Quẩn quanh chuyện cấm ca khúc

(PLO) - Câu chuyện các bài hát quen thuộc với khán giả nhiều năm nay “bỗng dưng bị cấm” khiến rất nhiều người yêu nhạc bức xúc. Các động thái của cơ quan quản lý cho đến nay hầu như chỉ thể hiện sự lúng túng khi chưa đưa ra lời lý giải hay hướng xử lý thuyết phục cho công chúng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sự việc Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra công văn cấm vĩnh viễn lưu hành trên toàn quốc với 5 bài hát xưa: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) chưa lắng xuống, thì mới đây, lại thêm việc bài hát Nối vòng tay lớn và một số bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị cấm biểu diễn tại một chương trình âm nhạc quy mô lớn vì lý do “không có trong danh mục các bài hát được cấp phép trước năm 1975”. 

Đến giờ, dư luận mới tá hỏa vì trong gia tài âm nhạc đồ sộ của cố nhạc sĩ, hóa ra chỉ có... 70 bài hát được cấp phép biểu diễn. Trong khi đó, Nối vòng tay lớn và rất nhiều bài hát của cố nhạc sĩ đã trở nên cực kì quen thuộc với công chúng, không chỉ trở thành một phần của đời sống âm nhạc hàng ngày mà còn xuất hiện trong các chương trình âm nhạc lớn, phát trên sóng truyền hình quốc gia.

Nếu căn cứ vào quy định, có lẽ từ trước đến nay, đã có rất nhiều chương trình âm nhạc mang tầm quốc gia đã có... vi phạm khi biểu diễn những ca khúc “không được cấp phép” này. Đáng nói hơn, nếu muốn các ca khúc đã trở thành một phần “tài sản âm nhạc” của nhân dân được phép lưu hành, đơn vị biểu diễn sẽ phải qua nhiều khâu phức tạp để xin cấp phép. 

Trong những năm gần đây, việc cấp phép cho các ca khúc xưa đã trở nên “thông thoáng” hơn khá nhiều. Tuy nhiên, những vụ “trước sau bất nhất” như trên vẫn liên tục xảy ra, nó cho thấy sự lúng túng và cứng nhắc của các nhà quản lý trong cấp phép các bài hát mang yếu tố lịch sử. Có lẽ, cơ quan quản lý nên có một sự “tổng rà soát” các bài hát và đưa ra một giải pháp hợp tình, hợp lý hơn để thỏa lòng công chúng yêu nhạc, thay vì các văn bản “cấm vĩnh viễn”, trước thả, sau cấm đầy bối rối như hiện nay.

Đọc thêm