MV Việt về giới tính thứ ba: Chưa giúp người xem nhìn đúng về cộng đồng LGBT

(PLO) - Không đi theo xu hướng “khoe da khoe thịt”, cũng không đi theo xu hướng đưa ra những câu chuyện bi kịch hóa với những mối tình tay ba song tính ngang trái, MV “Cô gái đại dương” khéo léo đề cao cộng đồng Đồng tính luyến ái (LGBT). Tuy nhiên, không phải tất cả MV về giới tính thứ ba của nhạc Việt đều được như vậy.
”Cô gái đại dương” khéo léo đề cao cộng đồng LGBT.
”Cô gái đại dương” khéo léo đề cao cộng đồng LGBT.

Cổ vũ điệu nhảy của cộng đồng LGBT

Tháng 10 vừa qua, nữ ca sĩ dòng nhạc cổ điển Nhật Huyền vừa phát hành MV “Cô gái đại dương” với ba phiên bản khác nhau. Với phiên bản hip hop, nữ ca sĩ Nhật Huyền đã ngầm thể hiện sự ủng hộ với cộng đồng: Đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) một cách đầy tinh tế. MV “Cô gái đại dương” của nữ các sĩ Nhật Huyền đã khai thác vào một khía cạnh khác hoàn toàn về cộng đồng LGBT, thậm chí có thể nói là chưa ca sĩ Việt Nam nào nghĩ tới. 

Sau 3 thập niên điệu nhảy Vogue chỉ được biết đến bởi cộng đồng người đồng tính Mỹ Phi ở các sản nhảy dành cho dân lao động nghèo ở các khu phố ổ chuột Hoa Kỳ. Mãi đến những năm 90, nữ hoàng nhạc Pop Madonna với MV ca nhạc Vogue.

Sau khi phát hành, Vogue đạt vị trí số một tại hơn 30 quốc gia toàn cầu, trở thành bản hit lớn nhất của Madonna lúc bấy giờ. Kể từ đó cho đến nay Vogue đã phát triển vững mạnh và trở thành một phong cách nhảy nổi tiếng trên thế giới. Và ta có thể thấy cộng đồng LGBT là những con người có thiên bẩm về nghệ thuật.

Với việc đưa điệu nhảy Vogue vào MV “Cô gái đại dương” phiên bản hip hop, Nhật Huyền đã thể hiện sự ủng hộ của mình với cộng đồng LGBT theo một cách khác biệt. Nó cho thấy một màu sắc khác của cộng đồng LGBT mà chưa có MV Việt Nam nào khai thác, đó là khía cạnh nghệ thuật và văn hóa đặc trưng của cộng đồng này.

Không đi theo xu hướng “khoe da khoe thịt”, quan hệ đầy sắc dục và khá thô thiển, cũng không đi theo xu hướng đưa ra những câu chuyện bi kịch hóa với những mối tình tay ba song tính ngang trái, “Cô gái đại dương” phiên bản hip hop đề cao cộng đồng LGBT bằng cách khéo léo đưa điệu nhảy vogue vào trong MV thông qua 2 vũ công nam mặc đồ như các vũ công nữ, đeo cả hoa tai và nhảy những động tác đặc trưng của điệu vogue.

Vẫn còn MV “sạn”

Những năm gần đây, có không ít nghệ sĩ, ca sĩ luôn đã dùng lời ca, câu hát ủng hộ cộng đồng LGBT như: Khánh Thi, Đàm Vĩnh Hưng, Bùi Anh Tuấn, Minh Thuận, Dương Triệu Vũ, Bảo Thy, Tóc Tiên… 

Khánh Thi là một trong những nghệ sĩ Việt đầu tiên đầu tư sản phẩm âm nhạc dành tặng riêng cho người đồng tính. Ngay sau khi ra mắt, MV “Một phần trong tôi” đã ghi được ấn tượng đẹp với cộng đồng LGBT. Sau đó có thể kể đến “Trò đùa của tạo hóa” của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận ra mắt trước khi bộ phim “Lô tô” bấm máy và được ghi dấu ấn trong Vietnam Idol 2012 dưới sự thể hiện của Hương Giang Idol.

Sau đó có rất nhiều ca sĩ trình bày ca khúc sâu lắng này như Hồ Ngọc Hà, Phương Thanh, Nguyễn Hồng Thuận. Đến khi nghệ sĩ Hữu Châu quyết định lựa chọn “Trò đùa của tạo hóa” làm nhạc phim Lô Tô, bởi nỗi đau tinh thần hòa với tâm trạng của người chuyển giới do Bùi Anh Tuấn thu âm thì ca khúc này đã ghi điểm tuyệt đối với khán giả.

Đây là hai ca khúc hiếm hoi nói về tâm tư được công khai giới tính, muốn được sống với chính mình, và tìm kiếm tình yêu đích thực của đời mình mà không phải e sợ và che giấu.

Còn rất nhiều MV của Vpop về cộng đồng LGBT lại khai thác khía cạnh tình yêu ngang trái song tính éo le. Ví dụ như: “Nhắm mắt” (Xuân Lân), “Nỗi đau chưa phai” (Liêu Anh Tuấn), Cô ấy sẽ không yêu anh như em (Thu Minh)… Những MV ca nhạc kiểu này phần nào nói lên đúng nỗi lòng của những người đồng tính luôn khát khao tìm kiếm được tình yêu của đời mình.

Hầu hết, những nội dung trong các ca khúc đều như một lời động viên chân thành đến những ai đang bước chân trên con đường bảo vệ hạnh phúc cho chính bản thân mình. “Dù bạn là đồng tính hay dị tính. Tất cả chúng ta đều chỉ nên được đánh giá bởi tài năng và những cống hiến cho xã hội chứ không phải giới tính, xu hướng tính dục, màu da hay tôn giáo” - Khánh Thi chia sẻ. 

Tuy nhiên, đáng tiếc là đa số các MV về cộng đồng LGBT trên thị trường nhạc Việt hiện nay đều chưa thực sự giúp công chúng có cái nhìn đúng đắn và xác đáng về cộng đồng này. Thường thấy là phần lớn MV phần lớn miêu tả một cách rất lộ liễu và khá trực diện với những cảnh ôm ấp, xác thịt khá trần trụi để “khoe da khoe thịt” của ca sĩ (hoặc diễn viên trong MV) như: “Dù vẫn biết”, “Luật cho người thay thế”… Những MV kiểu này dù khá “hot” nhưng phần lớn bị phản tác dụng, do làm cho xã hội nghĩ rằng cộng đồng LGBT là những người quá trần trụi và đam mê sắc dục. 

Hơn ai hết, những người LGBT rất muốn có một cuộc sống bình yên, nhận được sự cảm thông từ cộng đồng để có thể cống hiến cho xã hội như bao người khác. Họ mong muốn có những tác phẩm âm nhạc để mọi người có được góc nhìn chân thật về đời sống của những người LGBT khát khao được là chính mình để có được một đời sống lành mạnh và hạnh phúc hơn. Và tiếp tục cống hiến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc của riêng họ từ âm nhạc, điện ảnh đến thi ca.