Phận đời ám ảnh của những người vợ Cơtu

(PLO) - Cho rằng đã được “mua về” thì phải làm bù cho bõ công bõ của, lâu nay, những người phụ nữ Cơtu ở bốn xã Tr’Hy; Ch’Ơm; Ga Ri; AXan thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, phải sống “thân phận con lừa" với những câu chuyện thật tưởng như bịa.
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Phong tục kỳ lạ
Được anh XĐăng ALước (người trong bản), 30 tuổi tình nguyện dẫn đường. Chúng tôi men theo những sườn núi, đối mặt với nhiều hang đá, muỗi, vắt và gai rừng,... để đến với 4 xã nằm “biệt lập” nơi được coi là “sơn cùng thủy tận” của Quảng Nam.
Nghe khách tỏ vẻ ngại ngần về người vợ của mình đang oằn cả lưng gùi ngô và củi khô cố trườn qua con dốc, Alăng TNu thản nhiên nói: “Kệ nó, ta không làm mô. Vì ta tốn mất 3 con bò, 4 con lợn, 8 hũ rượu và 10 ang thóc mới bắt (cưới) được nó về làm vợ. Bây giờ nó đã trở thành con ma nhà ta rồi, phải làm cả đời để bù lại cho ta chứ”. 
Trước khi chị bị bắt về làm chồng Alăng TNu đẹp như bông hoa rừng, yêu đời, hồn nhiên, sức sống tràn trề, trên môi luôn nở nụ cười. Thế rồi từ ngày bị bắt về nhà chồng, ALăng Thị BPức trở thành một con người hoàn toàn khác, chị phải làm việc cả ngày lẫn đêm để trả “nợ hồi môn” cho gia đình nhà chồng. 
Vì làm việc quá sức nhiều lần chị BPức ngất lịm đi trên nền đất lạnh lẽo giữa đêm khuya. Đang ở độ tuổi “xuân thì” nhưng lưng chị đã còng, tóc rối bời và đã lốm đốm vài sợi bạc, người gầy dơ xương, trên khuôn mặt khắc khổ, u sầu như muốn nói lên cuộc đời phía trước đầy tăm tối, không có lối thoát.
Không chỉ riêng chị ALăng Thị BPức mà phần lớn những người phụ nữ trong xã Tr’Hy đều phải chịu chung cùng cảnh ngộ như thế. Phong tục “kéo vợ”, “bắt vợ”, “cướp vợ” của người Cơtu bây giờ đã không còn nữa. Tuy nhiên, nó lại lệch sang hướng khác, thay vào đó lại mang nặng lễ rước dâu “mùi kinh tế”, để rồi hậu quả kéo theo là hành xác người phụ nữ.  
Khi chàng trai Cơtu bắt gặp một cô gái trên đường hoặc ở  hội hè rồi đem lòng yêu mến, nếu chàng trai và cô gái “ưng cái bụng”  là cả hai gia đình chọn ngày lành, tháng tốt cưới hỏi. Nhưng gánh nặng nhất là nhà trai phải sắm đủ lễ vật mới được rước “nàng” về dinh. 
Lúc cưới gia đình nhà gái hầu như chẳng tốn kém gì cả mà còn nhận được nhiều sính lễ có giá trị từ gia đình nhà trai như: Trâu, bò, lợn, gà,... Chính sự tốn kém này nên người đàn ông Cơtu đã tự cho mình như “ông Trời”, cưới vợ về nhà là để làm thay mình.
Anh Cơ Lâu Hớp - Chủ tịch xã Tr’Hy, chia sẻ: “Mình nghe Đảng, nghe Nhà nước đã đi vào các làng bản vận động, tuyên truyền nhiều lắm nên bây chừ đỡ nhiều hơn rồi đó. Từ lâu người đàn ông Cơtu chỉ coi người vợ như thân phận các con vật nuôi trong nhà, lấy vợ là để phục vụ, làm công trả nợ cho họ” .
Với vẻ mặt kham khổ đầy nhẫn nại, chị BLâu Thị Thới (xã Ch’Ơm) tâm sự với chúng tôi: “Cực khổ lắm, đàn bà con gái sinh ra ở đây đều phải chịu thế thôi, nếu ai dám chống lại tập tục thì có chết, chịu nhục mãi cũng quen.
Cảnh nó (chồng) đi uống rượu về say đánh cho thường xuyên cũng chẳng để ý gì nữa. Đã về ở với nhau rồi thì không ai dám bỏ về nhà chồng nữa, nếu bỏ về thì bố mẹ đẻ cũng không cho, nên phải chịu tủi nhục cả đời. Nếu bỏ về thì lấy tiền, trâu, bò, lợn,… đâu mà trả lại cho nhà nó (nhà chồng)?. Từ trước tới giờ người phụ nữ  Cơtu chưa ai dám làm trái với tập tục này, chỉ còn cách là lăn ra mà làm để có cái bỏ vào bụng”.
 “Trước đây thỉnh thoảng có một số chị em phụ nữ không chịu nổi khổ nhục nên đã cách ăn lá ngón để tự tử, còn bây giờ nhờ Bộ đội Biên phòng tuyên truyền nhiều nên có đỡ hơn. Đã là vợ thì phải cố làm nhiều mới có ăn, vả lại làm riết rồi cũng quen, chồng không làm, không giúp cho việc nặng thì cũng không đến nỗi chết liền được”. Chị  Thới giải thích.
Không chỉ riêng Tr’Hy; Ch’Ơm, các xã Ga Ri; A Xan và nhiều xã khác trong huyện Tây Giang, chuyện người phụ nữ phải “è cổ” làm những công việc nặng nhọc, quá sức vì những tập tục lạc hậu là rất phổ biến. Chủ tịch huyện Tây Giang ông BRiu Liếc cho biết: Huyện Tây Giang có 95% dân số là người  Cơtu thì có tới 60,8% là hộ nghèo cũng do những tập tục lạc hậu đem lại. Từ trước tới giờ người đàn ông Cơtu chỉ làm duy nhất mỗi việc là lên rừng chiết rượu từ cây T’Đin về uống, mọi công việc nương rẫy đều đổ lên đôi vai người vợ người mẹ. Phụ nữ Cơtu giống như thân con lừa cả cuộc đời vậy.
Ám ảnh… nỗi đau
Mặc dù sống ở thời kỳ đất nước hòa bình, nam nữ bình đẳng. Tuy nhiên những người phụ nữ Cơtu ở vùng miền Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đang phải sống chung cùng cảnh ngộ, làm thân “con trâu, con ngựa”, họ bị đối xử tệ bạc còn người đan ông tự “phong” cho mình bậc “đại cao, đại thánh”.  
Hơn 20 năm công tác, gắn bó mật thiết tại 4 xã vùng biên ải xa xôi, Thượng tá Vương Đăng Vinh (Đồn trưởng đồn biên phòng 651) chia sẻ: “Chính tập tục cưới hỏi người Cơtu đã đẩy người phụ nữ rơi vào cảnh khốn cùng. Người phụ nữ phải vắt kiệt sức lực cho đến khi chết. Đi liền với quan niệm lấy vợ về là để làm “nô lệ” cho gia đình chồng mà không hề biết hệ lụy nghiêm trọng của nó” .
Những năm gần đây cán bộ UBND huyện Tây Giang kết hợp với Bộ đội biên phòng các đồn 651; 649 (thuộc Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Nam) đã ra sức tuyên truyền, đi đến từng nhà, thôn bản, vận động đồng bào xoá bỏ tập tục lạc hậu này. 
Kiếp “thân con lừa” của họ đến bao giờ mới được chấm dứt?. Câu hỏi ấy còn bỏ lửng chưa có lời giải đáp. Điều này đang đặt cả lên đôi vai của các chiến sỹ biên phòng vùng biên ải xa xôi và các cơ quan ban nghành huyện Tây Giang, tỉnh Quảng nam cũng như toàn xã hội.