Người nổi tiếng, kích động đánh người, tự do ngôn luận hay phạm pháp?

(PLVN) - Công an Tiền Giang cho biết đã nắm về việc thông tin trang mạng xã hội facebook được cho là của ca sỹ Đàm Vinh Hưng đã có bài viết xúi giục cộng đồng mạng đánh người khác và thậm chí còn treo thưởng cho hành vi này. 
Dòng trạng thái được cho là của Đàm Vĩnh Hưng.
Dòng trạng thái được cho là của Đàm Vĩnh Hưng.

Vụ việc một lần nữa xới xáo lên vấn đề người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm gì với những phát ngôn của mình trên mạng xã hội, nếu những phát ngôn đó kích động bạo lực, xúi giục người khác vi phạm pháp luật, hoặc gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội?

Người nổi tiếng “lỡ đăng” không chỉ một lần 

Tối 21/10, thông tin từ truyền thông cho biết một lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang khẳng định việc cơ quan này đã nắm về việc thông tin trang facebook tên Đàm Vĩnh Hưng xúi giục cộng đồng mạng đánh ông bố bạo hành con ở tỉnh Tiền Giang và treo thưởng 20 triệu đồng.

"Hiện trang facebook này đã gỡ bài viết (status) liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn đang tập trung điều tra vụ anh Đoàn Văn Tí (30 tuổi, ở Tiền Giang) bạo hành con trai và bị một số người hành hung. Sau khi có kết luận điều tra, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét, làm rõ vụ việc liên quan đến facebook được cho là của Đàm Vĩnh Hưng", vị lãnh đạo công an này nói.

Trước đó, vào ngày 17/10, có một đoạn clip dài 2 phút 15 giây được một tài khoản facebook đưa lên mạng xã hội ghi lại cảnh người cha bạo hành con mới chỉ khoảng 3 tuổi. Vụ việc được ghi lại xảy ra ở một nhà trọ thuộc xã Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.  

Lấy lý do bức xúc trước hành động bạo hành con nhỏ của ông bố trẻ, nhiều dân mạng đã truy lùng danh tính cũng như chỗ ở của gia đình này. Chỉ ít giờ sau đó, rất đông người đã tìm đến tận dãy nhà trọ, lao vào đánh tới tấp ông bố đánh con trong clip. Sau khi bị đánh, bị lên án chỉ trích, ông bố trong clip buộc phải nói lời xin lỗi và ngỏ ý mong được tha thứ cho hành vi đánh con của mình.

Người này cho biết vụ việc xảy ra từ 2 năm trước trong một lần anh ta say xỉn.

Điều đáng nói là sau khi xảy ra vụ việc, một tài khoản facebook tên là Nguyễn Lâm Hoài An đã thừa nhận hành vi đánh người của mình là sai.

Đây không phải là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra tình trạng người nổi tiếng tận dụng sức ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng của họ để định hướng đám đông. Gần nhất, một diễn viên trong lần bức xúc trước việc nữ ca sĩ người Mỹ - Kacey Musgraves mặc áo dài mà không mặc quần đã kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay.

Ngoài những lời chỉ trích, cô lên tiếng cổ vũ người dùng mạng hãy "san bằng" trang cá nhân của nữ ca sĩ kia đi để thấy "không được đùa với dân tao". Sau đó diễn viên này đã phải lên tiếng xin lỗi về hành vi kích động của mình. Cô vẫn giữ quan điểm của bản thân là không chấp nhận việc mặc áo dài mà không mặc quần của Kacey nhưng việc kêu gọi tẩy chay, chỉ trích tập thể của mình là không đúng.

Một nữ ca sĩ khác từng bị chỉ trích khi kêu gọi đám đông không ăn thịt lợn sau khi dẫn lại thông tin trên một báo điện tử có tựa đề "108 người ở Bình Phước nhiễm ấu trùng sán lợn gạo từ một ổ bệnh". Điều đáng nói, đây là bài viết được đăng từ ngày 7/11/2018 và thời điểm khi ca sĩ dẫn link thì dịch tả heo châu Phi đang hoành hành.  

Dòng trạng thái có tính chất kích động trên facebook Đàm Vĩnh Hưng.
 Dòng trạng thái có tính chất kích động trên facebook Đàm Vĩnh Hưng.

Đây cũng chính là lý do hầu hết ý kiến của cư dân mạng khi đọc thông tin chia sẻ của ca sĩ đều tỏ ra bức xúc: "Heo chưa chết người nông dân đã chết", "Chị là người của công chúng thì phải biết nghĩ kỹ trước khi đăng một cái gì, bài báo này từ 11/2018 rồi giờ chị lôi ra đăng vào lúc này. Chị sung sướng rồi không ăn thịt lợn thì ăn thứ khác nhưng chị phải biết nghĩ đến những người nông dân, không ai ăn thì họ sẽ bán cho ai"…

Bị chính cộng đồng mạng “sửa lưng” cho rằng nữ ca sĩ chưa hiểu thấu đáo về toàn bộ sự việc đã vội kết luận, hô hào đám đông làm theo ý mình, ca sĩ đã xoá dòng trạng thái kêu gọi khỏi trang cá nhân.

Đừng làm thay pháp luật

Khi người nổi tiếng hành xử như vậy, với nhiều người là phục vụ cho mục đích cá nhân, với nhiều người khác thì đăng cho có chuyện để nói, hoặc vô tình hoặc chưa kịp suy nghĩ thấu đáo hơn.

Ví dụ như câu chuyện về nguyên nhân khiến một MC phải xin lỗi sau khi anh bày tỏ “Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. Lòng quặn đau như muốn khóc!”; nhưng khi rừng Hà Tĩnh chìm trong biển lửa, quân và dân nơi đây chật vật chiến đấu với “bà hoả” đến mức đã có hai người bỏ mạng, anh vẫn im lặng.

Sự im lặng đó bị công chúng chỉ trích, bằng rất nhiều từ ngữ, từ nặng đến nhẹ, từ nhắc nhở đến mạt sát. Sau sự việc, anh cho biết sự chỉ trích khiến anh ngộ ra và thấy mình sai và có lời xin lỗi về điều đó.

Quay lại với câu chuyện của trang facebook có tên Đàm Vĩnh Hưng, trước đó, người này từng nhiều lần lên tiếng về những trường hợp bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, những kêu gọi ấy chỉ dừng lại ở việc cùng lên tiếng trước cái xấu, cần lực lượng chức năng nhanh chóng xử lý hành vi phạm pháp, thế nên anh được ủng hộ.

Nhưng lần này, với việc  xúi giục cộng đồng mạng đánh người khác và treo thưởng 20 triệu đồng thì quả thật đã “đi quá” khi mượn sức ảnh hưởng của mình để cổ vũ cho bạo lực, gây rối trật tự công cộng.

Cần phải biết rằng, hành vi kêu gọi đánh người thậm chí là "treo thưởng" cho việc tấn công người khác là một hành vi vi phạm pháp luật. Ở mọi câu chuyện, mọi sự việc, đúng sai, phải trái sẽ có luật pháp xác định và trừng trị và trong câu chuyện của ông bố bạo hành con gây phẫn nộ kia cũng không ngoại lệ. 

Xử lý nghiêm để chữa “căn bệnh thay trời hành đạo”

Luật sư Kiều Ngọc Vũ - Đoàn Luật sư TP HCM thông tin, theo Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống (Điều 156 BLHS 2015). 

Ngoài ra, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trên mạng, kể cả mạng xã hội, như: lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Về trách nhiệm hành chính, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân… sẽ bị phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trước các tin đồn thất thiệt được tung lên mạng, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng an ninh mạng cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm, nếu cần thiết thì xử mức án cao nhất của khung hình phạt để răn đe, phòng ngừa chung.

Sau khi xử lý xong, cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.

Là một trong nhiều nghệ sĩ, diễn viên có ý kiến về việc facebook tên Đàm Vĩnh Hưng kích động bạo lực, nghệ sĩ Trung Dân nhận định: "Đây chỉ là hành động xả tức giận với những bức xúc trong cuộc sống và chỉ xử lý phần ngọn của vấn đề. Muốn xử lý tận gốc của nạn bạo hành trẻ em phải có sự can thiệp của pháp luật. Không chỉ có bạo hành trẻ em, bất cứ vấn đề vi phạm pháp luật nào, người dân phát hiện, lên tiếng nhưng việc xử lý thì do cơ quan chức năng đảm nhận".

H.Minh (tổng hợp)