“Quê và Phố” của Vượng "lô gô"

(PLO) - Lê Tiến Vượng là một trong số ít họa sỹ song hành giữa đồ họa và hội họa nhưng anh có thể cả ngày nói về “vẻ đẹp” của logo với tất cả đắm say. Có lẽ  vì thế, bạn bè vẫn thường gọi anh thân mật: Vượng “lô-gô”.
Họa sỹ Lê Tiến Vượng
 Họa sỹ Lê Tiến Vượng
Tôi gặp họa sỹ Lê Tiến Vượng vào một chiều gió mùa cuối thu xao xác lá khi anh đang chuẩn bị khai mạc Triển lãm cá nhân “Quê và Phố”. 

“Lô gô” đã chọn tôi

PV: Họa sỹ Lê Tâm (Báo An ninh thế giới) thường kể rằng, Vượng “logo” có thể tham gia mọi việc liên quan tới trình bày báo từ vẽ kí họa, vẽ minh họa cho thơ, truyện, các tác phẩm báo chí tới  các chuyên mục lớn nhỏ ở nhiều tờ báo với phong cách khác nhau. Cơn cớ nào anh đã chọn logo trong sự nghiệp của mình?

- Đúng ra là thiết kế đồ họa đã chọn mình. Bản thân mình có may mắn là ngay từ năm 1992 về báo Thiếu niên Tiền phong là mảnh đất mà mình có thể thỏa  sức sáng tạo theo đúng sở trường từ các mục rất ngộ nghĩnh,  xinh xắn dễ thương, tới vẽ truyện tranh…, trang trí các ấn phẩm khác nhau của tờ báo nhưng thực ra cũng là vẽ.

Cũng từ niềm đam mê, mình thường xuyên tham gia các khóa đào tạo của Pháp, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Bỉ về chế bản, truyền thông đa phương tiện, trình bày báo chí  hiện đại tại Hà Nội do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức... 

Và khi mình đạt một loạt giải về tranh cổ động, afficher, poster, logo... cho các đoàn thể, các tổ chức xã hội... và nhiều giải thưởng quốc gia như: Giải nhất logo Đại hội Đoàn toàn Quốc lần thứ 6 năm 1992, lần thứ 7 năm 1997; Giải nhất logo Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ 7 năm 2002, lần thứ 8 năm 2007; Giải nhất bộ tranh afficher cho Đại hội 7 và Đại hội 8 MTTQ Việt Nam; Giải nhất cuộc thi toàn quốc logo Thanh tra Việt Nam năm 2002; Giải nhất cuộc thi toàn quốc logo TP.Vĩnh Phúc; Giải nhất tỉnh Tuyên Quang; Giải nhất cuộc thi logo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… đã thôi thúc mình sống hết mình với ngành sáng tác logo như duyên nghiệp và kết quả trên cho thấy sự lựa chọn đó đã không nhầm lẫn.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển của thị trường, thương hiệu là một trong những yếu tố sống còn, xem ra “Vượng logo ” gắn với anh cũng là điều dễ hiểu. Dường như phía sau mỗi  logo là một câu chuyện?

- Đúng vậy, ngày nay không chỉ các tập đoàn có logo, mà ngay các nhà hàng, các dòng họ cũng có logo, thế nên ngoài Quốc huy, Tỉnh huy, còn có cả gia huy nữa…
Thiết kế logo gắn liền với tên tuổi họa sỹ
 Thiết kế logo gắn liền với tên tuổi họa sỹ

 “Luật vuông, lý tròn”

Năm 2010 anh được Trung ương Đoàn, Báo TNTP cử sang Lào giảng dạy cho các họa sĩ bạn về phương pháp trình bày báo chí hiện đại... về cách thức sáng tác logo, afficher, poste...Và gần đây nhất là Giải báo chí Quốc gia. Theo anh, cách trình bày báo của chúng ta đã chuyên nghiệp chưa?

- Thiết kế báo chí cho tới nay vẫn là một nghề còn bỏ trống trong các trường đại học. Nếu như trước đây trình bày báo chí được ví như chợ quê, anh có gì mang tới sớm thì bán sớm, tới sau sẽ làm sau… thì hiện nay các tờ báo đã hướng tới sự chuyên nghiệp hơn với sự sắp xếp ngăn nắp như một siêu thị. Bạn chỉ cần tới đúng vị trí đó là tìm được khẩu vị yêu thích. Nhưng để tổ chức siêu thị, phải tổ chức hình ảnh khoa học để người đi chợ có thể dễ nhớ, dễ mua.

Hơn nữa, mỗi tờ báo có đối tượng độc giả riêng, tạo ra những câu chuyện riêng như thời trang, phong cách. Vì thế, việc đầu tiên của các báo là tạo phong cách và dấu ấn đó phải là anh họa sỹ chuyên nghiệp và nhanh nhạy… Tuy nhiên, để thành công về mặt hình ảnh, ngoài người họa sỹ giỏi,  ông Tổng biên tập phải biết đặt niềm tin vào họa sỹ.

Được biết, anh là cộng tác viên tin cậy của các nhà xuất bản và tòa soạn báo như: An ninh thế giới, Văn nghệ Công an, Hà Nội mới, Văn nghệ trẻ...Và nhiều năm lại đây, anh là cố vấn cho những ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam về măng séc, hình ảnh cũng chính là thương hiệu của tờ báo. Giống như một bài thơ phải có một cái “tứ” mới tạo ra nhịp điệu và sự hài hòa.Với Báo Pháp luật Việt Nam, cảm xúc của anh bắt nguồn từ đâu?

- Khi làm măng séc cho Báo Pháp luật Việt Nam, mình liên tưởng tới triết lý phương Đông về sự vuông, tròn của trời, đất (trời tròn, đất vuông). Vuông, tròn cũng chính là dòng chảy của thời gian, của đời người. Từ “Trăm năm tính chuyện vuông, tròn” (Nguyễn Du), tới thành ngữ “Thương nhau củ ấu cũng tròn”… Và luật thì “vuông”, lý thì “tròn” nên kiểu chữ măng séc mình đã đi theo quy luật đó tới từng chuyên mục nhỏ, tạo nhịp điệu cho tờ báo không quá khô cứng và cũng không quá mềm mại. 
Bởi Báo Pháp luật Việt Nam dành cho mọi đối tượng độc giả: từ các chuyên gia nghiên cứu tới hướng dẫn luật pháp, tới những câu chuyện, sự kiện, con người… đều trong khuôn khổ luật pháp. Ta bước chân ra khỏi nhà là tham gia vào các nguyên tắc chung của pháp luật, một đứa trẻ được sinh ra đã liên quan tới luật pháp… Nghĩa là tờ báo có thể đi từ những điều lớn lao tới những điều nhỏ nhất về luật pháp và cái nhịp điệu vuông, tròn đó đi tới từng chuyên mục nhỏ. Mình ưa sự đơn giản nhưng phong cách…

Hồn quê và thị trường

Triển lãm Quê và Phố tới đây của anh sẽ nghiêng về logo hay tranh? Tại sao tới nay anh mới làm triển lãm cá nhân?

- Triển lãm lần này của mình sẽ bao gồm khoảng 100 tác phẩm đồ họa và hội họa. Mỗi thứ một ít làm đại diện gửi tới công chúng một quá trình sáng tác của mình. Trước đây mình cũng đã tham gia nhiều triển lãm nhưng giờ mới có thời gian lắng lại để làm riêng, mong nhận được ý kiến của mọi người. Mình hy vọng công chúng sẽ yêu thích bữa cỗ vừa truyền thống, vừa hiện đại này. Bởi nếu như đồ họa là nhịp sống công nghiệp thì hội họa là truyền thống với những mơ màng, nuối tiếc…

Sáng tác hội họa luôn song hành cùng đồ họa như đôi cánh, anh vẽ mọi chất liệu sơn dầu, bột màu, thuốc nước... Tại sao lại Quê và Phố? Có phải trong tiềm thức mỗi con người hôm nay đều đong đầy những kí ức đẹp về làng quê của mình?

- Mình sinh ra ở phố rồi sơ tán về quê tới hết tiểu học. Những hình ảnh nhà nông đều quá đỗi thân thuộc với mình từ những trò chơi con trẻ tới sự hồn hậu của đất và người thôn quê. Vì thế tranh của mình thường là bến sông, con đò, cây rơm, làng ven đô… Và phố thì vẫn mang bóng dáng thân thuộc của làng trong phố. Có nhiều thứ đã mất đi theo thời gian nhưng những hình ảnh còn mãi trong tranh sẽ khơi gợi kí ức của nhiều người… Quê, phố với bao hoài niệm, thương nhớ sẽ là đề tài mà mình theo đuổi khôn nguôi…

Có là mâu thuẫn không giữa con người của hội họa và thị trường? Dường như anh đã được đền bù xứng đáng cho những đam mê và hết lòng vì nó?

- Mình tự thấy mình là một người đa dạng, sống mở và chân thành. Mình luôn sống với dòng chảy với cảm xúc của nhịp sống đương đại. Về những thành công nhất định có lẽ do mình ham học hỏi và say mê. Từ làm báo, vẽ tranh, làm thơ, logo… công việc đã trả giá cho những thứ mình muốn khi mình hết mình với nó và hết mình với cuộc sống này… Mình không giấu niềm tự hào rằng mình là một họa sĩ “thị trường” đúng nghĩa…

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Triển lãm Quê và Phố

Triển lãm sẽ khai mạc vào 16h30 ngày 23/10 đến hết ngày 7/11 tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội).

20 năm liên tục thiết kế đồ họa và trình bày sách báo, minh họa, họa sĩ Lê Tiến Vượng là cộng tác viên tin cậy của các nhà xuất bản và tòa soạn báo. Với NXB Giáo dục, Lê Tiến Vượng minh họa các bộ sách giáo khoa tiếng Việt, tiếng Anh cho học sinh tiểu học... Với NXB Kim Đồng, anh vẽ nhiều bộ truyện tranh lịch sử, tranh khoa học...

Hiện nay, anh là Trưởng phòng Thiết kế của Báo Thiếu niên Tiền phong - tờ báo được yêu thích trên toàn quốc. Ngoài ra, anh thành lập một công ty chuyên thiết kế thời trang và tổ chức sự kiện cho các tổ chức, các công ty, cá nhân có nhu cầu thiết kế cũng như hoạt động, sự kiện quảng cáo thương mại khác.


Đọc thêm