Một Việt Nam rất mới

(PLO) - Tổng thống Barack Obama vẫn đang được chứng kiến một quốc gia đang trải qua những thay đổi rất nhanh chóng... “Một Việt Nam rất mới trong mắt tôi”, ông đã nói như vậy. 
Một Việt Nam rất mới

Có thể nói, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama mang ý nghĩa lịch sử. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam luôn hướng về tương lai chứ không phải quá khứ. Tốc độ thay đổi ở Việt Nam có thể khiến nhiều người bất ngờ. Một trong những sự thay đổi này được thể hiện rõ cách đây một năm khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm Washington. Tổng Bí thư đã kêu gọi tự do thương mại ngay tại thành lũy của chủ nghĩa tư bản thị trường.

Việt Nam đã trở nên mới mẻ như thế. Là một thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7% mỗi năm, trong đó lĩnh vực xuất khẩu thậm chí tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ hơn. Việt Nam có một dân số trẻ với mức độ kết nối ngày càng cao.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã có một bước tiến nữa trên con đường từ chiến tranh tới bình thường hóa quan hệ, rồi quan hệ đối tác giữa hai nước. Việc Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là bước ngoặt lịch sử (xin xem Báo Pháp Luật Việt Nam số thứ ba, ngày 24/5/2016). 

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế chưa bao giờ cao như bây giờ. Đó là nhờ những thành tựu trong phát triển kinh tế, phát triển đất nước, trong các cam kết quốc tế, chúng ta đã hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc. Việt Nam đóng góp vào công việc chung thế giới, từng bước hội nhập quốc tế, từ ban đầu tham gia đến chủ động hội nhập, có đóng góp cụ thể, giải quyết những vấn đề không chỉ liên quan đến chúng ta mà cả những vấn đề thế giới...

Việt Nam đã và đang giữ một vai trò rộng lớn hơn trong việc tăng cường kết nối an ninh ở châu Á - một tầm nhìn nhằm bổ sung cho bốn liên minh song phương của Mỹ bằng một mạng lưới kết nối giữa các đối tác và đồng minh. Chỉ trong vòng một năm qua, Việt Nam đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản, Australia, Singapore và Philippines. Những diễn biến này có hiệu ứng ổn định đối với khu vực. Ngoài vấn đề quan hệ an ninh, còn có những vấn đề khác trong chương trình nghị sự song phương cần được xúc tiến sau khi ông Obama rời Việt Nam. Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua TPP, thì đó sẽ là một trở ngại lớn đối với chiến lược xoay trục của Mỹ về châu Á.

Mối quan hệ ấm lên giữa Mỹ và Việt Nam có thể minh chứng mang lại những hiệu quả đặc biệt. Đưa Việt Nam từ cựu thù thành đối tác sẽ nói lên nhiều điều về những ưu tiên của Mỹ. 

Rõ ràng đã có thêm cơ hội để bắt đầu viết nên một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ.t.t

Đọc thêm