Những bí ẩn mới giải mã về Vua Bảo Đại

(PLO) - Trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam, dưới chế độ phong kiến, có những vị vua được lưu danh sử sách vì những chiến công lẫy lừng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, hay vì những công lao hiển hách trong sự nghiệp dựng nước. Cũng có người bị liệt vào hàng bạo chúa, hay mải ăn chơi sa đọa đến nỗi bị truất phế mà mất ngôi... Riêng Bảo Đại, ông hầu như được nhắc đến chỉ vì một thực tế duy nhất: ông là vị hoàng đế cuối cùng của nước Việt Nam phong kiến. 
Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng.
Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng.

Cuốn sách “Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng” như một tư liệu quan trọng giúp bạn đọc có thể tham khảo khi tìm hiểu về lịch sử triều Nguyễn. Và đặc biệt là tìm hiểu về Bảo Đại (tức Vĩnh Thụy) - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng như của nước Việt Nam phong kiến. Sách do NXB Thế giới ấn hành. 

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy sinh ngày 22/10/1913 (tức ngày 23/9 năm Quý Sửu) tại Huế. Cha của Vĩnh Thụy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, tức Vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc tức bà Từ Cung sau này. Ngay thân thế của vị vua cuối cùng triều Nguyễn cũng trở nên hư hư thực thực. Từ trước đến nay, đã có nhiều tác giả trong nước cũng như nước ngoài đặt ra vấn đề người cha thật sự của Vĩnh Thụy với nhiều giả thuyết khác nhau, khiến cho câu hỏi “Vĩnh Thụy con ai?” càng trở nên rắc rối, phức tạp. 

Cho đến tận ngày nay, cuộc đời của vị vua này vẫn bị bao phủ bởi những giai thoại, mà phần nhiều trong số đó là bảy thực, ba hư. Cuốn sách “Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng” của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang sẽ giúp bạn đọc phần nào giải mã được những bí ẩn nói trên, đồng thời cung cấp một cái nhìn chân thực hơn về Bảo Đại, người mà năm 1945 đã quyết định từ bỏ cương vị hoàng đế để trở thành công dân mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đằng sau quyết định có tính lịch sử ấy là gì? Và điều gì đã xảy ra với Bảo Đại sau sự kiện hệ trọng ấy? Rốt cuộc, ai đã khiến Bảo Đại phải ôm hận mà từ bỏ quê hương? 

Theo chia sẻ của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn Việt Nam, tác giả đã tập trung tham khảo nhiều tư liệu trong và ngoài nước, kể cả những người thân cận của Bảo Đại, và cuốn hồi ký của chính ông mang tựa Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam) xuất bản tại Pháp năm 1980, qua đó hy vọng phác thảo nên những nét vẽ chính về chân dung của Bảo Đại.