Phim truyền hình: Dễ “chết yểu” vì… sự éo le

(PLO) - Thời kì “vàng” của phim truyền hình Việt đã qua và dường như đến thời điểm này, các nhà làm phim Việt vẫn loay hoay trong mớ bòng bong tình – tiền éo le mà chưa tìm được điểm sáng mới mẻ nào cho sự phát triển của phim truyền hình.
Một cảnh trong “Sống chung với mẹ chồng”, bộ phim truyền hình đang gây nhiều tranh cãi khi “bi kịch hóa” mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thời hiện đại.
Một cảnh trong “Sống chung với mẹ chồng”, bộ phim truyền hình đang gây nhiều tranh cãi khi “bi kịch hóa” mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thời hiện đại.

Có chê, khen, vẫn hơn không phản hồi

Hai bộ phim truyền hình Việt Nam đang gây nhiều luồng dư luận trái chiều cho khán giả thời gian này, phải kể đến “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” (đều do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất). 

Với “Sống chung với mẹ chồng”, các nhà làm phim dường như đã thành công khi tạo ra hai luồng dư luận kịch liệt về bộ phim trên mạng xã hội, đặc biệt là các diễn đàn về gia đình.

Nếu một bộ phận khán giả bị cuốn hút theo các tình tiết gay cấn, hấp dẫn, nhiều cao trào của phim thì số còn lại cho rằng, bộ phim đã “bi kịch hóa” đời sống gia đình thời hiện đại.

Những cảnh tượng mẹ chồng rình rập, can thiệp vào đêm tân hôn, dò xét đến nghẹt thở hay vu oan cho con dâu trong phim dường như đã khá xa lạ với đời sống gia đình hiện đại, tiến bộ ngày nay, đặc biệt là ở thành thị. Chính vì thế, khi xem phim, nhiều khán giả bày tỏ là “xem éo le thế nào” chứ không thực sự bị thuyết phục bởi tính logic hay nhân văn của bộ phim. 

Tương tự, “Người phán xử” - bộ phim gây sốt được làm lại từ kịch bản Israel tuy cũng thu hút người xem cao hơn so với nhiều phim Việt khác, nhưng vẫn nhận được không ít lời chê rằng dù phim khá lạ, hấp dẫn, nhưng bối cảnh, phát triển tình tiết cho đến các cảnh bạo lực, máu me trong phim lại hầu như khá xa lạ với đời sống Việt Nam. Nó gần hơn với phim ảnh về mafia của Mỹ.

Một bộ phim truyền hình khác cũng được Việt hóa là “Gia đình là số 1”, chuyển thể từ kịch bản phim đình đám Hàn Quốc, với kinh phí hàng đầu trong những phim truyền hình Việt: gần 508 tỉ đồng cho 208 tập phim. Dư luận trái chiều quanh bộ phim hầu như liên quan đến so sánh diễn xuất giữa diễn viên Việt và diễn viên đóng trong bản gốc. 

Tuy nhiên, dù khen, chê như thế nào thì đây vẫn là điều đáng mừng, là khán giả vẫn còn quan tâm đến phim truyền hình và giúp cho ba bộ phim nói trên luôn đứng đầu trong bảng phim có tỉ suất người xem cao.

Đáng tiếc là ngoài ba phim này thì các phim truyền hình khác, dù thuần Việt hay Việt hóa có đầu tư như “Gia đình vui nhộn”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Hợp đồng hôn nhân”... đều không nhận được phản hồi từ khán giả. Thậm chí, “Gạo nếp gạo tẻ”, phim truyền hình chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc cũng tạm ngưng phát sóng vì không có khán giả...

Không cần bi kịch vẫn có thể hút khách?

Điểm lại phim Việt trong vòng hơn một năm qua, hầu hết đều xoay quanh các mối quan hệ éo le từ tình, tiền... với bối cảnh chính là các công ty, nhà lầu xe hơi sang trọng, các cuộc đấu đá một mất, một còn, có thể kể đến: “Nguyệt thực”, “Đồng tiền quỷ ám”, “Lựa chọn cuối cùng”... Tuy nhiên, diễn xuất “chưa tới” của diễn viên, kịch bản có phần thiếu logic cộng với lời thoại thiếu súc tích, dài lê thê, nhiều họp hành, tranh luận... đã khiến phim truyền hình dù tình tiết có vẻ gay cấn nhưng lại thiếu sức hút đối với khán giả.

Nhìn lại thời điểm “vàng” của phim truyền hình Việt, rất nhiều phim Việt ra rạp được khán giả các lứa tuổi say mê, ít bị chê, bị “nhặt sạn”. Đó là thế hệ các phim truyền hình như “Phía trước là bầu trời”, “Cổng mặt trời”, “Dốc tình”, “Hương phù sa”, “Gọi giấc mơ về”, “Cá rô anh yêu em”... Các bộ phim ấy, tuy vẫn đan cài những chi tiết kịch tính, với ghen tuông, tiền bạc, danh vọng, nhưng đó không phải là điểm chính để làm nên sức hút của bộ phim.

Hầu hết các bộ phim “vàng” này có kịch bản nhẹ nhàng, dung dị nhưng đầy tính nhân văn, đan cài trong đó là các vấn đề thực tế của cuộc sống hàng ngày. Cùng với lối diễn xuất chân thực “diễn mà không diễn” của các diễn viên, những bộ phim thời kì vàng ấy đã trở thành những kí ức đẹp về phim truyền hình cho cả khán giả lẫn nhà làm phim.

Giờ đây, sau nhiều năm, dường như các nhà làm phim lại đang “xuống tay nghề” khi mà không thể tạo ra những sản phẩm ăn khách nếu không dồn vào đó các yếu tố gây sốc như âm mưu, tình dục, đồng tính... Ngay cả phim về đề tài gia đình như “Sống chung với mẹ chồng” vẫn được đạo diễn hướng về xu hướng éo le, bi kịch. Rất nhiều khán giả cho rằng, các nhà làm phim vẫn có thể xây dựng những câu chuyện gia đình theo hướng nhẹ nhàng, hài hước nhưng thâm thúy và nhân văn. Chỉ cần đầu tư cho chiều sâu cả về kịch bản lẫn diễn viên thì không sợ phim không có đất chiếu.

Một nhà làm phim tiết lộ, trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉ suất khán giả xem phim truyền hình đã giảm đi 3- 4 lần, còn tỉ lệ quảng cáo ở mỗi tập phim cũng trung bình giảm đi hơn một nửa. Đó là điều tất yếu khi phim truyền hình đi vào lối mòn không tạo được sức hút cho người xem. Có người cho rằng, với sự lên ngôi của game show, mạng xã hội thì phim truyền hình “thoái trào” là điều tất yếu. Tuy nhiên, nhìn ra một số nước lân cận như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, phim truyền hình vẫn tạo những cơn sốt, những đợt bùng nổ không chỉ trong nước mà lan ra cả khu vực.

Vẫn biết rằng mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng nếu như không nỗ lực làm mới mình, đi mãi trong cái vòng luẩn quẩn bi kịch tình – tiền, giật gân câu khách, các nhà làm phim truyền hình có lẽ sẽ thực sự khiến phim truyền hình đánh mất khán giả, mất chỗ đứng trong thị trường nghệ thuật trong nước./.