Nhạc kịch Việt 'tấn công' thị trường âm nhạc

(PLO) - Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, thời gian gần đây, khán giả chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt chương trình nhạc kịch được đầu tư công phu. Mặc dù còn không ít bấp bênh nhưng điều này là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của các nghệ sĩ trong việc đưa những dòng nghệ thuật thường được coi là đẳng cấp, kén khán giả đến với đại chúng.
“Chuyện tình nàng Giáng Hương” - vở nhạc kịch đậm chất Việt Nam đầu tiên theo phong cách Broadway thu hút khán giả TP HCM.
“Chuyện tình nàng Giáng Hương” - vở nhạc kịch đậm chất Việt Nam đầu tiên theo phong cách Broadway thu hút khán giả TP HCM.

Nghệ thuật đẳng cấp nỗ lực đến gần khán giả

Khi đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh bắt tay vào Dự án Hope (Mộng ước), một dự án nhạc kịch khá “khủng” trong thời điểm nhạc kịch Việt Nam vẫn còn khá xa lạ với số đông khán giả, nhiều người cho rằng anh “ngông cuồng”. Hope, gồm ba vở diễn “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng” và “Mộng ước không xa vời” là một dự án nhạc kịch với tiêu chí gần gũi và kết hợp nhạc kịch kinh điển và các tác phẩm nhạc pop đương đại. Với Hope, các vở nhạc kịch nổi tiếng như Cabaret, Grease, Nine sẽ xuất hiện cùng với những bản hit nổi tiếng của Lady Gaga, Bruno Mars, Britney Spears…, và được Phi Anh chuyển thể sang tiếng Việt.

Tham vọng của Nguyễn Phi Phi Anh dường như khá ngoài tầm với, đặc biệt là dự án vé “Hy vọng” với giá 99 ngàn đồng, chỗ ngồi bình đẳng không phân biệt giá thấp cao, dành cho tầng lớp lao động nghèo muốn được thưởng thức nhạc kịch. Thế nhưng, dường như sự bướng bỉnh trong nghệ thuật của Phi Anh đã bước đầu đem lại những kết quả tốt đẹp. Trong hai tháng 10, 11, gồm “Đêm hè sau cuối” và “Góc phố danh vọng” đã được công diễn ra thu hút sự chú ý của dư luận. Dàn diễn viên cực kì chuyên nghiệp, cách xử lý đầy khép léo khiến sự kết hợp giữa nhạc kịch cổ điển và âm nhạc hiện đại như pop, rap, rock hòa quyện với nhau thành một chỉnh thể sống động, đầy cảm xúc… Tất cả những điều này, cộng với sự trẻ trung, tươi mới, quyến rũ khiến “nhạc kịch không hàn lâm” của Nguyễn Phi Phi Anh đã tạo nên được một vẻ đẹp rất riêng, hấp dẫn được công chúng và nhận đánh giá cao từ nhiều nhà chuyên môn, cũng như phải tăng suất diễn vì “cháy vé”.

Xuất hiện cùng thời điểm, dự án nhạc kịch có cái tên thuần Việt “Chuyện tình nàng Giáng Hương” cũng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Kinh phí hơn nửa triệu USD, “Chuyện tình nàng Giáng Hương” là một trong những vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo phong cách Broadway, và nền nhạc chính của vở diễn là các bài hát kinh điển của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Văn Cao… Chính yếu tố mới lạ này đã khiến những đêm công diễn của vở kịch thu hút đông đảo khán giả đến xem. 

Trong vòng một năm nay, nhiều vở nhạc kịch khác cũng đã ra mắt khán giả, nhận nhiều phản hồi tốt. Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM đã liên tục cho ra mắt các vở như “Cây sáo thần”, “Carmen”, và gần đây là “Cuộc sống Paris” cũng theo phong cách Broadway, được đánh giá là đầy sáng tạo, lộng lẫy, rộn rã và yêu đời. Khán giả yêu kịch ở TP HCM cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều vở nhạc kịch như “Tấm Cám”, “High school musical”, “Tình ca phố”… do nhóm nhóm kịch trẻ Buffalo dàn dựng, trẻ hóa thể loại nhạc kịch. Khán giả thị dân dường đang ngỡ ngàng với cuộc “tấn công”  của nhiều dự án nhạc kịch chất lượng, hấp dẫn từ các đạo diễn Việt Nam, điều mà nhiều năm qua đã vắng bóng.

Đường khó, nhưng đáng đi

Tất nhiên, bên cạnh những yếu điểm đầy sức hút, nhạc kịch “made in Việt Nam” không phải là không có những hạn chế khiến cho con đường tiếp cận khán giả gian nan hơn một chút. “Chuyện tình nàng Giáng Hương”, dù đầu tư nghiêm túc, hiệu ứng tốt, vẫn nhận không ít phê bình “chưa thực sự là nhạc kịch Broadway”, bởi phần nhạc còn lấn át phần kịch, cũng như thiếu lời thoại cho các nhân vật. “Góc phố danh vọng” trong dự án Hope được cho là chưa nhuyễn về khâu kịch bản và kết nối các thể loại âm nhạc. Kịch bản còn vụng, xử lý chưa tốt, đó cũng là khâu yếu nhất tạo nên khuyết điểm của khá nhiều vở nhạc kịch “made in Việt Nam” hiện nay.

Trên thế giới, nhạc kịch đã có hàng trăm năm tuổi đời và có chỗ đứng vững chãi ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, nhạc kịch dường như bị lãng quên cho đến khi được những nghệ sĩ tâm huyết khơi dậy thời gian gần đây. Một điều may mắn, trong khi nhiều nghệ sĩ trẻ đang miệt mài với các dự án đem nhạc kịch đại chúng hóa thì nhiều đơn vị cũng nỗ lực đem đến khán giả Việt những vở nhạc kịch, vũ kịch, balet danh tiếng quốc tế như “Kẹp hạt dẻ”, “Hồ thiên nga”… Đây cũng là một cơ hội lớn cho sự tương tác, học hỏi cũng như khơi gợi cảm hứng yêu nhạc kịch, tạo thói quen mới cho khán giả Việt.

Tất nhiên, nhạc kịch “made in Việt Nam” là một con đường không hề dễ dàng. Bởi nhạc kịch không phải là một loại hình âm nhạc dễ tiếp nhận và có thể thực hiện một cách dễ dãi, theo thị hiếu. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ sự tìm tòi, say mê, đơn độc và cả sự hy sinh. Trên con đường đi còn mang tính khai phá ấy, những hạn chế là không thể tránh khỏi, vì thế, cho dù chưa hoàn hảo, nhạc kịch “made in Việt Nam” thời gian qua rất đáng để khen ngợi, ủng hộ.

Nền âm nhạc giải trí Việt đang trong một giai đoạn khá phức tạp, khi mà chân giá trị đang đồng hành cùng thị hiếu dễ dãi, tầm thường, những giá trị mang tính truyền thống được đặt cạnh sự phá cách, đổi mới. Sự xuất hiện của nhạc kịch, vũ kịch và những thể loại âm nhạc đẳng cấp, hàn lâm được đại chúng hóa là một dấu hiệu tốt đẹp, nó làm phong phú hơn thị trường âm nhạc Việt, và cũng cho thấy cái “gu” âm nhạc của khán giả Việt đang dần chuyển biến về hướng tích cực, đi cùng xu thế của quốc tế.

Đọc thêm