Nhớ thương cọn nước…

(PLO) - Trên nẻo đường khám phá Tây Bắc, có một hình ảnh thân thương du khách dễ bắt gặp là những cọn nước bên sông suối với những vòng quay miệt mài, bền bỉ đem nước về trắng xóa cho bản làng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với riêng tôi, nhìn cọn nước mà lòng xúc động trào dâng, mừng như thấy được hình ảnh cha tôi cường tráng cõng nước về nhà thay trời làm mưa cho lũ trẻ tắm mưa thỏa thích, cho ruộng vườn xanh tốt, cho lũ lợn gà được uống nước no nê.

Nhìn cọn nước tôi bùi ngùi như gặp lại hình ảnh miệt mài, nhẫn nại của mẹ trong những tháng ngày bé thơ nghèo khó, mẹ tôi quanh năm suốt tháng bền bỉ lao động kiếm miếng cơm, manh áo nuôi sống cả nhà…

Chẳng biết cọn nước có từ bao giờ, do ai sáng tạo ra? Chỉ biết rằng nó đã được các thế hệ gìn giữ và bảo tồn từ đời này qua đời khác với kỹ thuật giản đơn mà cực kỳ khoa học. Lợi dụng sức chảy của dòng nước để quay tròn, cọn nước lấy nước vào máng đưa lên cao đổ vào máng dài dẫn vào ruộng lúa. Nhờ cọn đưa nước, dẫn nước mà người nông dân giảm được bao công sức nhọc nhằn, đem lại mùa màng tốt tươi, no ấm. 

Nguyên liệu làm cọn nước có từ gỗ, vầu, nứa có sẵn trên rừng. Để làm cọn, người ta chọn một thanh gỗ nhẹ nhưng phải bền, có khả năng chịu nước tốt để làm trục giữa của cọn. Nang cọn được làm bằng những câu vầu có thân thẳng, nhỏ và phải là loại vầu già đủ tuổi. Sau đó, những cây nứa già đem về sẽ được chẻ mỏng rồi ghép lại thành từng tấm phên mỏng hình chữ nhật để làm cánh quạt nước.

Nước chảy tác động vào những tấm phên này sẽ tạo ra lực đẩy làm quay cọn. Những cây vầu già được chọn, vót và uốn để cố định vòng ngoài và vòng trong giữa các thanh nang nhằm giữ cho cọn không bị xô lệch.

Thông thường, lớp cọn nước sẽ được buộc cố định bằng hai chạc làm giá đỡ hai bên trục của cọn, phía dòng nước chảy về phía cánh quạt của cọn sẽ có hai cây gỗ có chạc hình chữ V để nâng đỡ và giữ cố định cho cọn.

Các ống đựng nước trên thân cọn được buộc chéo theo mỗi cánh quạt nước với sự bố trí độ dày mỏng và đặt những ống nước khéo léo sao cho khi dòng nước quay tròn, mỗi khi quay lấy nước vào máng đưa lên cao đổ vào máng dài dẫn vào ruộng lúa. Người dân chọn chỗ đặt cọn là nơi có nước chảy đều, mùa lũ nước không quá lớn làm cọn nhanh hỏng, mùa khô không quá cạn để cọn vẫn quay được. 

Cùng với dòng chảy của nhịp sống hiện đại, hiện nay hầu hết các xã vùng cao đều được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương phục vụ sản xuất, tưới tiêu. Tuy vậy, những chiếc cọn nước vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống, là một biểu tượng của văn hóa của đồng bào vùng cao. Tiếng nước chảy rì rào, tiếng kẽo kẹt của vòng xoay tre nứa bền bỉ đã đi vào nỗi nhớ của những người con của núi từng, dù đi phương vẫn đau đáu nhớ về đất mẹ.