Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý: Tài năng phát tiết từ 6 tuổi

(PLO) -Mỗi khi nhạc phẩm “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” cất lên, giai điệu du dương của bài hát, làm say đắm lòng người. Và cha đẻ ra nhạc phẩm đã đi vào đời sống âm nhạc ấy, hẳn lấy làm tự hào với đứa con tinh thần được công chúng đón nhận, nâng niu. Với nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, gia tài âm nhạc của ông không chỉ có thế. 
Hồi ký của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý
Hồi ký của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý

Nói đến nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, không thể không nhắc tới những nhạc phẩm mà sức sống của nó, là vượt thời gian và không gian. Còn đó những giai điệu của “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Dư âm”… Và con đường âm nhạc của ông, dài lắm, mà cũng lắm chông gai. 

Từ những chập chững đầu đời

Sinh năm 1925, cho đến ngày hôm nay, không ai có thể phủ nhận rằng, Nguyễn Văn Tý là một cây đại thụ trong làng âm nhạc nước Việt. Để có được một Nguyễn Văn Tý với những sáng tác để đời, kể ra, cũng có căn nguyên cả vậy. 

Như chính lời tâm sự của nhạc sĩ qua hồi ký “Nguyễn Văn Tý tự họa”, ông cho hay, quê gốc của ông, thuộc về đất vua Hùng, ấy là huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú cũ, nay thuộc về tỉnh Vĩnh Phúc. Vùng đất ấy, là vùng đất của những Trống quân, Hát xoan, Hát ghẹo… của hội hè đình đám, của những Hát chèo, Ả đào, Hát văn… Và không chỉ có thế, mà quan trọng hơn cả nơi gia đình ông, Nguyễn Văn Tý đã được sống trong bầu không khí âm nhạc từ thuở còn thơ ấu. 

Nơi hồi ức của nhạc sỹ, vẫn còn đó những kỷ niệm về người cha có nhiều ảnh hưởng đến lựa chọn con đường đi sau này cho ông. Bởi cụ thân sinh ra Nguyễn Văn Tý, dù làm thợ máy ở nhà máy xe lửa Trường Thi của Vinh, và mẹ thì làm thợ sơn cũng ở nhà máy ấy, nhưng “Bố tôi thời trai trẻ vốn làm Trù bát âm (đầu đàn ban nhạc bát âm và thầy dạy nhạc bát âm). Đồng thời, ông còn là thầy đàn hát văn và đàn đáy trong nhóm hát Ả đào”, thường sắm vai kép chính trong các vở chèo truyền thống. 

Dù sau này mưu sinh bằng nghề thợ máy, một nghề tưởng chừng như chẳng có liên quan gì tới âm nhạc nhưng có hề chi, tình yêu, huyết quản đã rần rật dòng chảy của những giai điệu, ca từ. Dẫu làm thợ máy, nhưng trong căn nhà ở đất Vinh dạo thơ ấu, cậu bé Tý còn nhớ như in khi trên tường nhà, cha mình có đủ những loại đàn dân tộc, nào nhị, nào hồ, nào đàn tranh, đàn nguyệt… có thứ còn được bịt bằng da kỳ đà đắt giá lắm.

Và đâu chỉ là sưu tập đàn cho đủ đam mê, bố cậu bé Tý dạo ấy còn tập hợp bạn bè đàn hát vào tối thứ Bảy hàng tuần, rồi hát chèo, dựng vở, dựng rạp diễn cho mọi người thưởng thức, đến nỗi mật thám Pháp nghi ngờ, theo dõi. Sống trong không khí âm nhạc đậm đặc dường ấy, cậu bé Tý với sự hồn nhiên của trẻ thơ, chẳng biết tự bao giờ, đã chịu ảnh hưởng sâu sắc, và để về sau, những khuông nhạc, tiếng đàn, giọng ca trở thành cái nghiệp vận vào đời ông vậy. 

Phát tiết ở tuổi lên 6

Gia đình Nguyễn Văn Tý có năm anh chị em, hai gái, ba trai, cậu bé Tý là con thứ ba trong nhà. Ngay từ thuở mới lọt lòng mẹ, thì âm thanh của tiếng đàn, giọng ca cùng những lời ru ầu ơ đã thoang thoảng bên tai chú bé rồi: “Từ thuở mới lọt lòng mẹ, chiều nào cơm nước xong, bố tôi cũng chơi nhạc. Mẹ tôi cũng đặt tôi vào đùi bố, để cho tôi ngủ”… “Những tiếng nhạc như thế cứ chiều chiều đưa tôi vào giấc ngủ tuổi ấu thơ, để lại trong tâm hồn tôi bao mộng mơ huyền ảo”.

Và như tìm người tri kỷ, tri âm, người cha yêu âm nhạc mà sống nghề thợ máy ấy, đã dạy cho cậu bé Tý tập hát những bài cổ bản, từ “Kim tiền”, “Lưu thủy” đến “Sa mạc”, “Trống quân”, rồi “Huê tình”, “Hành vân”… Và quả là hổ phụ sinh hổ tử, chú bé Tý mới ở tuổi lên 6 thôi, mà đã nổi tiếng trong vùng dạo ấy là “Cậu Tý hát hay”, nhất là với bài “Lý giao duyên” với những giai điệu say đăm lòng người:

“Trăm khúc sông đổ dồn một bến,

Anh chẳng thương nàng, anh đến chi đây”.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý thời trẻ
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý thời trẻ

Dẫu sau lần bị mật thám Pháp theo dõi, để ý mà phải bỏ luôn những vở diễn tự phát, nhưng tình yêu âm nhạc cứ đau đáu trong tim người cha. Ông tìm vui cùng bạn bè trong những buổi rượu, chén trà. Và hành trang mang theo là cậu con trai hát hay cùng dăm ba nhạc cụ giải khuây để khi cha đàn thì con hát, đến nỗi làm cho những người nghe phải rơi lệ bởi quá cảm xúc. 

Ấn tượng từ tuổi lên 6 là vậy, nhưng như chính nhạc sỹ khẳng định, ông còn được ảnh hưởng cả “từ cái nôi văn nghệ nhà trường” nữa. Bước vào tuổi đi học, cậu bé Tý học ở trường Quốc học Vinh (Collège Vinh) thời gian 1938 – 1942. Và thời gian ngồi trên ghế nhà trường, mọi người biết đến Tý, ở khả năng khác nữa, đá bóng và đóng kịch, tức là cũng có văn nghệ đấy. Có lần, chú bé Tý giành được giải nhất văn nghệ của trường, tiền thưởng là lọ hoa sau này đưa cho mẹ bán được 6 đồng, tương đương với một tạ rưỡi gạo chứ chẳng ít đâu. 

Biết con giỏi nhạc, ca là vậy, nhưng cũng như bấy lâu trong quan niệm của dân ta, và có lẽ, cũng vận vào đời mình mà suy ra, nên người bố lấy làm lo lắng cho tương lai của cậu con trai. Bởi vậy đến năm thứ ba Tý học ở Quốc học Vinh, thì ông phá hủy tất cả những nhạc cụ trong nhà, với lời nói dối rằng “những mảnh da kỳ đà bịt đàn bán đi có giá lắm”. Nhưng ẩn sâu trong đó là tình thương dành cho con vô bờ bến, bởi không muốn con trai mình sau này, lại đi vào vết xe đổ của bản thân, phải theo cái nghiệp “xướng ca vô loài”. Nhưng hỡi ôi, nghiệp đã vận rồi, thì đổi dời sao được. 

Đường vào âm nhạc

Tuổi thơ thì được sống với âm nhạc dân tộc từ ảnh hưởng của người cha, sau này, Nguyễn Văn Tý với khả năng thiên bẩm cùng tình yêu âm nhạc, được học thêm nào là đàn banjo, đàn ghita Hạ Uy Di, rồi bạn bè ủng hộ mà góp tiền cho đi học xướng âm, lại được dạy cho hòa âm để hát bè trong những thánh ca của nhà thờ dù không phải người theo đạo Công giáo, hoặc được dạy những bài hát phương Tây bởi bà giáo già người Pháp.

Tất cả chỉ vì, hầu như ai gặp Tý, cũng đều thấy được thiên tư khác người về âm nhạc của cậu chàng. Bởi vậy “Và cứ thế, như dòng chảy theo con đường đã vạch. Tôi không thể nào dừng lại được”.

Đến đầu năm thứ tư học Quốc học, Tý đã cùng người bạn học tên Nha, ra hát nơi rạp Đại Nam lớn nhất thành phố Vinh dạo ấy, được hoan nghênh nhiệt liệt. Đến năm 1944, khi đã nghỉ học, thì cũng từ đây, Tý bắt đầu bước vào hoạt động Việt Minh. Nhưng khác với chúng bạn hoạt động bí mật, Tý hoạt động công khai, đi hát. 

Những nhạc phẩm như “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ” của Văn Cao, rồi “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn, “Cô láng giềng” của Hoàng Quý, “Cô hái mơ” thơ Nguyễn Bính, nhạc Phạm Duy, “Cô lái đò” thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Đình Phúc… đã được Tý cất lên khi sân khấu sáng ánh đèn. Và khán giả bên dưới, thì đắm mình theo ca từ của chàng ca sĩ trẻ tuổi họ Nguyễn. 

Ban đầu là giọng hát cất lên, nhưng về sau này, thì những ca từ đã được chính Nguyễn Văn Tý tạo ra trên những khuông nhạc của chính mình. Theo nhạc sỹ cho hay, thì đến thời gian 1948 – 1949, chàng nhạc sỹ trẻ Nguyễn Văn Tý đã có những nhạc phẩm đầu tay khá nổi tiếng như “Ai xây chiến lũy”, “Chiếc áo cánh phin”, “Đàn bà bầy tui”. Gia tài âm nhạc ban đầu là thế, nhưng đó mới là tiền đề cho những bước đi vững vàng tiếp theo của người nhạc sỹ về sau. Hành trang mở đường vào âm nhạc của Nguyễn Văn Tý, là thế đó...