Những người sống chậm với… thời gian

(PLO) - Nếu chỉ dùng vào việc xem giờ thì người ta đâu phải bỏ cả vài trăm triệu đồng để tìm kiếm những chiếc đồng hồ. Đó thật sự là thú chơi, như bao thú chơi cần sự đam mê và công phu khác, thu hút khá nhiều người tham gia. Và tôi đã gặp những người như thế…
Ông Trần Minh Tâm nâng niu những chiếc đồng hồ quý.
Ông Trần Minh Tâm nâng niu những chiếc đồng hồ quý.

Chơi đồng hồ để quý thời gian

Cửa hiệu khá “hoành tráng” của ông Trần Minh Tâm ở ngay mặt phố lớn, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam - Bắc Giang) bày bán đồ thể thao. Song đâu chỉ có thế, cả không gian rộng lớn được ông trưng bày những chiếc đồng hồ cổ. Tiếng chuông, tiếng nhạc bung binh, rộn rã, có khi chuông đồng hồ ngân lên cả bản nhạc không lời. Ông Tâm chia sẻ: “Bán đồ thể thao là để sinh sống, còn chơi đồng hồ là thú đam mê. Tôi chơi đồng hồ để thêm trân trọng giá trị thời gian. Ai cũng biết thời gian là vàng bạc, nhưng “sống” cạnh đồng hồ, điều đó càng đúng với tôi hơn bao giờ hết”.

Ông Tâm cũng cho biết thêm, ông từng có thời gian xuất khẩu lao động ở Đức và bị những chiếc đồng hồ cổ mê hoặc. Sau này về quê, ông sống bằng nghề sửa chữa đồng hồ và bắt đầu nghĩ tới chuyện sưu tầm. Đồng thời ông mở cửa hiệu buôn bán để có điều kiện làm phong phú bộ sưu tập của mình. Chỉ trong vòng 7 năm, ngôi nhà của ông đã trở thành “thế giới đồng hồ” 400 chiếc, với đủ loại như đồng hồ Ý, Pháp, Đức, Thụy Sĩ. Trong đó có nhiều hãng nổi tiếng như ODO của Pháp, có tuổi đời cả trăm năm và đến nay trở thành của hiếm.

Trong cuộc trò chuyện với ông Tâm, tôi được trở lại tuổi thơ của mình. Quả thật, càng quan sát đồng hồ thì càng thấy thích, bởi nó gắn bó với những kỷ niệm, ký ức, dấu ấn thời gian của tuổi thơ mỗi người. Những chiếc đồng hồ vừa là vật đo thời gian, vừa là bạn, chứng kiến bao nét đổi thay của con người. Nói đến thú sưu tầm, người ta thường nhắc tới 4 loại chính: đồng hồ tủ, treo tường, để bàn, đeo tay. Xưa đồng hồ tủ du nhập vào việt Nam theo đường truyền giáo, với hình thức rất cầu kỳ. Âm thanh của chúng thường gắn với những tiếng chuông nhà thờ thánh thót hay những bản Coco valse nổi tiếng. Ở nơi nào có nhiều nhà thờ, thì nơi đó có nhiều đồng hồ tủ, với nhiều kiểu dáng mẫu mã cổ điển. Từ năm 1930, đồng hồ treo tường ODO trở nên thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Qua sự giới thiệu của ông Tâm, tôi tìm đến một người dân rất đỗi bình thường khác là ông Trịnh Thủy ở xã Hiệp Cường (ở Kim Động - Hưng Yên) để tìm hiểu về thú sưu tầm của ông. Được biết, ông Thủy từng là công nhân cơ khí, ngay từ thời gian niên do đã giỏi sửa chữa đồng hồ nên được rất nhiều người nhờ vả “trùng tu” những chiếc hỏng hóc. Sau đó, vì mê tiếng đồng hồ mà ông đã dày công sưu tầm với mục đích để… trẻ lâu. Ông Thủy cho biết, ông và các con yêu tiếng chuông đồng hồ đến nỗi đi xa là nhớ. Bởi cứ mấy phút một chiếc nào đó lại ngân lên, đặc biệt vào ban đêm, sẽ ru cho giấc ngủ sâu. Và chính những âm thanh đó giúp ông thêm quý thời gian cũng như cảm thấy tâm hồn thanh thản, hướng thiện.

Sống chậm lại và… hơn thế nữa

Nói đến những người chơi đồng hồ thì đất Hà thành có nhiều “đại gia” hơn cả. Từ những người chơi bình thường cũng đã sở hữu vài chục chiếc, đến người có bộ sưu tập lớn thì lên đến cả nghìn đồng hồ. Giá trị của mỗi chiếc phụ thuộc vào mức độ giàu sang của chủ nhân. Người bình dân chỉ cần cất công săn tìm, với chừng 100 triệu đồng cũng có thể có tới 20 chiếc. Nhưng với những người chơi thuộc “hàng khủng” thì số lượng cũng như độ sang của các loại đồng hồ trong gia tài của họ lại không thể tính đếm được bằng tiền. Bởi riêng một món đồ cũng có khi bằng cả gia tài của người khác, và cả bộ sưu tập là cả một gia tài lớn. 

Có thể kể đến đạo diễn Lê Hùng, với hơn 30 năm sưu tầm, gia tài của ông có hơn 100 chiếc lớn nhỏ “ngự” trong nhà. Đạo diễn Lê Hùng cũng như nhiều người sưu tầm đồng hồ đều có chung một quan niệm rằng, họ sưu tầm là để chơi chứ không phải để kinh doanh. Và khi hợp gu, thân quý nhau thì giữa những người chơi có thể trao đổi. Ông Trần Minh Tâm khẳng định: “Không phải ai có tiền cũng thích chơi và biết chơi. Mỗi người có một kiểu chơi và ai đã biết chơi đồng hồ thì đều nghiện. Cái khó nhất của người chơi là phải nghe được âm thanh, cảm nhận được cái hay của nó. Chơi đồng hồ, người chơi còn được cái thú là cảm giác mình đang được sống chậm lại, khi mà cuộc sống đầy bon chen, đang xô đẩy con người với nhiều toan tính thiệt hơn…”.

Để xác minh thêm về điều đó, tôi tìm đến quán cà phê Junghans trên phố Hòa Mã, nơi thật sự có nhiều loại đồng hồ đẹp đến long lanh và không khỏi bất ngờ. Nhiều người đã từng thốt lên tại sao trên đời lại có nhiều loại đồng hồ lạ, cầu kỳ đến vậy! Hẳn là những người sáng tạo đồng hồ đã vô cùng tỉ mỉ cũng như đã bỏ ra nhiều tâm huyết cho những sản phẩm mang giá trị văn hóa này. Quả thật, đến thưởng thức hương vị thơm phức của cà phê, nghe tiếng đồng hồ ngân nga, các bạn trẻ sẽ được sống trong không gian chầm chậm, khác hẳn với dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống bên ngoài.

Quan sát tại quán cà phê Junghans, cũng như tìm hiểu về nhiều chiếc đồng hồ cổ khác, tôi nhận thấy đồng hồ có nhiều kiểu cách mang đậm tính nghệ thuật và cổ điển. Chúng từng gắn với các biệt thự Pháp cổ, đồng thời vượt qua giá trị của công cụ đo thời gian thông thường, và tượng trưng cho giá trị lịch sử, văn hóa hay thậm chí là khuynh hướng kiến trúc của cả một thời đại. Những cỗ máy thời gian thật sự là một công trình nghệ thuật. 

Ước mơ vươn tầm thế giới

Nắm bắt được giá trị “vượt thời gian” và “trên thời gian”, giới sưu tầm đồng hồ ở Hà Nội từ nhiều năm qua đã chú tâm và trở nên chuyên nghiệp hơn. Đã có nhiều ông chủ sở hữu bộ sưu tập lớn như Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Trung Nghĩa, Đức Minh, Đào Văn Dư, Trần Việt Hà, Đào Văn Đạt cùng nhiều người chưa lộ diện. Bởi rất nhiều sưu tầm chọn lốn chơi âm thầm, không lộ liễu. Lý do vì những món tài sản này được gìn giữ trong nhà chứ không cần trưng bày như cây cảnh. Hơn thế, cách chơi của người Hà Nội vốn không hề phô trương, không thích khoe khoang. Một điều nữa, cũng vì nhiều người muốn giữ “bảo bối”, thưởng thức theo cách của mình, chỉ cho một số người sưu tầm thân tín biết. 

Anh Nguyễn Trung Dũng, người được truyền lửa đam mê từ bố chia sẻ: “Bố tôi từng làm nghề sửa chữa, sưu tầm đồng hồ. Từ nhỏ tôi sống trong không gian của đồng hồ. Sau này lớn lên, tôi theo niềm đam mê của gia đình. Bố mẹ, anh em đều yêu thích. Gia đình quyết định từ cơ sở kinh doanh nhỏ, nâng lên thành công ty. Vâng, chỉ nghe tiếng tích tắc của nó thôi đã thấy thú vị rồi vì mỗi chiếc ngân vang một kiểu. Càng tìm hiểu thì tôi càng thấy yêu đồng hồ hơn”.

Gần chục năm trở lại đây, đã có những nhóm chơi đồng hồ tụ tập nhau để cùng chia sẻ thú chơi. Các quán cà phê Xe cổ ở 11 Hàng Bún, quán cà phê Đồ Cổ ở 91 Thợ Nhuộm là những địa chỉ quen thuộc mà những người chơi thường đến. Và hơn nữa, đồng hồ có nhiều loại với những tiếng chuông khác nhau, nhưng đều là tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, qua chiếc đồng hồ họ cũng muốn nhắc nhở mọi người thời gian là vàng bạc, chẳng chờ đợi ai, nên cần trân trọng thời gian, trân trọng những giây phút bình yên cũng như những phút giây sống đẹp, sống bình thản trong cuộc đời.

Anh Nguyễn Trung Nghĩa, nhà nghiên cứu đồng hồ cổ chia sẻ: “Sự khác biệt giữa cách chơi của người Việt và người Pháp là rất lớn. Người Pháp chơi trước nhiều, có nhiều thành viên tham gia và họ tự sửa chữa được đồng hồ cổ. Họ có sách vở để nhận biết, ở Việt Nam thì chưa có. Nên để hiểu thêm giá trị của đồng hồ, những người sưu tầm cũng cần dấn thêm một bước nữa, là mở ra các trang mạng, trao đổi thông tin, giúp cho nhiều người hiểu thêm về giá trị của đồng hồ cũng như thời gian”.

Đọc thêm