Quyền Văn Minh 50 năm “yêu và sống” với Jazz

(PLO) - Huyền thoại sống - nghệ sĩ Quyền Văn Minh là người đầu tiên mang Jazz tới Việt Nam. Ông thường nói: “Nàng Jazz thường bị mọi người gắn cho cái danh là “kiêu sa”, nhưng thật ra, “cô ấy” lại rất dễ gần và sẵn sàng “mỉm cười” với bất cứ ai!”. 
Quyền Văn Minh 50 năm “yêu và sống” với Jazz
Nặng lòng với âm thanh “kỳ lạ”
Vốn sở hữu dòng máu nghệ thuật từ bố mẹ, ông sớm phát lộ khả năng cảm thụ âm nhạc. Gia đình khó khăn, ông chỉ được bố mẹ cho học nhạc với 7 nốt nhạc cơ bản ở Cung Thiếu thiếu nhi. Cơ duyên đưa ông đến với nhạc Jazz khi 14 tuổi, ông nghe một bản nhạc có âm thanh “kỳ lạ” ở radio. Ông ghi nhớ một đoạn nhạc và cầm kèn thổi thử. 
Năm 1968, mọi người không biết tới nhạc Jazz nên khi ông hỏi các thầy giáo dạy nhạc, ai cũng lắc đầu không biết. “Tiếng sét tình yêu” với Jazz khiến ông bỏ thời gian dò sóng trên đài nước ngoài và lùng sục các đĩa than. Càng nghe, ông càng mê đắm và quyết tâm theo đuổi “người tình Jazz” đến cùng. Giáo án không có, ông đành ghi âm và đánh theo bản nhạc.
Nghệ sĩ Quyền Văn Minh là người đầu tiên mang Jazz tới Việt Nam. Ông thường nói: “Nàng Jazz thường bị mọi người gắn cho cái danh là “kiêu sa”, nhưng thật ra, “cô ấy” lại rất dễ gần và sẵn sàng “mỉm cười” với bất cứ ai!”. Và để mọi người đến gần và ngắm những nét “duyên ngầm” đáng yêu ấy, ông mất gần 50 năm “yêu và sống” với Jazz.  Để làm được điều đó không hề đơn giản với nghệ sĩ nghèo như ông.
Năm 1988, sau 20 năm “dùi mài kinh sử”, ông đã “gây bão” âm nhạc Việt bấy giờ khi  tổ chức chương trình “Quyền Văn Minh với ba dòng nhạc: Cổ điển, dân gian, Jazz”. Ông là người đầu tiên thổi cổ điển bằng kèn saxophone và cũng là người đầu tiên đưa nhạc Jazz đến với công chúng. Rất nhiều bạn bè trong giới học thuật đến dự chương trình của ông. “Cơn bão” ấy đã “thổi” ông tới giảng dạy tại chính ngôi trường ông từng mơ ước được theo học - Nhạc viện Hà Nội. 
Để thỏa sức “phiêu” với Jazz, ông cùng nhóm bạn thành lập nhóm nhạc và câu lạc bộ Jazz đầu tiên ở Việt Nam.  Ít ai biết, ông khá long đong với 5 lần chuyển địa điểm câu lạc bộ Jazz và luôn phải bù lỗ với các đêm nhạc Jazz. Ông quyết phát triển câu lạc bộ để mỗi tối các nghệ sĩ trẻ có “đất dụng võ”, cùng nhau đắm mình trong không gian nhạc Jazz. Khán giả yêu Jazz có nơi đến để thưởng thức. 
Trước sau ông luôn khẳng định: “Jazz Club của tôi không bán vé vào cửa. Tôi không mở ra để phục vụ người nước ngoài, tôi mở chỉ để biểu diễn và quảng bá Jazz với người Việt Nam”. Jazz kén người nghe nên kén cả nhà tài trợ. Không thể vì eo hẹp mà không tổ chức những đêm Jazz Việt. Ông tự bỏ tiền túi, các ca sĩ, nhạc công tham gia đều chia sẻ cùng ông.
Làm việc 20/24 giờ để nuôi Jazz
Ông đi giảng dạy, biểu diễn, sáng tác 20/24 giờ một ngày chỉ để… nuôi Jazz. Ông luôn tâm huyết tạo nên một dòng nhạc Jazz mang bản sắc riêng của Việt Nam, vừa cuốn hút được công chúng trong nước, vừa có tiếng nói riêng khi chơi cùng các bạn quốc tế. Dù lỗ, ông vẫn miệt mài tổ chức các đêm nhạc. 
Ông muốn khẳng định một điều: “Jazz thực sự rất “dễ yêu”, rất “đáng yêu” và sẽ rất tuyệt vời khi đã “được yêu”... Qua các đêm nhạc Jazz hy vọng đưa công chúng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn dòng âm nhạc đỉnh cao thế giới.
Ở câu lạc bộ nhạc Jazz, mỗi năm có 365 đêm biểu diễn nhạc Jazz, bất kể nắng mưa, các nghệ sĩ đều cống hiến để phục vụ khán giả, có những ngày mất điện, các nghệ sĩ thắp nến để chơi nhạc. Ông cố gắng tạo ra cho các học trò của mình một cái nếp lao động, biết cống hiến để tự nâng cao bản thân mình. “Với buổi biểu diễn của tôi vẫn có những người thưởng thức một cách say mê và nghiêm túc là tôi cảm thấy hứng khởi”.
Tuy không dư dả kinh tế nhưng điều làm ông an ủi rằng một nhạc sĩ chơi Jazz đích thực thích hơn là một người giàu có. “Cuộc sống phải có tiền, nhưng một ngày cũng chỉ ăn ba bữa cơm, hãy làm sao để cuộc sống phong phú. Cả đời tôi phấn đấu vì nhạc Jazz thì đứa con trai của tôi phải tiếp tục con đường tôi đi. Như thế có phải là đẹp cho một dòng họ, một ngành nghề không?”- ông tự hào.
Quá yêu “cô gái” tên Jazz, ông chẳng ngần ngại mà đưa 5 điều ưu tiên: Nhạc Jazz là số 1, số 2 là con, cháu, số 3 là anh em trong gia đình, số 4 là vợ và số 5 tôi mới nghĩ đến mình.  Coi là “số 1” trong cuộc đời của mình, ông có thể ngồi hàng giờ để nói chuyện về “nàng” và nhớ như in những kỷ niệm đáng nhớ trong đời. 
Ngày đầu tiên Festival nhạc Jazz châu Âu được tổ chức tại Hà Nội, ngày đầu tiên có đêm diễn nhạc Jazz tại nhà hát lớn, ngày đầu tiên ban nhạc Jazz lớn nhất Việt Nam ra đời… Sau gần 50 “sống và yêu” Jazz, ông đã “sản sinh” được 4 thế hệ nghệ sĩ nhạc Jazz cùng biểu diễn ở câu lạc bộ, con trai ông - nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc là thế hệ thứ 4.
Với những đóng góp của mình, năm 2001, ông đã được Đại sứ Liên minh Châu Âu ca ngợi là “Huyền thoại sống của nhạc Jazz Việt Nam”. NSƯT Quyền Văn Minh trân trọng những tình cảm đó, với ông, đó là những ghi nhận vì chặng đường ông đã đi. 
Ông chia sẻ: “Con đường này đầy gian truân nhưng cũng có những phút thành công vô giá. Duy trì và phát triển Jazz ở Việt Nam là công việc cuối cùng của đời tôi - đó cũng là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Quyền Văn Minh này”.

Đọc thêm