Lời thề giấu nghề ở làng múa rối

(PLO) -Làng Phú Hòa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất,TP Hà Nội) hàng chục thế kỉ nay là nơi lưu giữ nghệ thuật múa rối nước, cùng tồn tại lời nguyền không ai dám phá vỡ:  Không dạy nghề cho người ngoài, không dạy nghề cho con gái. “Cha truyền, con nối”
 
Ông Chính cùng những con trò được cải tiến tăng kích thước
Ông Chính cùng những con trò được cải tiến tăng kích thước

Sử làng Phú Hòa chép, nghệ thuật múa rối nước xuất hiện đầu tiên ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) do thiền sư Từ Đạo Hạnh sáng tạo ra. Nhưng làng Ra (nay đổi thành làng Phú Hòa) mới là nơi múa rối phát triển thịnh hành từ thế kỷ 11. Ông Nguyễn Hữu Đoàn (SN 1942), trưởng phường rối làng Phú Hòa cho biết ngôi thủy đình đầu làng là minh chứng cho nghệ thuật múa rối thịnh hành tại đây, được xây để biểu diễn múa rối nước. Đình làng được xây vào thế kỉ 16, đến năm 1992 dân làng đóng góp xây mới ngôi thủy đình khang trang ở trung tâm xã. Trùng hợp rằng cứ cách 5 thế kỉ dân làng lại xây đình mới.

Nghệ thuật rối nước xuất phát sơ khai từ những hình nộm giữ lúa ngoài đồng và các trò chơi dân gian, sau đó dần dần được nâng thành môn nghệ thuật. Hiểu nôm na, múa rối diễn tả lại mọi cảnh sống trên sân khấu nước qua các con rối (con trò). 

Thuỷ đình cổ ở làng Phú Hoà
Thuỷ đình cổ ở làng Phú Hoà

Ở “kinh đô rối nước”, từ xa xưa, những người đứng đầu làng đã đặt ra bộ quy tắc cấm: Cấm dạy nghề cho người ngoài làng, cấm dạy nghề cho con gái, cấm mang con trò ra khỏi đình làng. Ai vi phạm sẽ bị phạt vạ rất nặng gồm thóc, trâu, bò, lợn. Đặc biệt những người phá lệ sẽ bị làng “nguyền rủa” suốt đời. Mục đích lời nguyền nhằm giữ nghề, không để lọt những kinh nghiệm riêng ra bên ngoài. 

Từ trước đến nay người làng chỉ dạy nghề theo kiểu cha truyền con nối, khi nào cha từ giã nghề thì con trai mới được tiếp nối. Quá trình truyền nghề đảm bảo kín kẽ tuyệt đối, người ngoài không thể học lỏm: Trước tiên con trai chỉ nhìn bố làm rồi học theo, tuyệt đối không nói thành lời. Khi đã nắm kiến thức cơ bản, người bố hoặc thầy dẫn học trò vào buồng kín truyền dạy bí quyết khác. “Tổ tiên quan niệm nếu dạy nghề cho con gái, dễ làm lộ nghề ra ngoài khi con gái đi lấy chồng”, ông Đoàn nói. 

Con trò làm bằng gỗ mít
Con trò làm bằng gỗ mít

Lời nguyền giữ nghề vẫn được các thế hệ duy trì đến ngày nay. Phường rối hiện có khoảng 20 thành viên là nghệ sĩ dân gian tập hợp để biểu diễn múa rối trong các lễ hội của làng. Tất cả thành viên muốn vào phường rối phải hội tụ điều kiện sau: Nối nghiệp từ tổ tiên, đam mê nghề, đạo đức tốt.

Ông Nguyễn Hữu Chính (SN 1946, một trong hai người ở làng biết tạc con trò, nắm rõ mọi kĩ thuật múa rối), chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, rất nhiều địa phương, đặc biệt là các trường cao đẳng, đại học đến tận nhà mời ông tham gia giảng dạy môn múa rối nước. Khoản tiền thù lao mỗi buổi tiền triệu nhưng ông nhất quyết khước từ. Ông chỉ tham gia lưu diễn chứ không dạy nghề. Tương tự, nhiều cán bộ văn hóa từ địa phương đến TW nhiều lần đến nhà thuyết phục ông tham gia các lớp dạy nghề múa rối nước nhưng ông không thể nhận lời. “Biết là người ta bảo chúng tôi ích kỷ, bảo thủ nhưng lệ làng đặt ra hàng ngàn năm chưa ai dám vi phạm”, ông nói.

Chỉ có ở Việt Nam

Múa rối nước chỉ có ở Việt Nam, nội dung phản ánh mọi sinh hoạt đời sống thường ngày, mô phỏng lại những tích truyện, quá trình chống chọi thiên tai của con người. Điều này tạo điểm khác biệt với múa rối cạn ở các nước phương Tây chủ yếu mô phỏng cảnh chiến tranh. Trong múa rối nước, nghệ sĩ chủ yếu dùng tay, vai, chân, khuỷu tay điều khiển con trò. 

Nghệ sĩ phải dầm mình dưới nước suốt buổi diễn
Nghệ sĩ phải dầm mình dưới nước suốt buổi diễn

Múa rối nước được cho là có kĩ thuật cao bởi nghệ sĩ phải điều khiển hàng chục con trò qua hệ thống dây nối chằng chịt chìm dưới lòng nước. “Mỗi con trò được gắn với mỗi sợi dây nhỏ, các dây nhỏ tập trung về dây trung tâm. Hệ thống dây chìm dưới mặt nước khoảng 30cm. Nghệ sĩ phải dùng tay mò mẫm điều khiển con trò phía trên”, ông Chính giải thích. 

Muốn theo nghề múa rối nước, ngoài năng khiếu, còn cần có đam mê, kiên trì; bởi múa rối dễ gây nhàm chán. Nghệ sĩ cũng phải có kiến thức xã hội rộng để điều khiển cách ứng xử, hành động của con trò trên sân khấu hợp với vai diễn.

Mỗi đoàn rối thường có khoảng 20 người, trong đó phân nửa đảm nhận khâu âm thanh, kĩ thuật trên cạn. Một người giữ vai trò điều khiển chung (tương tự đạo diễn phim), còn lại là những người trực tiếp ngâm mình dưới nước điều khiển con rối. Quyết định thành bại của vở diễn chính là vị “nhạc trưởng”. Theo phong tục từ xưa đến nay, trước khi đi diễn, các đoàn ăn mặc chỉnh tề đến đình làng làm lễ cúng Thành hoàng. Sau đó biểu diễn ở đâu, thắp hương cúng thổ địa nơi đó. 

Trong nghệ thuật múa rối nước, kĩ năng chế tác con trò giữ vai trò quan trọng không kém “nhạc trưởng”. Cấu tạo con trò gồm: Đầu, hai chân, hai tay, thân, và các phần có thể cử động độc lập. Trước đây con trò chỉ nhỏ bằng cổ tay. Tuy nhiên ngày nay người xem ngày càng “khó tính”, thích con rối phải lớn hơn. Ông Chính, người tiên phong tăng kích thước con rối, cho hay: “Làm sao để con trò lớn (cao tới 60cm, nặng cả chục kg) nổi trên nước rất khó. Muốn vậy phải tạo phần đế đủ rộng để giữ cân bằng. Tiếp đó cân chỉnh tạo thăng bằng. Nếu con trò chưa đủ nặng, phải đổ thêm bê tông phía bên trong”.

“Người Phú Hòa còn, múa rối nước còn” 

Làng Phú Hòa chế tác con trò mang đặc trưng riêng. Đó là những con trò chỉ đóng khố, khuôn mặt đầy đặn mô phỏng theo khuôn mặt Phật. Để hoàn thiện một con trò, nghệ sĩ phải mất hàng tuần làm việc liên tục. Các công đoạn chính gồm: Vẽ mẫu, tạc thô, khoét rỗng ruột để gắn dây điều khiển, trang trí ngoại hình. Trong đó khó nhất là công đoạn “thổi hồn” cho khúc gỗ trở thành “diễn viên” trên sân khấu rối nước. Điều cấm kỵ duy nhất là không dùng gỗ mít tạc con rối, bởi quan niệm mít thuộc nhóm gỗ thờ.

Vất vả, kỳ công như vậy nhưng như lời trưởng phường rối trải lòng, nghệ sĩ khó sống bằng nghề múa rối. Ông dẫn chứng, để diễn một vở múa rối cần khoảng 20 người, chuẩn bị trước sân khấu mất vài ngày. Nhưng khoản thù lao bình quân chỉ 100 ngàn đồng/người/vở diễn. Vào mùa lạnh, thợ múa rối chịu cái lạnh thấu xương ngâm mình trong nước điều khiển con trò, phải uống nước mắm, lấy gừng xoa cơ thể chống lạnh. Đó là chưa kể “năm thì mười họa” mới có khách đặt “sô” diễn. Phong trào múa rối cũng “héo” dần theo thời gian. 

Nghề múa rối vất vả, thù lao lại ít nhưng điều đáng  quý là người dân làng Phú Hòa vẫn giữ lửa đam mê, luôn có ý thức gìn giữ nghề truyền thống. Ông Đoàn tự tin khẳng định: “Người Phú Hòa còn, là múa rối nước còn. Sống bằng nghề mới khó, chứ duy trì nghề không khó”. Được biết ông Đoàn, ông Chính và người chú là 3 nghệ sĩ đang được xem xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đây cũng là cách tri ân những người tâm huyết giữ gìn nghề truyền thống. Tiễn khách ra cổng, ông Đoàn ngâm bài thơ nói về sự vất vả nghề múa rối thay lời chào: 

“Bèo lấm vai, đất lấm chân

Khách xem vẫn thấy xa gần đâu đây

Tâm linh hiện thực giãi bày

Mùi thơm của đất cỏ cây ngàn đời”.

Đọc thêm