Lời giải cho dẹp nạn du lịch 'chặt chém' nằm ở đâu?

(PLO) - Thời điểm hè, mùa du lịch, lợi dụng khách đông, nhu cầu ăn uống, tham quan, lưu trú nhiều, việc hét giá, “chặt chém”, “cò mồi” càng nở rộ hơn bao giờ hết. Đây là một “vấn nạn” của du lịch Việt, đã gây nên hình ảnh “xấu xí” về du lịch của các địa phương nói riêng và du lịch Việt nói chung.
Chợ đêm Đà Lạt (Ảnh từ internet)
Chợ đêm Đà Lạt (Ảnh từ internet)

Nhiều nơi nổi tiếng với nạn “chặt chém” du khách 

Đà Lạt là một thành phố du lịch thơ mộng, lãng mạn và cực kì thu hút du khách. Nhưng song song với những ưu điểm của một thành phố du lịch đẹp, Đà Lạt cũng là điểm du lịch thường bị vướng những “tai tiếng” về nạn “chặt chém”: hết đánh du khách ngất xỉu vì không đồng ý với giá tiền “trên trời” mà chủ quán đưa ra, đến bát miến gà gần 700 ngàn đồng...

Nạn “chặt chém” tại khu vực chợ đêm Đà Lạt nổi tiếng đến mức nhiều diễn đàn du lịch đã đăng thông tin cảnh báo du khách luôn phải hỏi giá trước khi ăn vì nếu không, rất có thể sẽ ăn phải tô phở, bát bún hay đĩa ốc bé xíu có chất lượng trung bình với giá trên 100.000 đồng. Cạnh đó, khi phong trào du lịch nhà vườn, du lịch trang trại nổi lên, Đà Lạt còn nổi lên lực lượng “nhà vườn giả danh”, chỉ một mẩu vườn bé tí, ít cây trái nhưng cho lực lượng “cò mồi” đến tiếp cận các xe du lịch hoặc khách lẻ để quảng cáo về vườn dâu, vườn bí đỏ hoành tráng đẹp mắt và hoàn toàn miễn phí. Đến khi khách đến vườn mới “ngả ngửa” trước những chiêu “móc túi” của nhà vườn và “cò mồi”.

Một số địa phương du lịch khác cũng khá nổi tiếng với nạn “chặt chém” du khách là Vũng Tàu, Hà Nội, Hạ Long...

Tại Vũng Tàu, thời gian trước đây, nạn móc túi du khách thường diễn ra tại các quán cơm, quán ăn gia đình. Nhiều du khách bức xúc phản ánh về việc đến ăn một bữa cơm với những món như canh rau, cá kho, đến khi thanh toán thì giật mình với mức giá gấp 2, 3 lần giá thông thường, thậm chí có nơi niêm yết một đằng nhưng “lắt léo” “móc túi” du khách bằng nhiều chi phí phát sinh không có trong bảng giá.

Đồng thời, tại Vũng Tàu cũng tồn tại lực lượng “cò mồi” cho các quán hải sản là xe ôm, taxi, thường thuyết phục và đưa du khách đến những quán ăn có chất lượng dưới trung bình nhưng mức giá cao ngất... Về phần mình, Hà Nội cũng khá “nổi tiếng” với việc các hàng quán, cửa hàng thường phân biệt giữa khách bản địa và du khách các địa phương khác, đặc biệt là khách có “giọng miền Nam” để nâng giá cao gấp rưỡi, gấp đôi. Tại Cần Thơ, thủ phủ miền Tây tuy có tiếng vì hiếu khách, nhưng vẫn bị “chê” vì nạn chèo kéo khách, “cò mồi” tại các bến tàu, chợ nổi...

Cách xử lý hiệu quả nằm trong tay mỗi địa phương

Nạn “chặt chém” trong du lịch ở Việt Nam nói chung cũng đã lên nhiều website về du lịch nước ngoài. Các blogger du lịch nổi tiếng thế giới đã dành không ít lời ca ngợi cảnh sắc, văn hoa và ẩm thực Việt, tuy nhiên cũng không quên chêm vào đó những cảnh báo về nạn “chặt chém” du khách và đưa ra những bí quyết để khỏi bị “móc túi” khi di chuyển bằng taxi, xe ôm, xích lô, khi ở khách sạn, đi ăn hay mua sắm ở chợ... Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến cái nhìn của du khách về vùng miền, của khách nước ngoài về Việt Nam mà nó còn làm “ô nhiễm” môi trường du lịch, giảm tính cạnh tranh, khiến ngành du lịch giảm doanh số... 

Từ trước đến nay, đã có không ít đề xuất, các biện pháp liên quan đến việc dẹp bỏ nạn “chặt chém” và làm trong sạch môi trường du lịch. Trong đó, nhiều địa phương đã cho dân số điện thoại đường dây nóng của cơ quản quản lý tại quán ăn, khu du lịch để khách có thể phản ánh ngay các vụ vi phạm. Tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa như ý. 

Mới đây, Tổng cục Du lịch cho biết một công ty vừa đề xuất xây dựng tổng đài du lịch có chức năng tiếp nhận thông tin khiếu nại từ khách hàng, hỗ trợ thông tin cho du lịch chất lượng cao, thu thập thông tin địa điểm du lịch, giám sát công tác thực hiện, đánh giá điểm đến nhằm cải thiện chất lượng các điểm du lịch. Tổng đài du lịch này sẽ hoạt động 24/24h đảm bảo hỗ trợ khách hàng trong tất cả các trường hợp khẩn cấp, với chi phí thấp. Khác với đường dây nóng, tổng đài tất nhiên sẽ quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn và khá năng tiếp ứng, xử lý thông tin sẽ nhạy bén và đem lại kết quả tốt hơn.

Câu hỏi đặt ra là nếu đi vào hoạt động, quy mô triển khai của tổng đài là một vài thành phố nhất định hay trên cả nước? Một vấn đề khác là khi triển khai tại từng địa phương, hiệu quả hoạt động ra sao còn phụ thuộc vào khả năng thực thi của mỗi địa phương. Tổng đài xử lý thông tin tốt, nhưng cơ quan quản lý không nhanh gọn, quyết liệt thì kết quả cũng không thể như ý. 

Thế nên, câu chuyện vẫn quay về khả năng quản lý, mạnh tay dẹp loạn “rác” du lịch của từng địa phương. Vì sao Vũng Tàu dịp 30/4 vừa qua hầu như mất hẳn nạn “chặt chém” du khách, Sầm Sơn vốn là một “điểm nóng” về lừa đảo, bắt chẹt du khách giờ đây đã là một thành phố biển du lịch “sạch”. Nhờ đó, các thành phố này đã nhanh chóng lấy lại được thương hiệu du lịch, kéo du khách đến với mình. Có thể thấy, dù khó, phức tạp và dễ tái diễn nhưng vẫn có cách để xử lý triệt để. Cách hay đang nằm trong tay mỗi địa phương du lịch, chỉ quan trọng là các cơ quan quản lý ở địa phương có chịu dùng hay không mà thôi.