“Nữ Nhi quốc” - Khi thánh tăng cũng động lòng phàm...

(PLO) - “Tây Du Ký 3: Nữ Nhi Quốc” (The Monkey King 3) nằm trong series điện ảnh chiếu Tết do đạo diễn Trung Quốc Trịnh Bảo Thuỵ dàn dựng, lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển của nhà văn Ngô Thừa Ân. 

So với 2 phần ra mắt vào các năm 2014 và 2016, nội dung của phần này đã có sự phát triển mới lạ, không còn lấy diệt trừ yêu quái làm trung tâm mà đã chuyển sang thiên về tình cảm lãng mạn.

Câu chuyện trong “Nữ Nhi quốc” bắt đầu khi thầy trò Đường Tăng đang chèo thuyền trên sông – một phần của lộ trình đi Tây Thiên thỉnh kinh - thì chọc vào vị Hà Thần (thần sông) khó ở. Hà Thần dùng chân thân vĩ đại của mình, cũng chính là một con cá trê nước khổng lồ đuổi đánh 4 thầy trò. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc sắp bị cá nuốt vào bụng, “team tây tiến” phát hiện mình đã vô tình vượt qua một kết giới vô hình, lạc vào một vùng đất bí ẩn – Tây Lương Nữ quốc.

Sư phụ hậu đậu rơi thẳng từ độ cao ngàn trượng, làm liên lụy tới một thiếu nữ xinh đẹp đang làm gì đó bên vách núi cao dựng đứng, khiến cô này cũng rơi theo. “Ngươi là…đàn ông hả?”, cô tò mò hỏi. Một cú nhảy bungee lãng mạn đủ làm cô ấy yêu luôn từ cái nhìn đầu tiên. “Chẳng lẽ…ta…không giống?”, Đường Tăng đáp, giọng điệu ngập ngừng, nghi ngờ bản thân.  

Theo chân các nhân vật, “Nữ Nhi quốc” mở ra trước mắt khán giả với cảnh núi rừng hùng vĩ, hoàng cung hoành tráng có thiết kế độc đáo làm từ vật liệu thiên nhiên. Một điều thú vị là những cảnh quay đẹp mắt này được thực hiện ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc – nơi có Bộ tộc Mosuo sinh sống từ 2.000 năm nay. Đây cũng được biết đến là xã hội theo chế độ mẫu hệ cuối cùng còn lại trên Trái Đất. 

Ở Nữ nhi quốc, đàn ông là giống sinh vật không tồn tại. Phụ nữ tự mình mang thai bằng cách uống nước sông Mẫu Tử, họ đời đời chỉ sinh con gái. Phụ nữ làm mọi việc, từ làm nông nghiệp đến buôn bán, từ xây dựng đến chiến đấu bảo vệ đất nước. Sự thiện chiến của họ gợi liên tưởng đến bộ tộc các nữ chiến binh Amazon trong bom tấn Wonder Woman.

Điều khác là, nữ nhi quốc có thái độ thù hận đầy cực đoan đối với đàn ông, bắt nguồn từ bi kịch của người sáng lập là một phụ nữ bị bỏ rơi. Vị tổ tiên này răn dạy con cháu mình rằng đàn ông là thuốc độc, đàn ông sẽ gieo rắc loại bệnh vô phương cứu chữa có tên gọi “tình yêu”, và đàn ông hễ xuất hiện là phải bị xử tử để trừ hậu họa. 

“Nữ Nhi quốc” mang trên mình một lời nguyền diệt vong khi có một vị hoà thượng từ Đông Thổ Đại Đường đến và làm nữ vương rung động.

Nhiều triết lý về tình yêu, cuộc sống

Một đất nước của những người phụ nữ sống tách biệt với thế giới, đã đứng vững qua nhiều tháng, nhiều năm, lại có thể sụp đổ bất cứ lúc nào chỉ vì sự xuất hiện của một người đàn ông (dù cho người này chỉ là hòa thượng). Một nữ vương sẵn sàng rời bỏ ngai vàng, quyền lực để đi theo một nhà sư mà không cần danh phận gì.

Khái quát hơn, người phụ nữ nào khi yêu cũng là một vương quốc như thế, mang trong mình một quyết tâm đánh đổi như thế. 

Khi hai người lênh đênh trên Biển Khổ, nàng đã hỏi hắn thế giới bên ngoài ra sao. “Ở đó mỗi người cũng như chúng ta bây giờ vậy, đều trôi dạt” – đó là cách Đường Tăng hình dung về nỗi khổ của chúng sinh. Vị tín đồ của Như Lai tin rằng, chỉ cần lấy được chân kinh, là có thể giúp tiêu trừ những bất hạnh của con người.

Câu chuyện của Đường Tăng là câu chuyện của sự lựa chọn: chí lớn và tình cảm nhi nữ. Nếu biết rằng dù có phổ độ, chúng sinh vẫn không tránh được “kiếp lênh đênh”, liệu vị thánh tăng có chọn khác đi?

Nữ vương bị buộc trở về với phẩm hạnh tốt đẹp của người phụ nữ phương Đông –  là phải tôn trọng chí lớn của người đàn ông nàng yêu, bao dung và thấu hiểu để động viên anh ta yên tâm ra đi. Nàng chính là nhân tố thúc đẩy giúp Đường Tăng vượt qua ải nữ nhi – một kiếp nạn Phật tổ sắp sẵn cho đệ tử của mình. Chân lý “phía sau một người đàn ông thành công là một người phụ nữ” quả nhiên không bao giờ sai!

Tiếp xúc giữa Đường Tăng và nữ vương còn chưa đến mức chạm tay, thân mật nhất cũng chỉ là nàng kéo nhẹ ống tay áo hắn hay cưỡi chung một yên ngựa đoạn cuối phim, còn lại hầu hết là trao nhau ánh nhìn vừa day dứt vừa cam chịu.

Dù đã rất tinh tế khi xây dựng quan hệ giữa hai nhân vật này, phim vẫn phải nhận những phê bình gay gắt từ fan nguyên tác – những người vẫn không chấp nhận được ý tưởng về một nhà sư phá giới (dù mới chỉ trong suy nghĩ).  Nhưng bản chất tình yêu là vậy, luôn mang đến sự ngang trái, và vượt qua tình yêu vẫn là kiếp nạn khổ sở nhất của mỗi người.

Kết phim không nằm ngoài dự đoán của khán giả: Đường Tăng tiếp tục lên đường đi Tây Thiên, quyết lấy chân kinh về phổ độ nhân thế, hẹn người thương ở kiếp sau. Một kết thúc như vậy là vừa vặn, tiết chế một cách hợp lý việc phát triển nguyên tác, âu cũng vì tình cảm nam nữ vốn là một trong những cấm kỵ của Phật giáo. 

Các tình tiết hài trong phim nhẹ nhàng, duyên dáng. Ví dụ thế này, sinh ra là đàn ông đã bị khép vào trọng tội, nhưng tại sao chỉ mình Bát Giới bị xử tử bằng cách “trăm tên ghim thân” trong khi sư phụ và hai đồng môn được kết liễu nhân văn hơn? Đó là vì Bát Giới xấu, vì xấu nên tội nặng thêm nhiều lần! Trong phần này, ba huynh đệ Tôn Ngộ Không cũng vui vẻ lui về làm nền cho câu chuyện của sư phụ, vai trò chủ yếu là gây hài. 

Âm nhạc, hiệu ứng là điểm cộng của phim. Không cần một phiên bản 3D cũng đủ làm khán giả thấy thỏa mãn về cả thính giác và thị giác. “Nữ Nhi quốc” cho thấy sự lên tay của điện ảnh Trung Quốc trong khâu xử lý kỹ xảo điện ảnh. So với nhiều tác phẩm khác cùng thể loại, hình ảnh của bộ phim này đẹp dễ chịu, màu sắc ôn hoà, không loè loẹt, không gây cảm giác giả tạo.

Về nhạc, nếu trong phiên bản Tây Du Ký 1986, bài hát “Nữ nhi tình” chỉ có phần lời của nữ, thể hiện tình cảm một phía của nữ vương thì phiên bản 2018 đã có thêm một phần lời của nam. Bài hát vì thế được đặt lại tên thành “Nữ nhi quốc”, khéo léo thổ lộ tâm tư của cả hai nhân vật. 

“Trên đời hai ngả khó lưỡng toàn,

Không phụ Như Lai, chẳng phụ nàng

Tâm phàm sám hối, hại thanh tu

Chưa bao giờ được thông suốt như vậy,

Mệnh riêng ta khổ, thỉnh Tây kinh

Cớ sao sinh nàng hồng nhan khuynh thành

Làm sao xóa được hình bóng nàng đây

Giống như là phải, tự quên tên họ mình.”

Tuy có nhiều điểm cộng, nhưng phim có một thất bại không nhỏ, là xây dựng câu chuyện tình éo le chẳng đến đâu giữa nữ Quốc sư và Hà Thần. Hai người yêu nhau sâu đậm dù chưa từng gặp thì cũng thôi đi, nhưng Hà Thần là một nhân vật có giới tính Nam, vậy mà hình dáng lại là rành rành ra là Nữ, do một nữ diễn viên vào vai.

Đây là một chi tiết làm khán giả không đến mức khó chịu, nhưng cũng chẳng thoải mái. Cảm giác giống như mặc ngược một chiếc áo vậy, để yên thì cũng được nhưng nếu xoay lại thì người người nhà nhà đều thấy thuận mắt hơn. Phải chăng bộ phim muốn truyền tải điều gì to tát hơn chăng? Tình yêu không phân biệt giới tính?

Hay Quốc sư từ bỏ tình yêu để một lòng bảo vệ nữ vương là ví dụ cho việc phụ nữ cũng có thể đặt trách nhiệm trên hạnh phúc cá nhân? 

Chuyện ước hẹn của Quốc sư và Hà Thần cũng là yếu tố nền tảng cho mọi kịch tính trong phim. Hà Thần vò võ chờ người thương 20 năm trời mà không được nàng ta thừa nhận, phẫn uất quá dâng nước nhấn chìm cả vương quốc của nàng.

Vấn đề là Hà Thần chỉ có mỗi nước, nước tạo thành sóng dữ đến đâu thì nhìn cũng vẫn không đáng sợ, đâu thể kịch tính bằng một con quái vật như kiểu yêu tinh nhền nhện! 30 phút cuối của phim cứ thế mà trôi qua với nước rồi lại nước, và chỉ có mỗi nước mà thôi.

Nhìn chung, “Tây Du Ký 3: Nữ Nhi quốc” mặc dù còn nhiều hạn chế trong cách xây dựng kịch tính, nhưng vẫn là một tác phẩm đáng xem dịp đầu năm. Phim đặc biệt phù hợp với khán giả tìm kiếm một kịch bản hài nhẹ nhàng, ít xoắn não, nhạc hay và nhiều hình ảnh đẹp.

Đọc thêm