“Nghĩa địa” san hô kỳ lạ ở Lý Sơn

(PLO) - Trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phát hiện “nghĩa địa” san hô hóa thạch hình cối xay độc đáo có niên đại từ 5.000 đến 6.000 năm trên đảo Lý Sơn.
“Nghĩa địa” san hô kỳ lạ ở Lý Sơn

Di sản độc đáo “độc nhất vô nhị” này nằm ở thôn Đông (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn). San hô hóa thạch vừa được phát hiện có niên đại từ 5.000 đến 6.000 năm. Khu vực phát hiện san hô hóa thạch hình cối xay trải rộng trên diện tích 20.000m2, gần với vách đá trầm tích núi lửa Hang Cau.

Theo đó, ngày 18/1, nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát hiện ở phía đông bắc đảo Lý Sơn, giáp với di chỉ địa chất Hang Câu có một vệt san hô hóa thạch dài 400m đến tận cột mốc chủ quyền Lý Sơn. Đến gần, nhóm nghiên cứu bất ngờ phát hiện hiện tượng thiên nhiên độc đáo là một “nghĩa địa” san hô hóa thạch hình cối xay nằm khắp nơi, một số bị đào bới.

Tiến sĩ Ngô Quang Toàn - Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết: “Khảo sát sơ bộ cho thấy “nghĩa địa” san hô hóa thạch này phân bố ven bờ biển trên chiều dài khoảng 400m rộng 50m, kích thước mỗi hóa thạch hơn 2m. Theo đánh giá ban đầu, những san hô hóa thạch này được hình thành từ 5.000 đến 6.000 năm trước. Đây là điểm di sản tuyệt đẹp có giá trị về mặt thưởng lãm, tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học”.

“Đây là di chỉ cổ sinh quá độc đáo, “độc nhất vô nhị”, chưa từng tìm thấy tại bất kỳ vùng biển nào ở Việt Nam. Tôi đã đi rất nhiều địa điểm cổ sinh nổi tiếng trên thế giới cũng chưa từng thấy dạng hóa thạch này”, ông Toàn phấn khởi cho biết.

Trước đó, vào tháng 8/2017, các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả khảo sát, nghiên cứu về 10 miệng núi lửa còn nguyên vẹn ở huyện đảo Lý Sơn. Trong đó, 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé, 3 miệng núi lửa ngầm dưới mặt biển.

Miệng núi lửa cổ Hang Cau và chùa Hang phun nổ sớm khoảng 9 đến 11 triệu năm. Núi lửa cổ này phun lên lượng đá basalt lớn, tạo nên phần nền cả đảo Lý Sơn hiện nay. Còn miệng núi lửa có hồ nước trên đỉnh Thới Lới phun nổ cách nay khoảng 1 triệu năm.

Nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nhận thấy đây là di sản độc đáo, mang nhiều ý nghĩa về mặt khoa học. Vì vậy, nhóm chuyên gia đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cần có giải pháp bảo vệ khẩn cấp khu vực này.

Trên cơ sở đó, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sả; các sở, ngành; UBND huyện Lý Sơn về việc bảo tồn khẩn cấp di sản “nghĩa địa” san hô hóa thạch hình cối xay. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai ngay các biện pháp bảo vệ phục vụ nghiên cứu; đồng thời tìm giải pháp khả thi để khai thác, phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu huyện Lý Sơn khẩn trương khoanh vùng bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động của con người có thể xâm hại đến di sản, tạm dừng thi công mọi công trình trong khu vực di sản địa chất này. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin, tư liệu để các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh phối hợp truyền thông nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ di sản vừa phát hiện được.

“Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ mời các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiếp tục nghiên cứu sâu khu vực phát hiện di sản, vừa củng cố hồ sơ trình UNESCO; đồng thời tư vấn giúp tỉnh có biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị của “nghĩa địa” san hô hóa thạch tại huyện đảo Lý Sơn”, ông Căng cho biết.