Phục dựng giếng cổ hóa giải “xóm chết chóc”

(PLO) - Những cái chết đột ngột liếp tiếp khiến người dân thôn Tiên Hồ (xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) hoài nghi lí do tâm linh. Các thầy bói, thầy phong thuỷ phán rằng do người dân phá bỏ giếng cổ trong làng khiến thần linh nổi giận trách phạt. 
Hoa sen tỏa hương thơm ngào ngạt vào cuối mùa thu
Hoa sen tỏa hương thơm ngào ngạt vào cuối mùa thu
Hai tai nạn, 10 người chết thảm
Người dân huyện Yên Thành vẫn còn sợ hãi khi nhớ về vụ tai nạn sập núi Lèn Cờ thảm khốc. Sáng 1/4/2011, sau tiếng ầm vang dội, cả khối núi sập xuống chôn sống 18 “phu” đá đang làm việc và 7 người bị thương. Trong số 18 người thiệt mạng thì có 14 người của xã Nam Thành, riêng xóm Đăng Lưu có 7 nạn nhân. 
Ngày đó, khắp các con đường làng phủ kín một màu lạnh lẽo đến thê lương. Đường làng, ngõ xóm nơi đâu cũng thấy cờ, khăn tang. Gia cảnh các nạn nhân đa phần thuộc diện nghèo. Trong đó, phụ nữ chiếm phân nửa. Họ kéo nhau ra mỏ đá khai thác thuê kiếm thêm thu nhập khi vụ mùa chưa tới. Ai ngờ, mồ hôi đẫm ướt áo, bụng chưa có hạt cơm nào đã bị những khối đá nặng hàng chục tấn đè bẹp. 
Trước đó, ngày 16/5/2009, người dân Đăng Lưu đang gặt lúa trên đồng Bờ Rò thì trời đổ mưa tầm tã. Người dân chạy vào cái lều vịt dựng giữa đồng để trú mưa thì bỗng một tia sét kinh hoàng đánh xuống trúng lều vịt. Tia sét chói trời ấy đã cướp đi 3 sinh mạng khác, khiến hơn chục người khác bị thương. 
Xâu chuỗi những tai ương trên, người dân làng Đăng Lưu bắt đầu nghĩ đến chuyện “người âm” trách phạt. Bởi chỉ trong thời gian ngắn mà khăn tang liên tiếp phủ lên ngôi làng nhỏ khiến ai nấy hoang mang lo sợ. Đến khi một số người nhà các nạn nhân đi xem vận hạn gia thất mới “tá hỏa” về thông tin giếng cổ trong làng bị phá. “Thầy” phán những người lấy đá phá ra từ giếng cổ về xây nhà thì chết càng đau đớn. 
Điềm lạ nữa, ông Nguyễn Trọng Khoa (60 tuổi), người làng đi làm ăn tận Lâm Đồng cũng gọi điện về bảo người nhà rằng vừa đi xem phong thủy được “thầy” “mách nước” về thông tin giếng cổ của làng vốn thiêng nhưng đã bị phá bỏ, vùi lấp khiến thần thánh tức giận gieo phạt. “Thầy” khuyên dân làng nên khôi phục giếng nước để con em làm ăn, học hành thuận lợi. 
Lúc đầu trưởng thôn Nguyễn Trọng Tâm (40 tuổi) “bán tín bán nghi”, sợ người dân nhân chuyện này hè nhau làm những việc mê tín dị đoan. Nhưng sau đó rất nhiều người đề nghị nên xóm đồng ý tổ chức họp bàn về lời phán của các “thầy tâm linh”, cuối cùng dân làng chấp thuận phương án trùng tu lại giếng cổ. 
Am thờ là nơi dân làng thờ phụng “thần” giếng
 Am thờ là nơi dân làng thờ phụng “thần” giếng
Theo sử làng, giếng cổ Tiên Hồ có niên đại 155 năm. Vào thời kháng chiến, đây là nơi cung cấp nước cho bộ đội đóng trú trong làng. Theo lời các cụ già kể lại, từ năm 1971, hầu hết bà con tự xây giếng tại nhà, không sử dụng nguồn nước ở giếng làng nữa. Một số người đập phá giếng cổ lấy đá tổ ong về xây nhà. Giếng bị lấp đất để trồng rau muống. 
Sen nở trái mùa, cá bơi ngược
Cuối năm 2011, người dân Tiên Hồ đóng góp hơn 100 triệu đồng khôi phục lại giếng làng to đẹp như bây giờ. Giếng có đường kính tới 20m, có tường bao và cây xanh xung quanh. Trước cửa giếng có am thờ nhỏ  là nơi mọi người đến lễ bái  những vong linh  xấu số. Người làng trước lúc đi làm xa đều đến miếu khẩn nguyện như ý. 
Ông Nguyễn Trọng Hà (70 tuổi) cho rằng: “Từ khi khôi phục lại giếng cổ. Dân làng Tiên Hồ chúng tôi bình yên hẳn. Người dân sống hòa thuận, có của ăn của để. Năm 2009, làng chỉ có 4 học sinh đỗ đại học nhưng mấy năm lại đây số lượng đỗ đạt tăng vọt. Đặc biệt, năm 2014, làng có tới 18 em đậu điểm cao trong kỳ tuyển sinh Đại học- Cao đẳng”.
Cũng tại giếng làng trên có chuyện lạ như sau: Dịp rằm tháng 7 âm lịch, ông Nguyễn Công Quỹ, ông Nguyễn Như Thanh (xóm trưởng xóm Đăng Lưu) và ông Nguyễn Trọng Hà (cán bộ về hưu) đến nhà bà Nguyễn Thị Vinh (80 tuổi, ngụ xóm Đăng Lưu, Nam Thành) xin 5 gốc sen trồng xuống giếng. Ai cũng nghĩ rằng cấy sen vào thời điểm này thì năm sau “bội thu”.  Lạ thay, chỉ 2 tháng sau khóm sen sinh sôi nảy nở cực nhanh, lá và hoa phủ kín miệng giếng. 
Thấy sen nở rộ trái mùa trong giếng cổ, bà con rủ nhau ra thắp nhang cầu nguyện. Người dân Tiên Hồ ai cũng bảo: “Sen nở rộ báo hiệu tương lai cuộc sống no đầy. Con cháu không còn chết trẻ, chết oan uổng như trước. Chúng tôi tin như vậy bởi bình thường sen chỉ nở vào mùa hè đến mùa thu thì tàn, đằng này đã cuối thu đầu đông rồi mà sen trong giếng lại nở rộ”. Còn có một minh chứng khác, cũng gốc sen lấy từ nhà bà Vinh về cấy trong ao nhà ông Hà, lại không phát triển như ở giếng làng. 
Con cá mè bơi ngửa trong giếng sen
 Con cá mè bơi ngửa trong giếng sen
Ngày cuối tháng 9, ông Hà và ông Thanh ra trồng cây xanh tạo bóng mát xung quanh giếng cổ. Vừa bổ phát cuốc đầu tiên xuống đất, ông Thanh ngạc nhiên thấy một con cá mè trắng nằm ngửa trong giếng. Nghĩ rằng con cá đã chết, ông lại gần sờ vào cá định vớt lên thì con cá quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy. Lúc sau, ông này lại thấy con cá ngoi đầu lên bơi ngửa như ban nãy. 
Hoảng hốt trước sự việc lạ, ông Thanh hỏi người bảo vệ giếng làng thì được cho biết: “Từ khi những cây sen này được trồng, một con cá “lạ” thường xuyên xuất hiện giữa giếng và bơi ngửa, khác hẳn cách bơi thường thấy của loài cá. Mặc dù bơi ngửa như yếu sức nhưng con cá này rất khỏe mạnh và nhanh. Trong giếng cũng chỉ có duy nhất con cá này có kiểu bơi khác thường”. Nhiều dân làng cho rằng sen nở “ngược” mùa, cá bơi ngửa là chuyện hiếm thấy: “Tôi tin đây là một điềm tốt của “thần linh” báo đáp sau 3 năm khôi phục giếng làng”.
Dù tất cả những trường hợp trên đều là sự trùng hợp ngẫu nhiên, những biến đổi thời tiết khiến sen nở trái mùa, cá mè bơi ngửa chăng, nhưng với không ít người dân địa phương, họ cho rằng đó là những điều tốt lành đang trở lại với xóm nhỏ.