Miền tâm tưởng của nhạc sĩ Quốc Bảo

(PLO) - Có lẽ, trong tâm tưởng của bất kỳ một thị dân luôn luôn có bóng hình của một thành phố nào đó. Đó có thể là thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên. Cũng có thể là thành phố chỉ một lần ghé qua rồi đem lòng cảm mến. Với nhạc sĩ Quốc Bảo, đó chính là Saigon. Và “Saigon của tôi” là tập sách chứa đựng những tình cảm, kỷ niệm mà nhạc sĩ Quốc Bảo dành cho nơi mà anh gọi là miền tâm tưởng của mình.
Miền tâm tưởng của nhạc sĩ Quốc Bảo

Nhạc sĩ Quốc Bảo viết Saigon thay vì Sài Gòn hay Sàigòn xuất phát từ thói quen với cách viết Pháp (Saïgon). Theo Quốc Bảo, Saigon mà anh sống nửa thế kỷ không có nhiều điểm chung với một thành phố thực tế, “Saigon tâm tưởng được xây nên và gìn giữ bằng những thống khổ, những hạnh phúc, những ước lệ buồn vui, những giấc mơ đêm và ngày; Saigon tâm tưởng gần như bất biến trong tôi, nó choán đầy tim óc tôi, nó là một phần của con người tôi, bởi lẽ ấy mọi biến thiên của một thành phố thực tế hầu như chẳng đem lại cho tôi một cái nhìn dời đổi nào, thực tế bất lực”. 

Quốc Bảo gọi Saigon là miền tâm tưởng, xứ tâm tưởng, như gọi tên một bộ phận trên thân thể mình, đầu mình tay chân. “Saigon của tôi đó, từ lúc tôi cất tiếng khóc báo hiệu một cuộc đời nhiều bão tố đến giờ năm mươi năm, vẫn là một đoạn nối dài của nhau thai người Mẹ, vẫn cung cấp chất dinh dưỡng không ngừng nghỉ để nuôi tôi - nuôi một cuộc đời bão tố hay êm đềm thì thành phố vẫn dịu dàng ấm áp như vậy (…) và tôi hít thở nó đầy lồng ngực, thứ dưỡng khí của miền tâm tưởng chẳng thể nào bị ô nhiễm như bầu khí quyển thực tế, miễn là ta đặt trọn niềm tin vào đó”. 

Cuốn sách “Saigon của tôi” tập hợp một số hình ảnh rời rạc từng hiện diện trong những cơn mơ của Quốc Bảo, từ hồi lên năm hay tuổi năm mươi mà qua đó, bạn có thể hình dung ra không chỉ một thành phố, một miền đất, mà còn trông thấy tâm hồn của anh nữa. Bạn sẽ trông thấy một đám mây cứ trôi mải miết trong khuôn vuông vức của một vùng trời; bạn sẽ trông thấy những khoảnh khắc hạnh phúc và bất hạnh chen lấn. Tất cả là một quá vãng đã gắn chặt vào anh đến mức không thể đoạn tuyệt.

Sách được tổ chức như một tổ khúc âm nhạc ba chương. Chương đầu là sự đan xen tương tùy của ảnh và chữ như thể nếu vắng đi một trong hai, tình yêu Saigon và cảm thức thị dân sẽ thiếu hụt. Chương hai chỉ toàn ảnh, đó là khi dòng ý thức đã đạt đến một ngưỡng khiến cho lời nói bỗng nhiên bặt lặng. Và chương kết là loạt ảnh song đôi thể hiện một cái nhìn so sánh giữa thuật viết chữ với nhiếp ảnh, hai phương pháp luyện tâm mà tác giả yêu thích. Các bức ảnh được nhạc sĩ Quốc Bảo chụp trong những năm 2013 - 2017 bằng nhiều máy Leica: M2, M4-P, M6, MP, M9, M, D-Lux và T. 

Nhạc sĩ Quốc Bảo đã có hơn hai mươi năm kinh nghiệm làm âm nhạc và hơn mười đĩa ca khúc riêng. Anh là nghệ sĩ theo đuổi không thỏa hiệp thiên hướng nghệ sĩ và kiên quyết xây dựng một lượng tác phẩm đầy đặn trong nhiều địa hạt nghệ thuật. Năng lực quản lý và sản xuất âm nhạc của anh đã góp nên thành công của nhiều nghệ sĩ Việt như Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân, Mai Khôi, Thủy Tiên, Nguyên Hà… Anh cũng là một nghệ sĩ hiếm hoi đang sống tại Việt Nam tham dự với tư cách thành viên chính thức của Hiệp hội Sáng tác gia, Tác giả và Nhà xuất bản Hoa Kỳ. 

Tính đến nay, nhạc sĩ Quốc Bảo đã có 7 cuốn sách được xuất bản, bao gồm: Mặt (2005), Những ghi chép vụn (2008), Thị dân (2010), Những cái tên những mặt người (2012), Cuốn sổ trắng (2015), 50 (2017) và Saigon của tôi (2018)…

Đọc thêm