Ngán ngẩm ý thức tác quyền của người làm ngành văn hóa

(PLO) - Mỗi năm, người ta chứng kiến hàng chục vụ tố nhau vi phạm bản quyền kiểu như thế: Nhà đài, nhà tổ chức chương trình dùng hình ảnh, video không xin phép, rồi nhà sản xuất tự ý sử dụng tác phẩm của nghệ sĩ, nghệ sĩ này “chôm” tác phẩm của nghệ sĩ kia để trình diễn…
Ngán ngẩm ý thức tác quyền của người làm ngành văn hóa

Mới đây, chương trình chung khảo phía Nam cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vừa kết thúc, dư luận đã lùm xùm về việc ca sĩ Thanh Duy lên tiếng cho rằng Ban tổ chức chương trình đã sử dụng ca khúc độc quyền của mình cho thí sinh trình diễn mà không hề xin phép. Mặc dù sau đó, vị tổng đạo diễn chương trình đã có lời nhận lỗi, nhưng một lần nữa, những sự việc như thế này lại khiến công chúng ngán ngẩm về ý thức trong tác quyền của rất nhiều người làm trong ngành văn hóa.

Cách đây không lâu, Chương trình Lễ hội áo dài nằm trong khuôn khổ Festival Huế cũng đã xảy ra sự cố vi phạm bản quyền. Đêm diễn đặc sắc, được đánh giá cao này đã lấy một bức ảnh của nhiếp ảnh gia làm hình nền mà không hề xin phép.

Bức ảnh này trước đó đã được đăng trên facebook cá nhân của nhiếp ảnh gia nói trên. Điều đáng nói là thái độ loanh quanh, thiếu thiện chí của ê kíp thực hiện chương trình. Để rồi sau đó, lời nhận lỗi cũng bị cho là khá trịch thượng khi cho rằng tác giả bức ảnh làm quá lên vì muốn gây sự chú ý, chứ bức ảnh được chọn trong chương trình là một vinh dự cho tác giả (!).

Một vụ lùm xùm khác khá ầm ĩ vào thời điểm cuối năm 2015, đó là khi anh Bùi Minh Tuấn phát hiện Chương trình Chào buổi sáng của VTV đã lấy gần chục cảnh trong một đoạn video flycam mà anh đăng tải trên trang Youtube cá nhân của mình. Không những sử dụng, người biên tập chương trình còn cắt cúp các logo nhận diện và không hề nêu rõ tên tác giả cũng như không xin phép tác giả. Vụ kiện của Bùi Minh Tuấn với VTV là cả một câu chuyện dài và là bài học cho những người làm truyền hình.

Mỗi năm, người ta chứng kiến hàng chục vụ tố nhau vi phạm bản quyền kiểu như thế: Nhà đài, nhà tổ chức chương trình dùng hình ảnh, video không xin phép, rồi nhà sản xuất tự ý sử dụng tác phẩm của nghệ sĩ, nghệ sĩ này “chôm” tác phẩm của nghệ sĩ kia để trình diễn…  Hầu hết, các trường hợp vi phạm bản quyền kể trên, hy hữu lắm mới đi đến mức kiện tụng. Đa phần, các bên đều “dĩ hòa vi quý”, đều một lời xin lỗi rồi cho qua. 

Có lẽ vì nhẹ nhàng như thế nên sự việc vẫn luôn lặp đi lặp lại. Thế nhưng, cho dù lý do gì đi nữa thì tất cả đều từ một lý do duy nhất, đó là sự thiếu ý thức về bản quyền. Chỉ khi nào, ý thức tôn trọng quyền tác giả thấm vào tư duy, vào hành xử, để mỗi khi sử dụng bất cứ tác phẩm nào, người ta ngay lập tức cân nhắc đến quyền của người sáng tác tác phẩm, thì mới mong không còn những vi phạm kiểu như thế. Nhưng, biết đến bao giờ?.