NSƯT Minh Vượng: Quên lòng mình đang đắng

(PLO) - Tiếp xúc với NSƯT Minh Vượng, mới hay chị là một nghệ sĩ sống rất nội tâm chứ không “khơi khơi” như hài, một “bà Vượng” mà sức khỏe chưa đủ đầy nhưng vẫn sẵn sàng “quên lòng mình đang đắng” để hết mình với những vai diễn. 
NSƯT Minh Vượng: Quên lòng mình đang đắng

Mong manh như dây đàn

Khi rời ánh đèn sân khấu, trút mình khỏi những bộ đồ xanh đỏ tím vàng, hay thoát khỏi những vai diễn chao chát, đành hanh, giọng nói choang choác, tiếng cười như lệch vỡ… là lúc Minh Vượng được trở về với mình đúng nghĩa nhất, là mỏng manh, nhạy cảm, sâu lắng.

Người ta cứ nghĩ trên sàn diễn, chị ăn sóng nói gió, chao chát và ngoa ngôn thì ngoài đời sẽ hồ đồ lắm, nhưng đã gặp Minh Vượng rồi thì lại nhận xét Minh Vượng là người ăn nói rất văn hoa, sống nặng về nội tâm.

Chị không thể chịu đựng nổi sự tổn thương, khi trót nặng lời với ai rồi về chị còn dằn vặt hơn. Nhiều khi còn có cảm giác mới bị cạnh khóe xa xa thôi nhưng đã thấy lòng đau... Chính vì không làm được điều ác bao giờ nên chị toàn nhận phần thua thiệt về mình.

Chị thích câu “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, ví như đi qua ai đó mà người ta không cười, mặc dù chị cười với họ trước thì về thể nào Minh Vượng cũng đau đáu “mình có lỗi gì đâu mà nay nó chả chào mình”.

Cứ gặp thấy chị cười nói loe toe thế thôi nhưng thực ra chị lại là người mau nước mắt, giòn cười tươi khóc lắm, người ta chưa khóc chị đã khóc, chưa cười chị đã cười… “Tại nghệ sĩ mong manh quá, mong manh như dây đàn ý. Một ngọn gió thoảng qua cũng đủ làm sợi tơ đàn rung lên rồi. Nghệ sĩ như chúng tôi vui thì không ai bằng nhưng buồn thì cũng buồn nhiều”, chị trải lòng.

Ít ai biết rằng, Minh Vượng là người rất thích làm thơ, chị làm nhiều lắm, đã đăng trên rất nhiều báo nhưng với các bút danh khác nhau. Với Minh Vượng, làm thơ như viết nhật ký để ghi lại những khoảnh khắc rung động của tâm hồn, những phút giây hạnh phúc và cả những buồn đau của một kiếp người, cả những thảng thốt đàn bà rất đỗi se sắt.

Có những đêm diễn về một mình trên con phố Bà Triệu, chị vỡ òa trong cảm xúc để rồi ra những câu thơ đắng đót, nghẹn ngào: “Đêm lang thang, dưới ánh trăng vàng/Trăng cuối tuần mùa hạ/Đường phố vắng không người qua/Tán lá chìm trong đêm ngủ/Con chim khuya về tổ đã lâu/Trong mỗi căn nhà giấc ngủ nồng từ tối/Ta đi lũi lầm như một kẻ lang thang/Không mái ấm không vòng tay chờ đón”.

Hay một lần khác chị viết những vần thơ: “Chỉ còn lại một mình đi về khi tan rạp/Chỉ còn lại một mình ra về trong trống vắng/Ta cứ đi cứ đi, chân đếm thầm từng nhịp/Mong đường xa cứ xa/Cho lòng thôi thổn thức/Cho lòng quên rạo rực/Cho mình quên hẳn nhau/Ta nào khóc đâu em/Chắc sương rơi trên má/Hạt sương sa lành lạnh/Giọt rơi rơi rơi/Trên môi mình mằn mặn/ Ta cứ đi cứ đi/Chân đếm thầm từng nhịp”.

Những lúc buồn nhất, cô đơn nhất, điên nhất, chị hay lôi những bài thơ cũ kỹ mà chị giấu kín từ lâu lắm ra đọc. Và cả những đêm diễn xa xứ, lang thang trên đất khách quê người, chị vừa đốt thuốc lá, uống một chút men cay và đọc thơ trong nước mắt: “Đành phải xa nhau thôi/Khi cuộc chia tay không hẹn trước/Đành phải xa mãi thôi/Khi muôn đời không nói được”.

Chị tự nhận mình là người đa tình, dễ yêu và yêu quá nhiều, đến nỗi không nhớ nổi có bao nhiêu người đàn ông đã đi qua trong cuộc đời mình. Chỉ cần một ánh mắt lạ, một giọng cười, một câu thơ đọc vội, một lời nói ân tình chỉ để dành riêng cho chị là chị đã run lên, tim đã loạn nhịp rồi và đã có thể bắt đầu một cuộc yêu si mê mà không cần biết ngày sau ra sao.

Thế nhưng có người đàn ông chị chỉ yêu được đúng 3 ngày rồi trốn luôn, vì trước đó họ làm tim chị run bao nhiêu thì đột nhiên trong khoảnh khắc, khi phát hiện ra điều gì đó không vào gu thì chị bỗng dưng lạnh tanh, ngoảnh mặt làm ngơ ngay.

Có lần, nhà báo Lại Văn Sâm hỏi Minh Vượng: “Chị có buồn về vóc dáng của mình không?”. Chị trả lời ngay: Người béo có niềm vui của người béo nên chẳng có gì phải buồn. Con người giống như dãy số, có số 1 phải có số 0 và không thể bỏ số nào được. Tương tự trong cuộc sống phải có người tốt, người xấu, người béo, người gaafy nên phải biết yêu thương, dựa vào nhau mà sống. Có những công việc chỉ người béo mới có thể làm được. Vì vậy, đừng nhìn vẻ ngoài mà đánh giá bản chất.

Bên trong cái vỏ bọc xù xì, phốp pháp ấy, Minh Vượng cũng “nữ nhi thường tình”, chị thích trồng các loại hoa, cây cảnh và khá mát tay. Bao nhiêu loại hoa quý chỉ trồng ở bản địa nhưng khi vào tay chị là sống tốt, mơn mởn, đơm hoa nở rộ đem lại sự hoan hỉ và sung sướng cho người chăm sóc.

Minh Vượng mê nhất hoa Lan, bởi nó có vẻ đẹp và mùi hương dịu nhẹ, đài các nhưng không quá phô trương. Nơi Minh Vượng yêu thích nhất trong căn nhà mình chính là khu bếp, nơi đây là nơi chị được thể hiện tài lẻ của mình. Chị hay nói, chị thích tụ tập bạn bè, hay mời những người bạn thân đến nhà thưởng thức những món ăn do chính tay chị nấu. Chị nấu ngon nhưng lại ít ăn, thích ngắm những người bạn, người thân thưởng thức món ăn mình làm ra.

 

Niềm lạc quan quật ngã bệnh tật

Trên đỉnh cao hài kịch sẽ gặp bi kịch, Minh Vượng từng nói thế. Và, điều đó dường như đã vận vào đời sống của nghệ sĩ hài như chị.

Bệnh tật kéo đến với Minh Vượng như muốn thử thách sự chống đỡ của người diễn viên tóc điểm hai màu. Thế nên chị cho rằng, nếu yêu và đi đến tận cùng trong tình yêu là không thể. Hơn nữa, dù người ta có cảm thông với chị, yêu chị thật lòng thì bản thân chị cũng không thể đến với người ta trọn vẹn được.

Lập gia đình thì phải có những đứa con và phải làm ấm lên ngôi nhà bằng những ngọn lửa, trong khi Minh Vượng bị bệnh thấp khớp, chính điều đó khiến chị mặc cảm, tự ti vì tiêm nhiều thuốc dẫn đến việc sinh nở khó khăn.

Chị nói, trẻ con là món quà vô giá, đắt quá nên chị chỉ… dám nhìn từ xa. “Vì bệnh tật đã không cho tôi một gia đình nên tôi tự nhủ thôi thì đợi đến kiếp sau sẽ đẻ liền mấy đứa con cho sướng…”, chị ngậm ngùi.

Ý thức được tình trạng sức khỏe của bản thân, từ năm hơn 30 tuổi, Minh Vượng đã xác định là sẽ không lập gia đình. Thế nhưng vẫn không tránh khỏi những phút chạnh lòng, vì thế, chị rất ít khi đi đám cưới. Đến những chỗ đó, chị thấy mình thật vô duyên vì ai cũng có đôi có lứa, còn mình thì chỉ có một mình...

Minh Vượng đã qua nhiều lần gần đất xa trời, ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Chị kể rằng, lần ấy, phòng cấp cứu nơi chị nằm gần với nhà tang lễ của Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày nào cũng vậy, ít thì có 3 mà nhiều thì tới 6 đám ma tiễn 6 phận người về với thế giới bên kia.

Chị tự nghĩ, cả đời chị sống trong tiếng kèn tiếng trống trên sân khấu, và bây giờ khi ốm nằm xuống, lại ngày ngày sống trong tiếng kèn tiếng trống, chỉ khác là tiếng kèn tiếng trống nơi đây ai oán và buồn tủi.

Mỗi một đám ma chứa đựng một phận người, người thì được đeo khăn đỏ, vinh hạnh bởi lên “chức” cụ, “tứ đại đồng đường”, người thì được đeo khăn vàng, người thì cô đơn buồn tủi chỉ có dăm bảy người lưa thưa đưa tiễn. Người chết trẻ, đau khổ tột cùng, người chết già, coi như một sự hóa kiếp… Chị ngộ ra một điều, còn sống ngày nào thì hãy làm điều tốt ngày ấy và hãy nhân ái hơn với mọi người.

Cả đống bệnh đeo đẳng trong người suốt mấy chục năm đằng đẵng, giờ một ngày Minh Vượng phải tự tiêm insulin bốn lần để khống chế bệnh tiểu đường, thêm hàng vốc thuốc huyết áp, khớp…, chị vẫn điềm nhiên: “Thôi thì sống chung với lũ”.

Minh Vượng bảo, chị phải cảm ơn cuộc đời đã cho chị làm nghề chuyên chở những tiếng cười. Nhiều khi cũng ưu tư, đau đớn, dằn vặt, trăn trở cùng với nhân vật của mình thế nhưng chính tiếng cười và sự yêu thương của khán giả là món quà vô giá.

“Cứ đi đến đâu nghe thấy mọi người reo tên mình là thấy hạnh phúc rồi. Có những cơ quan, đoàn thể ở tận Nghệ An gọi điện ra làm mối cho tôi ông nọ ông kia. Ối giời ôi, cảm động lắm chứ em”, chị cười rổn rang.

Những lúc lẩn thẩn, chị hay nghĩ bâng quơ: Kiếm tiền để làm gì, khi đêm đêm, trở về nhà lúc phố xá đã vắng ngắt vắng ngơ, hàng quán ngủ hết tự bao giờ. Mở tủ lạnh trống trơn, bụng đói, lục nồi còn ít cơm nguội thiu đành rang lên ăn tạm. Quần áo toàn dùng hàng si-đa, mà cũng chẳng biết chưng diện vào giờ nào, với ai. Chưa kịp khoe bộ đồ mới đã cởi vội thay trang phục nhân vật. Bệnh tật thường trực hành hạ thể xác.

Để rồi khi tới Nhà hát, chị lại tung tẩy trên sàn diễn, tận mắt thấy khán giả sung sướng hò reo, nồng nhiệt hưởng ứng, chị lại như “cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng” (“Đi trong rừng” - Phạm Tiến Duật), hết mình trong từng vai diễn. Chị sợ, nếu dừng mọi công việc, dừng đi diễn, dừng để cái quầng sáng ma quái của ánh đèn sân khấu ám ảnh mình, chị sẽ khuỵu ngã.

Có khi ngồi một mình, Minh Vượng lại thử hình dung nếu một ngày nào đó, chị không còn sức đứng trên sân khấu nữa thì cuộc sống lúc đó sẽ như thế nào? Và chị đã nghĩ rằng nếu chia tay sân khấu, chị sẽ vào trại dưỡng lão và sẽ kể cho mọi người ở đó những câu chuyện hài để những ngày trôi qua không vô nghĩa.

“Nếu không có sự lạc quan, chưa chắc tôi đã vượt qua nỗi bất hạnh mà số phận đã mang đến cho mình. Tôi nghĩ, cuộc đời ai cũng có niềm vui nỗi buồn. Đừng bao giờ cho niềm vui của mình, nỗi đau của mình là hơn người khác. So với người bị khuyết tật nói gì thì nói, mình vẫn còn may mắn hơn họ nhiều. Vì thế, mỗi lúc buồn tôi lại nghĩ đến họ, hoá ra vẫn còn nhiều người bất hạnh hơn mình, tại sao mình lại phải khổ tâm”, Minh Vượng cười trong ánh mắt.

Đọc thêm