Quần áo màu sắc – “Cứu tinh” văn hóa ẩm thực đường phố Bangkok

(PLO) -Ngay khi chính phủ Thái Lan có ý định dẹp hết các quầy hàng rong trên đường phố để bảo đảm vệ sinh và mỹ quan đô thị, những chủ quán bán rong ở khu vực phố Ari (một địa điểm ăn uống nối tiếng ở Bangkok) đã cùng nhau nghĩ ra phương kế vô cùng hay ho, đó là mặc áo cùng màu để thuyết phục chính quyền bảo tồn nét văn hóa độc đáo này. 
Ẩm thực đường phố ở khu Ari
Ẩm thực đường phố ở khu Ari

Khi vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan qua đời vào tháng 10/2016, hầu hết người dân Thái Lan chủ yếu mặc đồ màu đen để tôn trọng và tưởng nhớ đến ông. Nhưng đối với những người bán hàng ở khu vực phố Ari lại khác, họ là những người yêu thích thời trang nhiều màu sắc, do vậy mà thay vì lựa chọn màu đen, họ mặc quần áo màu sắc theo ngày mang tính biểu tượng dân tộc. 

Lên kế hoạch dẹp bỏ hàng rong

Ẩm thực đường phố là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. Những quầy hàng rong giá rẻ, chỉ bằng 1/3 giá nhà hàng nhưng mùi vị vô cùng hấp dẫn. Do vậy đây là một phần quan trọng đối với cuộc sống của nhiều tầng lớp người Thái Lan khi được lựa chọn nhiều loại đồ ăn thức uống nhưng giá cả phải chăng.

Vào giờ ăn trưa hay khi kết thúc một ngày làm việc, trên vỉa hè ở khu phố Ari lúc nào cũng đông đúc, tấp nập người dân và cả du khách nước ngoài đến thưởng thức các món ăn và trò chuyện cùng nhau sau một ngày mệt nhọc. Điển hình là một quầy hàng kiểu cafeteria được nhiều người ghé thăm hàng ngày ở góc phố Phahon Yothin 7, đặc biệt nổi tiếng với món “gub kao” (nghĩa đen là cơm), một loại món ăn thập cẩm với thịt và rau được bày trong các chảo rộng bằng kim loại.

Thứ 2 mặc màu vàng để tôn vinh mặt trăng và thần Chandra
Thứ 2 mặc màu vàng để tôn vinh mặt trăng và thần Chandra

Nhưng kể từ năm 2014 chính phủ Thái Lan đã bắt đầu kế hoạch làm sạch Bangkok, nỗ lực dẹp bỏ quầy hàng rong đường phố để đảm bảo vệ sinh, giảm bớt rác thải và khơi thông đường xá cho người đi bộ. Tuy nhiên, ý tưởng này đã gây nên những ý kiến trái chiều từ người dân, họ đồng ý rằng tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm là cần thiết, nhưng lại phản đối về biện pháp thực hiện của chính phủ, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai hàng ngày của họ.

Được biết, chỉ trong năm 2017, lãnh đạo Bangkok đã nghiêm cấm gần 15.000 quán ăn đường phố tại 39 khu vực công cộng trong chiến dịch khai thông đường phố và vỉa hè trên toàn thành phố. Tháng 12/2016, lãnh đạo Thái Lan đã ra lệnh và yêu cầu các quầy hàng rong ở khu phố Ari phải được dẹp bỏ trước ngày 8/3/2017. Tuy nhiên, may thay chỉ vài ngày trước khi đến hạn chót, chính quyền đã thay đổi quyết định và ra thông báo rằng các quầy hàng này vẫn tiếp tục được phép kinh doanh, buôn bán. 

Biện pháp độc đáo

Việc chính quyền thay đổi quyết định phần lớn là nhờ công của những chủ quầy bán hàng rong ở phố Ari. Họ đã tập hợp lại với nhau, cùng nhau thảo luận để cải thiện khu phố và tìm cách cứu mình. Từ đó, họ quyết định xây dựng nên một truyền thống cổ xưa về phối hợp màu sắc trong quần áo theo ngày, vừa mang lại vẻ đẹp cho vỉa hè, vừa cho chính phủ thấy giá trị mà họ mang lại cho đường phố Bangkok.

Không chỉ có tác dụng cải thiện mỹ quan, việc sử dụng đồng phục nhiều màu sắc sẽ giúp chính quyền và người dân cùng chung tay giải quyết tình trạng ô nhiễm và tắc nghẽn đường phố. Nếu người dân phàn nàn về sự gia tăng rác thải và tắc nghẽn vỉa hè, áo đồng màu sẽ giúp chính quyền địa phương dễ dàng hơn trong việc xác nhận khu vực vi phạm và xử lý.

Theo đó, mỗi ngày trong tuần họ đều mặc một màu cụ thể liên quan đến một ngôi sao. Truyền thống này xuất phát từ Ấn Độ giáo, ảnh hưởng đến văn hóa Thái Lan kể từ thời Đế chế Hindu Angkor cai trị vùng này từ thế kỷ 9-15. Mỗi ngôi sao được tương ứng với mỗi vị thần Hindu và thể hiện tính cách của riêng mình. Ví dụ như thần Surya, được cho là có tính cách khắc nghiệt, đại diện cho Mặt trời. 

Thứ 7 là màu tím, tương ứng với sao Thổ và thần Shani
Thứ 7 là màu tím, tương ứng với sao Thổ và thần Shani

Ở Thái Lan, mỗi vị thần đều mang một màu sắc riêng cho mình, dựa trên ngôi sao mà vị thần được gắn kết. Ví dụ, vào Thứ 3 có liên kết với màu hồng dựa trên màu sắc của sao Hỏa kết nối với Mangala - thần chiến tranh Hindu (mặc dù trong thần thoại Hindu chính thống, thần Mangala mang màu đỏ). 

Vào ngày thứ 4, những người bán dong chuyển sang mặc màu xanh lá cây, màu của sao Thủy và thần Budha (không phải Đức Phật). Vào Thứ 5 màu cam sẽ là màu chủ đạo, tượng trưng cho sao Mộc và thần Brihaspati. Thứ 6 sẽ là màu xanh, đại diện cho sao Kim và thần Shukra. Thứ 7 là màu tím, tương ứng với sao Thổ và thần Shani. Cuối cùng, Chủ nhật sẽ mặc màu đỏ, tượng trưng cho mặt trời và thần Surya. Màu sắc Thứ 2 sẽ là màu vàng để tôn vinh mặt trăng và thần Chandra. Đây cũng là màu của lá cờ hoàng gia, vì cả nhà vua đã mất lẫn nhà vua hiện tại đều được sinh ra vào ngày thứ hai, và những hình ảnh trưng bày công khai của họ thường có màu vàng.

Không thể đánh mất nét văn hóa vô giá

Mặc dù rất khó để biết chính xác mức độ hiệu quả của sáng kiến sử dụng áo đồng màu của những người bán hàng ăn đường phố tại khu Ari, nhưng nhiều người trong số họ cho rằng sự thống nhất dùng màu đã giúp họ chứng minh cho chính quyền địa phương rằng họ có thể tự điều chỉnh và sẵn sàng hợp tác với chính quyền nếu có những dự án phát triển khu phố ẩm thực mới. 

Màu sắc cũng giúp cộng đồng chống sự tụ tập quá đông. Ngoài ra, những người bán hàng rong ở Ari cũng có thể dễ dàng phát hiện những người từ bên ngoài đang cố vào bán hàng tại đây đơn giản bằng cách nhìn vào màu áo của họ. 

Theo anh Chaiwat Kanom Pansip, một người bán bánh nướng cà ri cá trên phố cho rằng, việc người bán hàng cùng mặc quần áo một màu làm gia tăng cảm giác gắn kết cộng đồng. Những người bán hàng có cảm giác mình là một phần cộng đồng buôn bán với nhau chứ không phải là những người cạnh tranh nhau.

“Màu sắc mang lại cho chúng tôi cảm giác gần gũi và việc mặc áo cùng màu giúp chúng tôi thể hiện sự đoàn kết”, anh Pansip nói. Những khu phố ẩm thực của Bangkok là nơi duy nhất trong thành phố mà mọi người từ nhiều tầng lớp, từ giám đốc những công ty lớn cho tới người lao động nghèo có thể cùng ngồi ăn, nơi những ranh giới về giàu nghèo không còn nhiều ý nghĩa.

Chủ nhật sẽ mặc màu đỏ, tượng trưng cho mặt trời và thần Surya
Chủ nhật sẽ mặc màu đỏ, tượng trưng cho mặt trời và thần Surya

Tiến sĩ Nattapong Punnoi, Giám đốc phát triển kinh doanh của Trung tâm thiết kế và phát triển đô thị cho rằng: “Văn hóa ẩm thực đường phố có giá trị tinh thần vô giá đối với Bangkok và văn hóa Thái Lan. Chúng tôi không thể đánh mất nó”. Tiến sĩ Punnoi cũng khẳng định có nhiều phương án vừa khai thông đường phố và giải quyết tình trạng ô nhiễm, nhưng vẫn giữ lại được sức hút của văn hóa ẩm thực đường phố. Bangkok hiện có khoảng 28.800 ha đất chưa sử dụng có thể tạo ra không gian mới để phát triển ẩm thực đường phố Thái Lan trở thành một “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch nhiều hơn.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền Bangkok, Trung tâm thiết kế và phát triển đô thị hiện đang khôi phục 15 địa điểm lịch sử trên toàn thành phố và tạo điều kiện cho ẩm thực đường phố truyền thống tiếp tục phát triển. Thí dụ như dự án Tha Din Daeng trên bờ sông Chao Phraya. Đối với dự án này, Trung tâm thiết kế và phát triển đô thị đã tổ chức quản lý được các điểm ăn uống mang tính biểu tượng, như Thanzuha Bakery - một quán ăn truyền thống có lịch sử hơn một thế kỷ nổi tiếng với món bánh trứng khanom farang kudee jeen.../.