NSND Doãn Hoàng Giang: Chàng lãng tử đào hoa cô đơn

(PLO) - Bật lửa Zippo, điếu Malboro thường trực trên môi, mũ lưỡi trai đen và mái tóc dài luôn buộc túm sau gáy, thêm bộ đồ jeans, quần túi hộp, giày “khủng bố”..., Doãn Hoàng Giang chọn toàn những mốt của người trẻ, để cũng được trẻ như họ. 
NSND Doãn Hoàng Giang chỉ đạo diễn xuất.
NSND Doãn Hoàng Giang chỉ đạo diễn xuất.

“Lăn lóc” vào cuộc đời, “chịu chơi” hết mình, không biết mệt mỏi với sân khấu, bởi một lẽ: Ông sợ tuổi già, sợ cảm giác cuối đường nhìn lại, sợ thấy mình lực bất tòng tâm. Cô đơn là thứ trong suốt hơn 30 năm qua ông phải đối diện. Ông đã chiến thắng nỗi cô đơn ấy bằng cách làm việc “như con trâu, con bò” để xua tan những trống trải, buồn bã và để tạo dựng sự nghiệp cho mình.

Trái tim hào hiệp

Doãn Hoàng Giang quan niệm “công cụ lao động là bản thân, mình là con trâu cày nên phải được ăn rơm ngon”. Ông bảo, con người chỉ sống có một lần và vì thế đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tận hưởng niềm vui, hạnh phúc của cuộc sống hiện hữu duy nhất đó.

Một người bạn của ông nói, nếu chỉ biết Doãn Hoàng Giang với tư cách một đạo diễn nổi tiếng thì coi như chưa biết gì về con người này. Ở ngoài đời, ông thường gây ngạc nhiên cho mọi người với những thú chơi độc đáo.Nhiều khi toàn bộ số tiền đạo diễn một vở chỉ đủ cho ông xài một chiếc bật lửa Zippo! Ông lý giải: “Đồ dùng này thể hiện sự phát triển của nền công nghiệp và mỹ thuật thế giới”. Hiện giờ, ông có khoảng 100 chiếc bật lửa, toàn là sản phẩm của các hãng tên tuổi như Dunhill, Dubon, Zippo..., mỗi chiếc “bèo” nhất cũng vài trăm USD.

Thời trang cũng là một thú chơi của Doãn Hoàng Giang. Ông tự nhận mình là người ăn mặc có gu và mang đậm chất lính. Gam màu chủ đạo trong trang phục của Doãn Hoàng Giang là xanh lá cây, đen và không bao giờ vượt ra ngoài những màu này. Ông chỉ mua hàng hiệu và không bao giờ đi may đo. Điều đặc biệt là đạo diễn không bao giờ thắt cà vạt kể cả trong ngày cưới cũng như chưa bao giờ mặc sơ mi trắng. Trang phục thường thấy ở ông là quần kaki túi hộp và áo phông.

Nhìn trang phục “bụi phủi” của ông, có người khuyên: “Ăn mặc thế này là dễ đánh mất hết cái hồn dân tộc”. Ông phản bác: “Liệu anh có dám thi đọc thơ với tôi? Bất cứ tác phẩm nổi tiếng nào trong lịch sử văn học dân tộc, tôi đều có thể đọc anh nghe làu làu từ câu đầu tới câu cuối”, khiến vị kia chỉ biết tẽn tò.

Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang
Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang

Ngày còn trẻ, nhiều năm bám trụ tại Thư viện Quốc gia, dằn bụng chỉ bằng tô cơm nguội rang của mẹ, Doãn Hoàng Giang đã kịp “nạp” cho mình cả một kho sách vào đầu. Căn nhà chỉ vẻn vẹn 30m2 ở phố Huế trước đây của ông, sách xếp kín cả mấy mặt tường, sách vươn cao lên tận sát mái nhà, sách bành trướng cả dưới sàn nhà. Ăn cạnh sách và ngủ trên sách.

Ngoài sân khấu, niềm đam mê lớn nhất của ông là sân cỏ. Có lần, đạo diễn này còn mặc áo vàng của đội thiếu niên Quảng Ninh ngồi giữa đám trẻ con hò hét cổ vũ như ai. Còn nhớ, dạo cơn sốt bóng đá SEA Games 22 đang hừng hực, kiếm được một cái vé vào sân Mỹ Đình cũng nan giải, Doãn Hoàng Giang vẫn xoay xở mua cả hàng ghế, bao trọn phòng VIP, rủ rê đàn em, toàn những “con chiên” đắm đuối của môn phái túc cầu, từ Sài Gòn ra Hà Nội cổ vũ đội Việt Nam thi đấu.

Cái vẻ bề ngoài “giang hồ mê chơi” khiến người ta lầm tưởng Doãn Hoàng Giang phải là một tay bợm nhậu xiêu đình đổ quán. Rất hay bắt gặp ông ở các quán nhậu tưng bừng bè bạn, thế nhưng cả đời Doãn Hoàng Giang lại chẳng có tí hơi men nào chỉ bởi một lẽ giản dị: Uống một hớp bia là bị... dị ứng ngay lập tức.

Sống ở đời đã là kẻ lãng đãng mà lại đèo thêm trái tim hào hiệp thì đương nhiên là không giàu! Chuyện kể rằng: Ngay sau khi đất nước thống nhất, trong một chuyến công cán từ miền Nam trở ra Bắc, Doãn Hoàng Giang lập chí tu thân tề gia nên đã thuê hẳn một chiếc xe tải chở đầy đồ gia dụng về cho gia đình. Dọc đường Bắc tiến, đến đâu cũng hăm hở ghé nhà bạn bè chơi, thấy thằng bạn nào cũng thiếu thốn nên chiếc xe tải chưa kịp về đến Hà Nội đã... trống không.

Lần đầu tiên dựng vở cho một đoàn nghệ thuật, ông được thù lao 2.000 đồng. Đó là một khoản tiền lớn trong những năm 1970. Ông không mang số tiền ấy về nhà cho vợ mà đi tìm những người bạn yêu quý, biếu mỗi người một ít, rồi mua hẳn một chiếc xe đạp cho cậu bạn khó khăn nhất.

Chia tay nữ diễn viên sân khấu Nguyệt Ánh đã hơn 30 năm nay, “chàng lãng tử đào hoa” như mọi người thường gọi đùa vẫn chấp nhận làm một gã cô đơn. Ông chọn cuộc sống độc thân vì ông biết người phụ nữ sống được với ông phải có sự độ lượng, vị tha, rộng rãi lắm. Mà ông thì không muốn người mình yêu phải chịu thiệt thòi. Có rất nhiều phụ nữ đến với ông sau này, họ yêu ông say đắm và muốn gắn bó với ông nhưng ông đều từ chối.

Ông không giấu giếm: “Chẳng cuộc tình nào là không rắc rối, nhưng trên hết, phụ nữ vẫn thật êm đềm, đủ để giúp đàn ông chúng tôi cân bằng cuộc sống. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ để họ phải hi vọng. Như thế đôi khi hơi phũ phàng nhưng tôi không cho phép mình cản đường đi của họ”. Vả lại, Doãn Hoàng Giang thích bằng mắt, nhưng yêu bằng hồn. Có những người phụ nữ cực kỳ đẹp, luôn có một tá đàn ông bên cạnh quay cuồng tán tỉnh, vậy mà khi họ đứng trước Doãn Hoàng Giang, ông lại thấy “không vào”.

“Người còn sót lại của cánh rừng sân khấu”

Trong căn phòng nhỏ của Doãn Hoàng Giang, lúc nào cũng đầy ắp các đạo diễn trẻ đến nhờ... “cố vấn” cho đủ loại vấn đề khi dựng vở. Vừa hành nghề “quân sư quạt mo”, vừa nhận điện thoại từ các đoàn ở khắp nơi gọi đến mời đích danh ông dựng vở.

“Nếu được làm lại, tôi nghĩ tôi phải bớt chữ Dại đi. Tôi là người không biết nói lời từ chối, không thể nói Không. Nhiều vở diễn tôi không muốn dựng một chút nào vì chất lượng kém, mình không hứng thú. Nhưng anh em, bạn bè cứ nói mãi, có đứa còn bảo: “Anh không dựng cho em vở này, em sẽ mất chức đấy”. Thế thì tôi không từ chối được. Nhiều đoàn kịch họ biết “phỏm” của mình, họ cứ bảo nhau, cứ nói nhiều vào là Doãn Hoàng Giang sẽ vì “cả nể” mà làm”, ông kể.

“Ăn khách” là thế, nên rất khó gặp được gã cô đơn ấy. Luôn được xếp vào đội ngũ những kẻ lang thang, những gã digan, ông đi nhiều tới mức thấy... lạ cả cái giường ngủ trong phòng mình. Người ta thấy ông thoắt ẩn thoắt hiện, lúc thì ở Hà Nội, khi ở TP HCM, Cần Thơ để ngày hôm sau lại thấy ông đang ở một sân khấu Hải Phòng. Trong tay ông không lúc nào không có 5-6 kịch bản. Dường như với ông, công việc chưa bao giờ làm ông mệt mỏi.

Kỷ lục của ông là 15 ngày đêm liên tục dựng vở cho một đoàn nghệ thuật tham dự hội diễn. Cơm hộp, nước trà, thuốc lá, sâm củ chuẩn bị sẵn, một mình ông dựng vở, diễn viên ngủ la liệt xung quanh. Đến lớp cảnh của ai, ông dựng người đó dậy tập. Nửa tháng trời gần như không ngủ, nhảy chồm chỗm trên sân khấu, miệng hò hét như điên mà ông vẫn tỉnh táo như không.

Người NSND này muốn truyền cho diễn viên khát vọng của mình để biến họ thành những ngọn lửa cháy trên sân khấu chứ không phải chỉ là những tảng băng biết đi, đứng và biết nói. Ông sẵn sàng đuổi một diễn viên có tài năng nhưng lạnh lẽo, để lấy một diễn viên hơi kém tài năng mà nồng nàn hơn trong vai diễn của mình.

Một yếu tố rất quan trọng trong các vở do ông làm đạo diễn là luôn tạo nên những hình tượng. Ông có những hình tượng riêng của từng cảnh, từng sự kiện. Chẳng hạn như khi đạo diễn cho vở kịch “Nhân danh công lý”, trên sân khấu là hình ảnh bàn cân bị cắt ngang để nói lên công lý đang bị thử thách, chao đảo.

Làm đạo diễn là phải trung thành với kịch bản nhưng ông lại coi ngẫu hứng rất quan trọng. Nhiều người hỏi ông “Làm sao chỗ đó lại như thế?” khi được xem những cảnh hay, ông không trả lời được. Ông chỉ biết rằng đó như một phút xuất thần dẫn ông đến dựng một vở kịch hay đến vậy.

Những vở diễn của Doãn Hoàng Giang khai thác tận cùng mức độ căng thẳng của mâu thuẫn, dồn vội tới cao trào, giải toả và kết thúc mạch lạc: đi dần vào kết tạm, nhấn thêm chút nữa chủ đề tư tưởng, kết luận quan trọng, rồi... trào lên một đợt sóng thần nữa mới bước mạnh vào... kết trọn! Như những khúc giao hưởng, các nhạc sĩ trổ bằng hết tinh hoa tài nghệ vào chương kết thúc, nhắc lại âm hình chủ đạo, để ghi khắc sâu vào tâm hồn thính giả thêm một lần ấn tượng sâu lắng lúc chia tay.

Say mê với các ý tưởng sáng tạo, bao giờ Doãn Hoàng Giang cũng muốn bứt phá, mở tung những ngột ngạt cũ kỹ, những lối mòn muôn thuở những mong làm sống động cái lấp lánh của sàn diễn.Băn khoăn triền miên về sự tìm tòi nâng cao giá trị vở diễn để cho sân khấu đông khách, ông thành công nhiều song cũng mang tiếng không ít: dựng chèo thì bị kêu là phá chèo, dựng cải lương thì bị la lối là “kịch - cải lang”. Thế mà, ông đã có hàng loạt vở hút khách cùng những huy chương vàng chói lọi.

Giới văn nghệ sĩ gọi Doãn Hoàng Giang bằng rất nhiều tên: “người giang hồ”, “kẻ lữ hành”, “Giang không mệt mỏi”, “Giang bụi đời” vì ông “lăn lóc” vào cuộc đời, sống hết mình với sân khấu để rồi thương cảm với số phận từng nhân vật. Ông sợ tuổi già, sợ cảm giác cuối đường nhìn lại, sợ thấy mình lực bất tòng tâm. Được chết trong lúc đang hò hét trên sàn gỗ, đó là niềm mong ước lớn nhất của ông. Đúng như ai đó đã từng nói ông là “người còn sót lại của cánh rừng sân khấu” đẹp đẽ một thời.

Đọc thêm