tháng 3 và tháng nhiều nhất lại là tháng 6. Hoạt động giông thay đổi nhiều hàng năm có thể dao động tới 30 – 50%  so với giá trị trung bình” – TS. Nguyễn Xuân Anh nói.
Các “nguyên tắc vàng” phòng tránh giông, sét
TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết, để phòng tránh giông, sét, khi trời sắp xảy ra giông, nên tìm chỗ tránh sét là tòa nhà có hệ thống chống sét. Khi ở trong nhà, nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, những chỗ ẩm ướt, không dùng điện thoại bàn trừ trường hợp cần thiết, rút hết các phích cắm vào thiết bị điện, điện tử, ngắt kết nối dây anten với vô tuyến trong trường hợp không sử dụng hoặc không có thiết bị cắt lọc sét.
Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại.
Cần tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ. Phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Nhón chân, không được nằm xuống đất. Đứng xa các vật cao, ra khỏi ngay những nơi chứa nước. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm.
“Không đứng thành nhóm người gần nhau. Đối với các vật có bề mặt kim loại kín như ô tô, xe bus…, nếu không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc thì sẽ an toàn”, TS. Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo. “Những cơn giông đầu mùa hay sau những ngày nắng nóng thường có nhiều sét. Gần cuối cơn mưa thường có nhiều sét đánh xuống đất do chân mây hạ thấp. Lúc cơn mưa đã tạnh cần chờ ngớt hẳn khoảng 30 phút, tốt nhất là không nghe thấy tiếng sấm ở gần thì mới nên đi ra ngoài. Người dân nên cẩn thận hơn để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”.