Phim Việt vắng bóng tinh thần dân tộc?

(PLO) - Mặc dù trong những năm vừa qua điện ảnh Việt đã có những bứt phá ngoạn mục với chất lượng được nâng cao, đầu tư công phu, được thể hiện ở sự tăng trưởng doanh thu phòng vé qua mỗi năm. Tuy nhiên, các sản phẩm điện ảnh vẫn đang đóng khung ở một số đề tài nhất định, đặc biệt, mảng phim về tinh thần dân tộc hầu như vắng bóng.
Phim Việt vắng bóng  tinh thần dân tộc?

Có lẽ một điều ai cũng có thể nhận thấy là thời gian qua, điện ảnh Việt tập trung chủ yếu ở dòng phim hài và dòng phim tình cảm. Có thời điểm, dòng phim hài nổi lên rầm rộ, đến nổi cứ 3 bộ phim thì đến 2 bộ là hài nhằm đáp ứng thị hiếu “chuộng tiếng cười” của công chúng. Số còn lại chia đều cho các đề tài như kinh dị, huyền ảo, và mới đây là sự manh nha của đề tài về tuổi thanh xuân, học đường…

Thời mở cửa của điện ảnh Việt, phim về đề tài lịch sử, tinh thần dân tộc hay lòng yêu nước là khá hiếm hoi, chỉ có thể kể đến Dòng máu anh hùng (2007) và Thiên mệnh anh hùng (2012), bộ phim gần nhất cũng đã hơn 5 năm về trước.

Những năm qua, điện ảnh một số nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc đã có một sự chuyển biến khá rõ ràng trong tư duy làm phim. Sau thời gian đắm chìm vào các đề tài tình yêu, các nhà sản xuất của nhiều nước đã bắt đầu “tấn công” qua mảng đề tài lịch sử, dân tộc. Với điện ảnh Trung Quốc, sự thành công của Chiến Lang 1, Chiến lang 2 đã khẳng định rõ chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cường quốc đang bắt đầu được lồng ghép vào điện ảnh. Ở Chiến lang 2, hình ảnh người chiến binh “Đại Hán đẹp đẽ, mạnh mẽ, có lý tưởng và năng lực siêu phàm nhằm xây dựng nên hình tượng người anh hùng dân tộc hiện đại. 

Về phía Hàn Quốc, điện ảnh cũng đang được xem là một công cụ tuyên truyền hiệu quả về tinh thần yêu nước, nhằm lan tỏa lòng tự hào dân tộc và các yếu tố lịch sử. Đại thủy chiến ra mắt năm 2014, là niềm tự hào của điện ảnh Hàn nói về trận hải chiến Myeongnyang vào năm 1597, được đánh giá là chiến thắng huyền thoại của đô đốc Yi Sun-sin trước quân xâm lược Nhật Bản, khi ông chỉ còn lại 12 chiến thuyện, phải chống lại hạm đội khoảng 330 chiến thuyền của Nhật Bản.

Năm sau đó, Hứa với cha, một huyền thoại tác phẩm thành công khác của điện ảnh Hàn Quốc ra đời, về thân phận con người trong cuộc di tản của 14.000 người tị nạn bằng tàu chở hàng SS Meredith Victory của Mỹ từ cảng Hungnam trong Chiến tranh Triều Tiên. Trong những năm gần đây, điện ảnh nước này cũng liên tục cho ra mắt các tác phẩm điện ảnh thành công về lòng yêu nước như Đảo địa ngụcTiếng Anh là chuyện nhỏ…     

Quay lại với điện ảnh Việt, nhiều người cho rằng, sự thiếu vắng mảng đề tài này, lý do là ở việc đầu cư khá cao, rủi ro nhiều, đề tài khô khan khó hút khách. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hai thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ thấy, các dự án phim lịch sử này hầu hết đều là những “bom tấn” cực kì ăn khách, được thị trường nội địa và các nước đón nhận. Nói đâu xa, hai bộ phim Việt Dòng máu anh hùngThiên mệnh anh hùng đều là hai bộ phim ăn khách hàng đầu thời điểm nó công chiếu. Điều này cho thấy, sức hút của dòng phim này có, nhưng chủ yếu do các nhà sản xuất chưa nghĩ đến, hoặc “lười” làm mà thôi. Bởi, làm phim lịch sử, phim về lòng yêu nước cần có một sự đầu tư nghiêm túc cả về kịch bản lẫn tất cả các khâu, cần đến sự trau chuốt và thoát ra khỏi những giáo điều, khô cứng để tiếp cận độc giả bằng góc nhìn mới mẻ. 

Đọc thêm