Ninh Thạnh Lợi – Chấn động một cuộc đấu giữ đất

(PLO) -Ngày nay, nhắc tới địa danh Ninh Thạnh Lợi, lớp trẻ trong Nam ngoài Bắc hẳn chẳng đọng lại trong trí chút ấn tượng hay hình dung gì. Nhưng trong lịch sử một thuở đau thương bị Pháp trị, với người dân Nam Bộ những năm 20 thế kỷ XX, ấn tượng về vụ án Ninh Thạnh Lợi thật khó quên cho được. 
Ninh Thạnh Lợi ngày nay.
Ninh Thạnh Lợi ngày nay.

Vụ án Ninh Thạnh Lợi, xét ra, chính là cuộc đấu giữa một bên là những kẻ cướp đất thông qua luật, với một bên là những người nông dân giữ đất mà bao đời nay sống theo lệ. Làng Ninh Thạnh Lợi dạo ấy thuộc quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá, nay là xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. 

Luật ăn cướp áp chế lệ dân lành

Nói về vụ án này, sách báo thời ấy viết nhiều nhưng theo thời gian mà mất mát phần đa, tài liệu người viết tìm thấy, được xem là công phu, có lẽ là của cố nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam - người được mệnh danh là “ông già đi bộ” cho sự chăm chỉ nghiên cứu của mình.

Xem qua biên khảo Lịch sử khẩn hoang miền Nam, chúng ta được biết qua nội dung sự kiện này trong phần phụ lục “Vụ án Ninh Thanh Lợi”, được tác giả tổng hợp từ những sách báo đương thời cùng báo cáo của người “có trách nhiệm” trong vấn đề này, đó là Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse. Nay, xin mạn phép mà lược thuật hầu bạn đọc.  

Trước khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, chính quyền nhà Nguyễn dù mở rộng đất đai cai quản, nhưng vẫn dành cho người Miên vốn cư trú đã lâu nơi đây nhiều quyền tự trị, những mong duy trì sự yên bình vốn có.

Thế nên, đất đai cùng hoa lợi sông rạch xưa thuộc nơi sinh sống, khai khẩn của người Miên vẫn được giữ nguyên, Nhà nước không đụng tới. Với những đất đai khai khẩn để canh tác, thì nơi nào hoang hóa, dân cứ việc đến cày cấy; đất nào bỏ hoang trong 3 năm liên tiếp thì kẻ khác mới có quyền chiếm hữu. 

Nhưng khi Pháp vào, để nắm được dân chúng, đất đai và tận thu tài nguyên, thuế khóa, luật bất thành văn của dân Miên bị bỏ, luật lệ về khai khẩn đất đai mới được người Pháp ban hành, nhưng dân đen thì mấy ai biết chữ mà thông được cái luật cướp đất ấy.

Lợi dụng sự ngu ngơ của dân Miên, năm 1922, người Pháp là Beauville-Eynaud cho tay chân đứng tên xin khẩn đất ở làng Ninh Thạnh Lợi. Sau đó, hắn mua lại biên lai xin khẩn đất ấy, trở thành điền chủ sở hữu tới 9/10 diện tích của làng. Dân làng Ninh Thạnh Lợi bất mãn lắm, kêu oan lên tận Thống đốc Nam Kỳ và Hội đồng Quản hạt, buộc tên Eynaud phải trả lại đất. 

Nhưng như thế nào đã xong, Eynaud dù thất bại, vẫn có tên tay sai thân tín là xã trưởng của làng, gốc Hoa kiều lai Miên, xã trưởng lại quen thân với cai tổng Tr. Cai tổng Tr. sai tên xã trưởng kia làm giấy tờ để trưng khẩn từng sở đất nhỏ, và phạm cả vào đất của chủ Chọt (tức Trần Kim Túc, 1887 - 1927), cũng là người Hoa lai Miên. Lúc ấy, chủ Chọt có 300 mẫu ruộng; bị mất đất, chủ Chọt bèn kiện xã trưởng, sau đó thắng kiện. 

Lịch sử khẩn hoang miền Nam viết về vụ án Ninh Thạnh Lợi
Lịch sử khẩn hoang miền Nam viết về vụ án Ninh Thạnh Lợi
Cuộc chơi nổi dậy của chủ Chọt

Để giữ đất của mình, chủ Chọt không chịu khoanh tay ngồi yên. Đầu tháng 5/1927, chủ Chọt tụ họp đàn em cùng thầy bùa tên Cồ Cui khoảng 40 người, làm lễ cúng phát bùa, phao tin rằng đeo bùa này súng bắn không bị thương. Đàn em chủ Chọt mặc áo trắng quần trắng, lãnh tụ thì mang cờ nhiều màu, thỉnh thoảng họ lại thay đổi địa điểm làm lễ.

Một lần, khi chủ Chọt và đàn em làm lễ trên phần đất đồn điền của Mézin, một tay thực dân có tiếng về khai thác rừng tràm, tên cai điền của Mézin cầm súng hăm dọa buộc giải tán. Chủ Chọt và đàn em liền bắt sống luôn 4 tá điền của Mézin đem về phần đất của mình, xung đột bắt đầu. 

Cai điền của Mézin lập tức đánh điện phản ánh với chủ tỉnh Rạch Giá, chủ quận Phước Long nơi có làng Ninh Thạnh Lợi và cai tổng Tr. được lệnh xem xét và ứng phó. Về phần chủ Chọt, ông cho giăng tứ phía nơi phần đất của mình một sợi chỉ màu trắng, cấm không ai được bước qua. Còn chủ quận Phước Long, ngày 6/5/1927 đi ghe đến Ninh Thạnh Lợi, nhưng bị đàn em của chủ Chọt uy hiếp tinh thần nên phải bỏ chạy. 

Hôm sau, 2 lính kín (mật thám) và 4 lính mã tà cùng cai tổng mang theo súng đến Ninh Thạnh Lợi, gặp đàn em chủ Chọt, chúng liền bắn thị uy. Em út chủ Chọt liền cầm dao mác và phảng đuổi đánh, bọn lính phải chạy cong đuôi. Ngay trong đêm, chủ Chọt cho đàn em bao vây nhà cai tổng Tr. và nhà xã trưởng, hai kẻ này vắng mặt, nhưng cha xã trưởng bị họ hạ sát vì hận chuyện bị giật đất. Sự căng thẳng bắt đầu. 

Nhận được tin có liên quan đến nhân mạng, chủ tỉnh Rạch Giá thân hành về Phước Long đàn áp, đem theo viên thanh tra mật thám và lính mã tà. Trước đó, có tên cò Bouchet cùng lính mã tà đi tàu đến trước, vào phần đất của chủ Chọt để giải quyết “phiến loạn”.

10 tên lính mã tà cầm theo súng được lệnh rời tàu đi bắt người. Chúng gặp ngay đàn em chủ Chọt khoảng 30 người, bèn dỗ dành họ gặp cò Tây Bouchet để trình bày nỗi oan ức. Bọn kia nhận lời, nhưng khi đi theo bọn lính mã tà đến phía tàu đậu chỉ cách khoảng 120m, bọn đàn em chủ Chọt lao tới đâm bọn lính mã tà làm một tên cai và 2 lính mã tà chết tại trận, đàn em chủ Chọt cũng bị thương và chết 6 người, số còn lại dùng luôn súng cướp được của mấy tên lính chết, bắn bị thương cò Bouchet trước khi tàu này chạy trốn. 

Con kênh gần ngã tư Phó Sinh thuộc vùng Ninh Thạnh Lợi, đường dẫn vào di tích xảy ra sự kiện chủ Chọt
Con kênh gần ngã tư Phó Sinh thuộc vùng Ninh Thạnh Lợi, đường dẫn vào di tích xảy ra sự kiện chủ Chọt

Dư âm một vụ án ruộng đất

Sau trận đánh ấy, dân Ninh Thạnh Lợi biết tai ương đang ập đến, nên mạnh ai nấy tản cư hết ráo, còn chủ Chọt quyết một phen sống mái với chính quyền thực dân, lệnh cho treo bảng cấm không được tàu bè nào lai vãng ở khu vực ông kiểm soát, các tiệm buôn Hoa kiều vẫn phải mua bán như thường lệ. 

Thấy lực lượng của cò Bouchet thất bại thảm hại, chủ tỉnh Rạch Giá bèn đánh điện cầu cứu tỉnh Cần Thơ. Một lực lượng do Trung úy trinh sát Turcot cùng 30 lính mã tà từ Cần Thơ tiến sang Rạch Giá hỗ trợ với ý định rõ ràng, hoặc là bắt giam “những kẻ phiến loạn”, hoặc nếu họ phản kháng sẽ sát thương không khoan nhượng. Cuộc giao tranh ắt phải diễn ra. 

Đến Ninh Thạnh Lợi, toán lính của Turcot tấn công ngay vào sào huyệt chủ Chọt. Với 4 khẩu súng giành được hôm đánh toán lính của cò Bouchet cùng dao mác và phảng sẵn có, lực lượng của chủ Chọt cự chiến hăng hái.

Kết quả cuộc giao tranh, bên chủ Chọt 14 người chết tại chỗ, trong đó có chủ Chọt, thầy bùa Cồ Cui và con gái chủ Chọt, 20 người khác bị thương. Bên phía lực lượng của Turcot không có thống kê cụ thể về thương vong, nhưng ước chừng có một phần lớn lính mã tà bị thương. Vụ đàn áp đến đây kể như xong, chính quyền đã dẹp được “phiến loạn”.

Cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi cuối cùng cũng thất bại, 88 người bị bắt gồm cả đàn bà và trẻ em, nhưng sự kiện này là một bằng chứng cho thấy sự phản ứng của người dân với chính sách ruộng đất cướp đoạt của chính quyền Pháp ở Nam Kỳ.

Thế nên sau đó, khi đem vụ án Ninh Thạnh Lợi ra xử cuối tháng 11/1927, chính quyền Pháp không dám xử tử hình ai và phải điều chỉnh chính sách ruộng đất ở Đông Dương, trả lại đất cho nhiều người, trong đó có gia đình chủ Chọt và nông dân làng Ninh Thạnh Lợi. 

Chính Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse trong văn bản gửi cho Toàn quyền Đông Dương, đã phải công nhận rằng “lịch sử của các tỉnh miền Tây Nam Kỳ trùng hợp với lịch sử của các tổ chức về quyền tư hữu ruộng đất, và sự phản ứng của dân bản xứ, của người Miên đối với quy chế về đất đai (mà chính phủ sắp đặt cho họ)”.

Vụ án ruộng đất Ninh Thạnh Lợi với tên tuổi của chủ Chọt và đàn em, chính là sự phản kháng tiêu biểu đối với chính sách ruộng đất cướp giật của chính quyền Pháp ở Nam Kỳ, làm cho chính quyền thực dân bấy giờ phải giật mình thon thót…/.