Nhạc kịch Broadway đang đi vào đời sống nghệ thuật Việt

(PLO) - Nhạc kịch, đặc biệt là dòng nhạc kịch Broadway tuy là hình thức nghệ thuật quen thuộc và được ưa chuộng ở phương Tây, nhưng với Việt Nam, vẫn còn là điều mới mẻ. Với nhiều nỗ lực của các nghệ sĩ, giờ đây nhạc kịch Broadway đang đặt những viên đá “thuần Việt” đầu tiên.
Nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương” được coi là vở nhạc kịch Broadway thuần Việt đầu tiên
Nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương” được coi là vở nhạc kịch Broadway thuần Việt đầu tiên

Từ những viên đá đầu tiên...

Có thể nói, ca sĩ Đức Tuấn là người đầu tiên có tham vọng “mang nhạc kịch Broadway lên sân khấu Việt” vào gần 10 năm trước. Năm 2009, sự ra đời của album và CD live in concert (thu âm trực tiếp chương trình biểu diễn - PV) theo phong cách Broadway của Đức Tuấn được xem là một hiện tượng của làng nhạc Việt lúc bấy giờ.

Album và CD live in concert mang tên “Music of the Night - The Broadway”, gồm 11 ca khúc trích từ 9 vở nhạc kịch kinh điển nổi tiếng thế giới đã được Đức Tuấn hát bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, kết hợp cùng dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng người Anh Paul Bateman. Từ những sản phẩm âm nhạc này của Đức Tuấn, người nghe đại chúng bắt đầu được tiếp cận với Broadway.

Tiếp sau đó, năm 2011, Đức Tuấn tiếp tục quay lại dòng nhạc kịch yêu thích với live show “Thiên thai - Paradiso”  kỷ niệm 10 năm ca hát, trong đó, một phần của chương trình dành để hát nhạc kịch với các ca khúc bất hủ quốc tế.

Sau đó, Broadway bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các sân khấu, thậm chí cả gameshow. Năm 2012, một nhóm du học sinh chuyên ngành nghệ thuật đã khiến khán giả bất ngờ khi đem đến Hà Nội hai vở diễn kinh điển của Broadway là “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối”.

Năm 2016, Nguyễn Phi Phi Anh đã gây chú ý với dự án mang tên Hope, gồm 35 buổi diễn với vở nhạc kịch “Góc phố danh vọng”, “Đêm hè sau cuối” và “Mộng ước không xa vời”, với số tiền tài trợ 6 tỉ đồng, mục tiêu kéo 10.000 khán giả đến rạp xem nhạc kịch.

Một nhóm trẻ mang tên Buffalo cũng đã gặt hái thành công nhất định với việc đưa nhạc kịch đến với khán giả trẻ. “Chicago” là vở diễn Broadway gây tiếng vang cho Buffalo và được đánh giá “đậm chất Broadway”.

Có thể nói, trong gần 10 năm, các nghệ sĩ Việt đã liên tục tìm cách đặt những “viên đá nhạc kịch” vào âm nhạc Việt, bằng sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Đến “tham vọng” Broadway thuần Việt

Mới đây, Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP HCM đã công bố vở nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu kí” sẽ được chính thức dàn dựng và biểu diễn theo phong cách Broadway, thông tin đã làm nức lòng các “tín đồ” của nhạc kịch Broadway tại Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên câu chuyện “Dế mèn phiêu lưu kí” vốn gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người Việt được trình diễn trên sân khấu với hình thức nhạc kịch. Phía Nhà hát cho biết, vở diễn được đầu tư công phu, nghiêm túc qua phần dàn dựng của “phù thủy” sân khấu Phạm Hoàng Nam, biên đạo John Huy Trần. Chỉ huy dàn nhạc là Nghệ sĩ Trần Nhật Minh, người viết nhạc cho vở diễn là Nhạc sĩ Việt Anh.

Bên cạnh dàn nhạc giao hưởng là dàn nhạc nhẹ phụ trợ như hình thức của sân khấu Broadway từ thế kỷ XIX đến nay. Đào Mác và Võ Hạ Trâm là hai ca sĩ thể hiện phần ca khúc. Vở diễn sẽ được công chiếu trên sân khấu vào giữa năm 2019.

“Dế mèn phiêu lưu kí” không phải là vở nhạc kịch theo xu hướng Broadway đầu tiên của Việt Nam. Nếu nói về thuần Việt, “Chuyện tình nàng Giáng Hương” mới được coi là vở diễn thuần Việt đầu tiên theo phong cách nhạc kịch Broadway. Vở diễn được đầu tư hơn 10 tỉ đồng, quy tụ nhiều tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật như Nhà báo Trần Nguyễn Thiên Hương viết kịch bản, đồng thời là Tổng đạo diễn.

Phần âm nhạc do Đạo diễn Nguyễn Công Phương Nam đảm nhiệm, sân khấu thuộc về Đạo diễn người Pháp Sylvain Merille, còn Nghệ sĩ Hữu Trị phụ trách phần diễn xuất. Các giọng hát của Nam Khánh, Thanh Nguyên, Tấn Đạt, Hoàng Kim... thể hiện mới mẻ và đẳng cấp các tình khúc của Phạm Duy, Văn Cao, Ngô Thuỵ Miên. Phần dàn dựng từ sân khấu tới trình diễn quá mãn nhãn khiến vở diễn tạo nên được tiếng vang và thu hút khán giả đến với vở nhạc kịch này.

Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá, “Chuyện tình nàng Giáng Hương” chỉ mới chạm được “một ngón tay” vào nhạc kịch Broadway, vì “vẫn chưa tới”, thiên về xu hướng “kịch” nhiều hơn, còn phần nhạc vẫn mang yếu tố “đệm”.

Nhưng dù thế nào, “Chuyện tình nàng Giáng Hương” cùng với một số vở nhạc kịch được dàn dựng thành công thời gian qua như “Tiên Nga” (Idecaf), đã góp phần đem đến một sắc thái mới cho sân khấu Việt, đem nhạc kịch thuần Việt đến với khán giả.

Quay lại với “Dế mèn phiêu lưu kí”, vở diễn mang tham vọng của những người dàn dựng, là lần đầu đem đến cho khán giả một vở nhạc kịch theo phong cách Broadway đúng nghĩa. Điều này nhận được sự kì vọng lớn của cả khán giả lẫn giới chuyên môn.

Từ những viên đá nhỏ bé đầu tiên, cho đến nay, những vở diễn thuần Việt mang phong cách Broadway sẽ là những hòn đá tảng cho nền tảng của nhạc kịch Việt. Đây rõ ràng không phải một câu chuyện kinh doanh giải trí, cũng không hề là những cuộc chơi.

Đó là nỗ lực của những người làm nghệ thuật dũng cảm, dám mở đường, dám thử sức với cái mới, sẵn sàng chấp nhận thất bại, để góp phần nâng tầm văn hoá thưởng thức của khán giả, đem lại sự phong phú và đẳng cấp hơn cho âm nhạc Việt. 

Đọc thêm