Phim rạp không có danh hài thì ế khách?

(PLO) - Việc danh hài Trường Giang vừa rầm rộ ra mắt bộ phim “Taxi, em tên gì?” là một bằng chứng cho thấy hiện nay các bộ phim ra rạp đều ít nhiều đều phải có sự góp mặt của một danh hài nổi tiếng nào đấy.
Cảnh phim "Taxi, em tên gì?"
Cảnh phim "Taxi, em tên gì?"

Khán giả Việt có lẽ dành một sự ưu ái cho những sản phẩm điện ảnh hài bởi tần suất xuất hiện các bộ phim có sự góp mặt của các danh hài nổi tiếng đang chiếm lĩnh mọi phòng vé. Tất cả xuất phát từ nguyên do những bộ phim có mặt các diễn viên sân khấu hài như Thái Hòa, Hoài Linh đều có doanh thu đáng để học tập: “Để mai tính 2” (doanh thu 101 tỉ đồng), “Quả tim máu” (90 tỉ đồng), “Tèo em” (85 tỉ đồng), “Cưới ngay kẻo lỡ” (65 tỉ), “Hello cô Ba” (hơn 50 tỉ), “Nhà có 5 nàng tiên” (hơn 70 tỉ)... Chính bởi lẽ đó mà dạo gần đây, các nhà sản xuất đều cùng chung một xu hướng đó là xem các danh hài như “tấm vé an toàn” cho sản phẩm mình muốn để từ đó quyết định đầu tư.

Theo đó, dòng phim hài lựa chọn các gương mặt danh hài có tiếng để giữ vai trò chủ chốt cho sự thành bại của sản phẩm như Hoài Linh, Việt Hương, Tấn Beo... là hoàn toàn có nguyên nhân của nó. Thứ nhất, các gương mặt hài hiện nay luôn có sức hút hơn hẳn với các diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. Thứ hai, lĩnh vực hài không tốn quá nhiều kinh phí cho bối cảnh, phục trang như các thể loại phim hành động, lịch sử... hay cũng rất hiếm tác phẩm điện ảnh Việt thành công ở lĩnh vực lãng mạn, ngôn tình. Chạm đến xúc cảm khán giả Việt là chuyện không phải tác phẩm nào cũng làm được, vì vậy chả mấy ai dám mạo hiểm để tham gia vào “canh bạc” thu hồi vốn ở những lĩnh vực kể trên.

Mặc dù kinh phí bỏ ra cho một bộ phim hài không quá lớn song vấn đề khiến nhà đầu tư đau đầu chính là cát xê cho các danh hài lại khá “mặn mà” và ngày càng có dấu hiệu tăng cao khi những gương mặt ấy ý thức được “sức hút” của mình. Các nhà đầu tư càng lựa chọn hài thì các danh hài càng có nhiều cơ hội để tăng lợi nhuận cho mình.

Chưa dừng lại ở việc cátxê cao cho các gương mặt “vàng”, bây giờ các gương mặt trẻ mới nổi cũng không chịu lép vế khi họ đều tự đưa ra mức cátxê “khủng” cho riêng mình để chứng minh tầm quan trọng. Hơn nữa, nhiều danh hài ngoài yêu cầu cátxê, nếu họ cảm thấy kịch bản ổn thì sẵn sàng yêu cầu được hùn vốn đề chia lợi nhuận trên doanh thu. Như Trường Giang, hiện nay anh là một trong những cổ đông góp vốn cho chính sản phẩm “Taxi, em tên gì” do mình thủ vai chính.

Nhưng không phải cứ hài là... cười. Hay nói cách khác, không phải cứ phim hài cộng diễn viên hài là ra doanh thu chục tỷ. Bởi sản phẩm quá sơ sài hay quá thị trường cũng đều có thể nhận lại sự khước từ của khán giả bất cứ lúc nào. Chưa kể, nhiều phim còn có “sạn” khi lấy hình tượng người chuyển giới ra để gây cười khiến phim phản tác dụng.

Thế mới nói, sáng tạo để phục vụ khán giả là điều “khó hơn lên trời”. Bởi một tác phẩm điện ảnh hay, ngoài chất lượng đồng đều từ diễn xuất đến sự đầu tư thì sức sáng tạo phải đặt lên hàng đầu, chứ cứ dựa dẫm mãi vào hài và diễn viên hài để nuôi hi vọng thu hút khán giả thì dễ đi đến thất bại.