Người mẫu nhí - có cần pháp luật điều chỉnh?

(PLO) - Có thể sự xuất hiện của người mẫu tuổi nhí đã mang đến một cơn gió mới lạ cho ngành thời trang, tuy nhiên, nó cũng gây nỗi băn khoăn trong lòng những người làm cha mẹ, cũng như trong giới chức quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. 
Khánh Linh (cô bé 6 tuổi người Hải Phòng) đoạt giải Fashionista International.
Khánh Linh (cô bé 6 tuổi người Hải Phòng) đoạt giải Fashionista International.

Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là rất nhiều gương mặt đã từng là người mẫu nhí bây giờ trưởng thành được nhiều người biết như: Bảo Trân, Angela Phương Trinh, Mỹ An, Phan Hiển, Thiên Kim, Ben Lee, Hồng Nhung, Phương Vy, Vân Khánh, Linh Nhi...  

Đời “lên hương” từ mẫu nhí

Hiện nay nhiều gia đình cho con đi học lớp đào tạo người mẫu từ rất sớm. Tại TPHCM có rất nhiều “lò” luyện mẫu như:  Công ty người mẫu Elite, Công ty đào tạo người mẫu VC Modelling, Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, Trung tâm người mẫu thời trang Việt Nam (FMV), Nhà văn hóa Thiếu nhi... trong đó các học viên dưới 18 tuổi ước khoảng 30 - 40% (khoảng 20% là 13, 14). Rất nhiều “lò” luyện mẫu nhận học viên từ nhỏ tuổi, trong khi CLB Người mẫu trẻ của Nhà văn hóa Thanh niên nhận học viên từ 15 tuổi trở lên thì nhiều nơi khác có nhận dưới 15 tuổi, thậm chí từ 7 tuổi…

Sự xuất hiện của người mẫu tuổi nhí đã mang đến một cơn gió mới lạ cho ngành thời trang. Cuối tháng 7/2017 vừa qua, cô bé 6 tuổi người Hải Phòng Khánh Linh đã tham gia đấu trường quốc tế tại cuộc thi “Prince-Princess International” lần thứ 17 được tổ chức tại Thái Lan hồi cuối tháng 7/2017 và đã vượt qua hơn 50 mẫu nhí đến từ 17 quốc gia trên toàn thế giới để đoạt giải Fashionista International (Công chúa phong cách thời trang quốc tế). Tuy nhiên, việc sử dụng người mẫu nhí, dù thành công đến đâu cũng gây nỗi băn khoăn trong lòng những người làm cha mẹ, cũng như trong giới chức quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. 

Còn nhớ, việc để các người mẫu nhí phải dốc sức thi thố trên sàn diễn, từ hàng nghìn bé thi để lựa chọn 200 em trình diễn bộ sưu tập thời trang xuân - hè tại Vietnam Junior Fashion Week - Tuần lễ thời trang dành cho trẻ em Việt Nam 16-18/6 mới đây, cũng khiến nhiều người băn khoăn. Để có được những bước catwalk tự tin trên sàn diễn, các em thiếu nhi cũng phải tập luyện căng thẳng, điều này đôi khi quá sức với các bé chỉ mới 3-5 tuổi. Còn quá non nớt mà các em sớm phải tiếp xúc với son phấn, với những trang phục đôi khi không phù hợp. Từ thực tế này một câu hỏi đặt ra là, liệu có phải vì các em yêu thích trình diễn thật hay chỉ vì ý muốn của bố mẹ mà các em phải vắt kiệt sức mình?

Luật chưa điều chỉnh

Nhưng dù táo bạo và già dặn đến đâu thì cũng phải thừa nhận một thực tế là ở lứa tuổi trẻ con, các “người mẫu nhí” chưa hoàn toàn ý thức hết công việc mình đang theo đuổi. Bởi, dù cơ thể phát triển như người lớn nhưng tâm hồn và suy nghĩ vẫn là của tuổi ăn, tuổi chơi. Nhiều  bậc cha mẹ nghĩ đơn giản là để các em tham gia cho vui, hoặc cho rằng các em có năng khiếu sớm thì tạo điều kiện cho các em phát triển, chứ không nghĩ rằng nghề người mẫu là nghề cực nhọc và đầy phức tạp. Đối mặt với những khó khăn, phức tạp như vậy của nghề nghiệp khi còn quá ngây thơ cũng rất dễ ảnh hưởng đến nhân cách của các em sau này...

Lo ngại về vấn đề này, một phụ huynh đã bày tỏ ý kiến trên diễn đàn cha mẹ: “Các vị phụ huynh sau khi cho con em mình tham gia lớp đào tạo người mẫu nhí thì hớn hở ra mặt vì con mình lanh lẹ hơn. Bên cạnh đó, một số bé thì tỏ ra chểnh mảng việc học vì... mai mốt làm người mẫu chuyện nghiệp thì đâu có cần học, không  chơi với các bạn vì... thấy bạn quê mùa hơn mình. Tôi thấy thì nguy cơ con mình hư khi tham gia những lớp người mẫu như thế vì trẻ tiếp xúc với phấn son sớm quá thì rất nguy hiểm. Trong điều kiện môi trường như vậy rất dễ mất đi sự hồn nhiên của các bé. Để giúp bé tự tin trong giao tiếp đâu chỉ có cách tham gia các lớp người mẫu”. 

Ở góc độ pháp luật, nếu chiểu theo quy định của pháp luật thì việc đưa trẻ em dưới tuổi 15 lên sàn catwalk là phạm luật. Theo quy định pháp luật, người tham gia lao động phải có độ tuổi ít nhất là 15. Theo Thông tư 21/1999 của Bộ LĐTB&XH, thì trẻ em dưới 15 tuổi có thể được phép tham gia vào một số công việc mang tính nghệ thuật như múa, hát, xiếc, sân khấu (kịch, tuồng, chèo, cải lương…), nhưng không có công việc người mẫu. 

Nghề người mẫu vốn đã bị dư luận nhìn khắt khe từ xưa, đến nay vẫn tồn tại quá nhiều điều bất cập trong hoạt động biểu diễn. Với tất cả những điều nói trên, xét cả trên góc độ lý và tình cho thấy, phải chăng chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận đưa trẻ em chưa đủ tuổi lên sàn diễn người mẫu thời trang từ góc độ làm cha làm mẹ, cũng như góc độ nhà quản lý.

Phải tính đến việc đưa ra những quy định cho người mẫu nhí

Mới đây, trả lời báo chí, ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở VH-TT, TPHCM thừa nhận việc biểu diễn của nghệ sĩ nhí, trong đó có người mẫu nhí, hiện luật chưa quy định. “Nếu các bé chỉ tham gia biểu diễn theo phong trào thì không sao, còn nếu biểu diễn chuyên nghiệp, có doanh thu thì phải xem xét lại, dù được cha mẹ đồng ý và thay mặt ký kết hợp đồng.

Nếu luật “căng” quá, sẽ ảnh hưởng đến việc biểu diễn, giao lưu của một số tài năng. Còn buông lỏng quản lý thì không được vì thực tế có trẻ đi biểu diễn nhiều, là người tạo ra thu nhập chính của gia đình, có thể bị lạm dụng sức lao động”.

Ông Phạm Đình Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết Cục sẽ xem xét lấy ý kiến và tổ chức hội thảo xoay quanh người mẫu nhí. “Từ trước đến nay trong Nghị định 79 quy định biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp và người mẫu chỉ áp dụng cho người mẫu trưởng thành từ 18 tuổi trở lên và có quyền công dân. Trước đây, chúng ta cũng chưa đề cập đến khái niệm người mẫu nhí, nhưng bây giờ đã đến lúc cũng phải tính đến vấn đề này với việc đưa ra những quy định cho người mẫu nhí”, ông Thắng nói.

Đọc thêm