Nghị lực cô gái vẽ tranh bằng chân

(PLO) -Mặc dù số phận kém may mắn khi bị khuyết tật cả hai tay và hai chân từ thuở lọt lòng, chị Nguyễn Thị Sậm (38 tuổi, quê xã Xa Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) vẫn không ngừng nỗ lực để vượt lên số phận. Không thể đi lại, cầm nắm các đồ vật, chị Sậm tập sử dụng 4 ngón chân phải của mình để tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân, cầm bút học chữ, cầm cọ vẽ nên các bức tranh đẹp. 
Cô gái tật nguyền vẽ tranh bằng chân.
Cô gái tật nguyền vẽ tranh bằng chân.

Nỗ lực đến trường

Tìm đến Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), thấy chị Nguyễn Thị Sậm dùng đôi chân của mình để sử dụng máy vi tính tại thư viện. Chị cười cho hay: “Sau khi học nghề xong ở trung tâm, tôi được giữ lại làm công việc quản thủ thư viện”.  

Sinh ra ở một làng quê nghèo ở xã Xa Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), từ thưở lọt lòng, chị Sậm đã bị khuyết tật cả đôi tay và đôi chân. Không thể đi đứng như các anh chị em trong gia đình, cô bé Sậm ngày ấy chỉ biết lê lết ở nhà, quanh quẩn trong bốn bức tường. Chị kể, mọi sinh hoạt cá nhân đều do một tay người mẹ chăm lo. 

Đến năm 8 tuổi, nhận thấy mẹ quá vất vả, ngoài công việc đồng áng còn phải tất bật với công việc thường ngày ở nhà, cho nên cô bé tự nhủ phải làm gì đó để giúp mẹ đỡ nhọc nhằn. “Ban đầu tôi chỉ biết lê lết trong nhà. Cứ nhìn mẹ làm việc gì thì học cách làm theo.

Hai tay không cầm nắm được gì, chân trái thì dường như bị liệt, tôi chỉ dùng được 4 ngón chân cho các hoạt động hàng ngày. Sau một thời gian cố gắng, tôi cũng có thể cầm chổi quét nhà và tự lo được một số việc sinh hoạt cá nhân”, chị Sậm nhớ lại. 

Khi đã dùng chân thành thạo để thực hiện các hoạt động thường ngày, chị Sậm lại nuôi ước mơ được cầm bút học chữ như các anh chị, các bạn cùng trang lứa. Không lâu sau đó, người cha mất sau một cơn bạo bệnh. Không muốn làm gánh nặng cho mẹ, chị Sậm xin mẹ được đến trường. Đến năm 15 tuổi, chị bắt đầu tập cầm bút bằng chân và viết những nét chữ đầu tiên. 

Nhớ lại khoảng thời gian đầu đến trường, chị cho biết, lúc đó bản thân chị gặp vô vàn những khó khăn mà giờ nhìn lại, chị cũng không thể tin rằng mình có thể vượt qua. Ở vùng quê sông nước, những đứa trẻ đi học phải bằng xuồng ghe.

Được sự giúp đỡ của em gái, những người bạn trong xóm, chị cũng lê lết trên những chiếc ghe chòng chành đó. “Song cũng trên chiếc xuồng ấy, tôi lại nghĩ nếu sau này không có người bên cạnh thì tôi phải đến trường như thế nào. Biết mình không thể mãi dựa dẫm vào người khác, tôi bắt đầu tập bơi xuồng và tự đến trường mỗi ngày”, chị nhớ lại. 

Đến cấp 3, vì trường ở xa, gia đình không tiện đón đưa, nên chị ở trọ. Thời gian này, chị may mắn có được một chiếc xe lăn, nên con đường đến trường dễ dàng hơn. Tuy nhiên, quá trình học của chị lại càng khó khăn hơn. “Vì học chung với người bình thường, nên tôi thường bị tụt lại phía sau.

Lúc đó mình viết bài chậm lắm, làm bài thi cũng không kịp giờ. Cũng may nhận được sự giúp đỡ của thầy cô và các bạn, tôi mới có thể hoàn thành chương trình học và lên lớp”, chị kể. 

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chị lên TP.HCM học nghề tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Cho đến bây giờ, chị vẫn cho rằng đến với trung tâm, ở lại làm việc tại trung tâm vẫn là cái duyên.

Hồi còn đi học ở quê, chị may mắn được quen với cô Phó Chủ tịch thường trực Hội bảo trợ người tàn tật TP.HCM. Biết hoàn cảnh và nỗ lực của cô gái tật nguyền, vào khoảng năm 1994, trong một chuyến đi công tác, cô có ghé qua thăm hỏi.

Sau đó chị cũng thường xuyên nhận được những bức thư động viên, chia sẻ. Chính người phụ nữ này đã giới thiệu chị đến với Trung tâm dạy nghề. 

Chị Sậm bên bức tranh mới hoàn thành
Chị Sậm bên bức tranh mới hoàn thành

Vẽ tranh bằng chân

Khăn gói lên thành phố, đặt chân đến Trung tâm, chị không tránh khỏi những bỡ ngỡ e ngại. Chị cho hay lúc đó phần vì nhớ nhà, phần vì sợ không biết mình sẽ làm được những gì, có hòa nhập được với cuộc sống ở đây hay không nên chị luôn trong tâm trạng buồn bã.

Được sự giúp đỡ của các cô chú ở trung tâm và thấy những hoàn cảnh như mình, chị lại cố gắng nỗ lực với hi vọng kiếm được cái nghề cho bản thân và không phụ lòng mong mỏi của những người đã từng giúp đỡ. 

Vào trung tâm từ năm 2006, ban đầu chị theo học tin học văn phòng. Sau 6 tháng học tập, chị đã thành thạo nhiều thao tác cơ bản. Trước sự tiến bộ của chị, trung tâm quyết định giữ chị lại làm việc tại thư viện để làm gương cho những học viên có cùng hoàn cảnh khác. 

Sau khi hoàn thành khóa học tin học, với mong muốn phát triển bản thân, cô gái tật nguyền ấy đăng kí học thêm một nghề nữa. Nhận thấy trong rất nhiều ngành nghề khác tại trung tâm như may công nghiệp, làm hoa đất, vẽ tranh, thêu, massage… chỉ có vẽ tranh là nghề không cần đôi tay cũng có thể làm được, chị quyết định theo học lớp này. 

Tại lớp học vẽ tranh, trong khi những người khuyết tật khác ngồi bên giá vẽ và vẽ tranh bằng tay, thì Sậm phải ngồi vẽ tranh bằng chân trên nền nhà. Những tưởng cầm cọ vẽ tranh cũng như cầm bút nên chị hào hứng. Song khi cho cây cọ vào chân, chị mới bắt đầu thấy những khó khăn.

“Vì cây cọ nhỏ xíu, vẽ lại nhiều đường nét trong khi chân thì cứng, nên tôi rất khó để điều khiển cây cọ. Hơn nữa, khi vẽ, hai chân kẹp cây cọ lâu quá thường bị phồng rộp. Ban đầu tôi chỉ tập vẽ những hình hoa lá, cỏ cây đơn giản rất nguệch ngoạc. Phải rất lâu sau tôi mới có thể vẽ được một bức tranh hoàn thiện”, chị Sậm nhớ lại những ngày đầu học vẽ.

Học xong lớp vẽ tranh sơn nước, cô gái khuyết tật này còn theo học lớp tranh sơn dầu. Chị cho biết, một bức tranh nếu vẽ liên tục, mất khoảng một tuần để hoàn thành. Lắc xe lăn vào phòng giới thiệu sản phẩm của Trung tâm với rất nhiều những bức tranh đủ màu sắc, chị lại bối rối cho biết trong số đó không có bức tranh nào của mình. Chị cười lý giải “những bức tranh tôi vẽ ra đều được nhiều người yêu thích nên mua hết cả rồi”. 

Hiện tại, ngoài công việc làm thủ thư tại thư viện, học vẽ tranh sơn dầu, vào các buổi tối trong tuần chị Sậm còn tình nguyện dạy chữ cho trẻ khuyết tật học nghề tại Trung tâm. Lớp học với số lượng lúc 5 em, lúc 7 em, có khi lên đến 10 em trong chương trình học từ lớp 1 đến lớp 4.

“Trong giờ học, các em ngồi trên bàn, mình cũng có đôi chân giả để đi lại xung quanh, theo dõi các em học bài. Mình cũng không dạy được điều gì to tát cả, chỉ là giúp các em biết con chữ để sau này có thể đỡ phải thiệt thòi khi ra đời mà thôi”, chị khiêm tốn nói. 

Sau nhiều năm sống, học tập và làm việc tại Trung tâm, hiện Trung tâm đối với chị là nhà, là chốn dừng chân lý tưởng nhất. Chị tâm sự: “Ngày đi, mẹ tôi lo lắng bao nhiêu, thì bây giờ bà an tâm bấy nhiêu vì tôi đã trưởng thành, có thể tự nuôi sống được bản thân mình và giúp đỡ được các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”.