Mẹ chồng ca nương Kiều Anh “dạy” dâu mới ngày Tết

(PLO) - Chị Văn Thùy Dương - mẹ chồng ca nương Kiều Anh tâm sự, chị đã “viết giáo án” bằng những yêu thương để “dạy”, giúp đỡ con dâu hòa nhập cuộc sống gia đình mình ngay từ những ngày đầu tiên, đặc biệt là việc chuẩn bị một cái Tết tươm tất, chu toàn.

Đại gia đình chị Văn Thùy Dương.
Đại gia đình chị Văn Thùy Dương.
Làm việc cùng con là… hạnh phúc
- Tết này là Tết đầu tiên Kiều Anh về làm dâu trong gia đình chị. Chị có thấy vui và hạnh phúc với điều này không? Điều gì ở Kiều Anh khiến chị yêu thương đến vậy?
Tết năm nay là một năm rất vui đối với tôi. Sau 8 năm Quỳnh – chồng của Kiều Anh đi học ở xa, không có nhà mỗi khi Tết đến thì Tết năm nay không những tôi có đầy đủ các con bên cạnh mà còn chính thức có thêm một thành viên, đó là cô con dâu bé bỏng của mình. Ngay lúc này đây, tôi và các thành viên trong gia đình đã bắt đầu cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với mọi năm rồi. 
Kiều Anh có rất nhiều điểm giống tôi. Con bé thẳng thắn, dỗi chồng là nó cứ gào lên nhưng một lúc lại thấy tay trong tay. Nó còn xị cả mặt với mẹ chồng nhưng sau tỉnh lại là biết sợ... len lén làm lành. Với em gái Quỳnh, có lần chúng còn cãi nhau tay đôi kiểu tranh luận bất phân thắng bại... dường như nó không biết câu "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" hay sao ý.
Nó giống tôi ở điểm là cứ ầm ầm lên rồi lại thôi, không để bụng bao giờ và rất hay xúc động, thương người đến nhiều lúc mù quáng. Nói vậy thôi, chắc cũng là duyên, tự nhiên thấy cứ yêu, cứ sợ thằng con mình làm khổ nó... thế mới lạ! Và thế là cứ yêu nó..., cái yêu tự nhiên như yêu con gái mình, như đối với con trai mình. Ai làm khổ nó, làm nó buồn, tôi cũng thấy ghét lắm.
- Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, kế hoạch chuẩn bị Tết của gia đình chị đến đâu rồi? Có điều gì khác so với mọi năm không?
Tết đối với gia đình tôi không phải là chuyện ăn uống, cỗ bàn mà Tết với chúng tôi là hoa, là cây, là sự chuẩn bị mâm cỗ lên ban thờ tổ tiên, đồ dâng lên chùa nơi mẹ con tôi hay về tụng kinh làm lễ. Và Tết với gia đình tôi là kế hoạch của kỳ nghỉ ngơi thật sự. 
Năm nay chắc chắn cũng như mọi năm. Nhưng năm nay tôi tin mình sẽ nhàn hơn nhiều vì có thêm con dâu bên cạnh. Hôm nay, nghe nói loáng thoáng là con dâu đã rủ chồng đi sắm Tết cho cả hai gia đình, bên nội bên ngoại. Nghe các con nói, tôi thấy vui lắm. 
- Chị nói mình sẽ nhàn hơn mọi năm? Điều ấy có nghĩa chị sẽ “phó mặc” cho con dâu tất cả?

Năm nay có con dâu, nhưng chắc chắn một điều rằng tôi không bao giờ phó mặc mọi việc cho con, bắt con phải lo toàn bộ công việc gia đình. Vì tôi không muốn con dâu ngay lập tức phải một mình chuẩn bị mọi nghi lễ. Cái gì cũng cần có thời gian để thích nghi. Hơn nữa, tôi cũng còn sức khoẻ, có thể giúp và cùng con làm việc… bởi tôi nghĩ, Tết là cơ hội để mẹ con cùng nhau chăm sóc gia đình. Tôi thấy vui vì điều này.

Chị Dương và con dâu - ca nương Kiều Anh.
 Chị Dương và con dâu - ca nương Kiều Anh.
- Chị có thể chia sẻ một số việc chị sẽ cùng Kiều Anh chuẩn bị cho Tết Nguyên đán?
Năm nào cũng vậy, sau khi cúng ông Công ông Táo xong, gia đình tôi sẽ dành một buổi để dọn dẹp ban thờ, đón năm mới. Năm nay, tôi sẽ hướng dẫn cụ thể để Kiều Anh có thể từng bước làm những việc này. Đầu tiên là việc dặn con mua gừng, giã nhỏ, hoà với khoảng 1 lít rượu trắng để lau ban thờ. Sau khi ban thờ đã sạch sẽ tôi và các con sẽ đốt bồ kết, sau cùng là đốt trầm cho không khí trong nhà được thanh sạch. Làm xong việc ấy, chúng tôi cảm thấy an lòng, cảm giác như mình đã làm tất cả thật đẹp đẽ, sạch sẽ để đón các cụ về ăn Tết một cách vui vẻ. 
Sau đó, tôi sẽ đưa các con về thăm mộ các cụ ở quê, thắp nhang, dọn cỏ… Đây là một nghi thức không bao giờ thay đổi trong gia đình tôi. Kiều Anh là cô gái thông minh, tinh ý nên sẽ dễ dàng “hội nhập”, “thuộc lòng” để những năm sau không cần hỏi mẹ mà vẫn làm được một cách dễ dàng. Và tôi tin, cách chúng tôi cùng nhau chuẩn bị tất cả sẽ là những bài học thực tế nhất dành cho con. 

Tối hôm trước, tôi hỏi con là năm nay mình có phải mua thứ này thứ nọ không nhỉ, thì Kiều Anh bảo “thôi mẹ ạ, nhà mình nhiều đồ lắm rồi, chỉ mua vừa đủ thôi kẻo phí ạ”. Nghĩ lại cũng thấy hay, may có chúng chứ không mình lại mua cả đống về nhà. Nhưng dần dần mình sẽ để con chuẩn bị hết tất cả. 

Chị Dương và Kiều Anh cùng nhau vào bếp.
 Chị Dương và Kiều Anh cùng nhau vào bếp.
 “Giáo án” là những kỷ niệm yêu thương
- Có phải những điều trên chị học được từ người cha đáng kính PGS.TS Văn Như Cương và người mẹ mẫu mực cô Đào Thị Kim Oanh? Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm về Tết liên quan đến cha, mẹ mà cả đời này không bao giờ chị quên và truyền dạy cho con cái mình?
Mỗi lần Tết đến, những kỷ niệm của ngày xưa lại ùa về, nguyên vẹn trong tôi như ngày nào. Ngày ấy, chị em tôi chia nhau, đứa gánh nước, đứa rửa lá, đứa đãi đỗ, đãi gạo. Chúng tôi còn làm mứt, làm ô mai, làm bánh. Cuộc sống lúc đó dù nghèo và thiếu thốn, mỗi nhà có nhiều lắm được 5 kg gạo để gói bánh chưng nhưng vẫn thấy vui lắm. 

Tết trong tiềm thức của chị em tôi là những ngày được ăn ngon hơn, được mặc đẹp hơn, được chơi nhiều hơn và ít bị bố mẹ mắng hơn (bố mẹ không mắng vì sợ giông cả năm, con cũng ngoan hơn gì sợ bố mẹ mắng thì sẽ bị giông cả năm). Tết ngày xưa của tôi tràn ngập những mùi vị đáng nhớ. Mùi của những chậu nước lá mùi thơm ngào ngạt mà năm nào mẹ cũng nấu để cả nhà tắm trước Giao thừa, là mùi thơm của mứt khoai tây chị cả làm, là niềm vui mỗi khi ngồi bên bố, lau lá dong để bố gói bánh chưng… 

PGS.TS Văn Như Cương và vợ.
 PGS.TS Văn Như Cương và vợ.

Bây giờ, khi mứt có thể mua ngoài tiệm, bánh chưng có thể đặt gói và mang tận nhà thì chỉ có điều duy nhất không thay thế được là nồi nước lá mùi của mẹ nấu cho cả nhà tắm trước khi đến Giao thừa. Năm nào cũng như năm nào, trước Giao thừa vài phút, bố tôi thong thả ra khỏi nhà với bộ quần áo chỉnh tề… khi đồng hồ điểm 24h, bố bước vào nhà. Năm nào bố cũng là người xông nhà vì bố là người mang lại may mắn, hạnh phúc cho cả gia đình. 

Và điều đó cũng trở thành quan niệm của tôi khi mỗi khi Tết đến. Tôi cũng không chọn người xông nhà mà luôn là một trong mấy mẹ con làm điều đó. Hơn ai hết, chúng tôi là những người luôn yêu thương nhau, dù thế nào cũng ở bên, giúp đỡ nhau… thì cái đó đã xứng đáng để ai cũng có thể là người bước vào nhà đầu tiên trong năm mới rồi.

- Chị có hay kể cho các con nghe những kỷ niệm ấy không? Những bài học quan trọng nhất mà chị dạy cho các con mình là gì?
Là sự yêu thương chân thành, sự quan tâm đến người khác. Là sự biết ơn, nếu ai đó làm cho mình một điều, dù nhỏ, cũng phải nhớ ơn họ. Tôi chưa bao giờ dạy con một cách khiên cưỡng mà tôi dạy con qua cách tôi sống, cách tôi đối xử với mọi người: Yêu thương chân thành, thẳng thắn trong mọi việc. Đúng sai rõ ràng.
Những bài học tôi dạy chúng có lẽ rất nhiều. Nó có ở mỗi ngày, khi tôi ở bên chúng. Có cả những bài học vượt qua khó khăn, vượt qua áp lực, dạy chúng cả cách vượt qua đau khổ. Dù tôi không dạy chúng nhưng việc tôi chịu đựng, việc tôi tìm cách để vượt qua khó khăn bằng sự nỗ lực của bản thân, đó chính là lúc tôi dạy chúng nhiều nhất.

Chúng không chỉ được học lý thuyết giáo điều mà chúng được học từ thực tế và các con tôi đã học được cả cách chịu đựng để rồi tự mình vượt qua tất cả, học được cách tự tạo cho mình, cho người mình yêu thương những hạnh phúc bất ngờ và giản dị. Điều này khiến chúng tôi luôn hạnh phúc khi có nhau, bên nhau.

Kiều Anh bên mẹ chồng cùng người thân
Kiều Anh bên mẹ chồng cùng người thân 
- Vậy đến thời điểm này, chị thấy Kiều Anh đã học được từ chị những điều gì?
Kiều Anh đã yêu Quỳnh 3 năm, chúng tôi biết nhau đến Tết này sẽ là 3 Tết. Những Tết khác, Kiều Anh chỉ chạy qua nhà hỏi thăm và xem mẹ chuẩn bị Tết như thế nào thôi. Một phần vì nhà chỉ có mẹ với em gái Quỳnh nên Kiều Anh biết mẹ cũng chỉ chuẩn bị một cách đơn giản và gọn nhẹ, phần khác Kiều Anh là con gái lớn trong gia đình nên con cũng phải lo nhiều việc. Còn với tôi, những gì cần thiết phải có thì sẽ phải làm cho đầy đủ, còn lại thì giảm thiểu tối đa. 
Năm ngoái, mùng 3 Tết, tôi và Kiều Anh bay vào Nha Trang với bố mẹ các chị tôi đã ở trong đó từ mùng 1. Bởi tôi luôn chờ thắp hương 3 ngày Tết xong mới đi. Kiều Anh cũng hiểu, với tôi, nghi lễ đối với tổ tiên là quan trọng. Tôi không biết con đã học được gì từ mình nhưng mẹ con tôi sống gần gũi, không màu mè, cáu giận là biết ngay bởi vậy tôi tin, với sự thông minh, nhanh nhạy của Kiều Anh thì mọi thứ bắt nhịp cũng sẽ nhanh thôi. Hơn nữa, gia đình Kiều Anh cũng đã mấy đời ở Hà Nội, con cũng biết đầy đủ những lễ nghi cần thiết.
- Nếu nói một câu về con dâu, chị sẽ nói câu gì?
Với mẹ chồng khó tính như tôi thì Kiều Anh là một cô bé đáng yêu, một câu nhận xét thế... tôi cho là đủ!
- Cảm ơn chị đã chia sẻ, chúc chị và đại gia đình năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc!