Rác tai rap “bẩn”, nhức óc nhạc “chế”

(PLO) - Vài năm trở lại đây, rap “bẩn”, nhạc “chế” đã “càn quét” âm nhạc Việt. Sự tự do, tùy tiện cùng trình độ nhận thức non kém đã “nặn” ra những sản phẩm âm nhạc gây hại mỹ cảm, hủy hoại đạo đức, thuần phong mỹ tục khó lường, nhưng mức xử phạt lại chưa thấm vào đâu so với tác hại do thứ “rác bẩn” này gây ra.
Yanbi & Mr.T bị xử phạt vì hát nhạc “rác”.
Yanbi & Mr.T  bị xử phạt vì hát nhạc “rác”. 
"Rác" ngập âm nhạc
Hiện nay, trên những trang mạng chuyên đăng tải nhạc xuyên tạc nhan nhản những bài nhạc “chế” với vài trăm nghìn, có khi lên tới hàng triệu lượt người nghe.  Những ngôn ngữ bậy bạ, rác rưởi, thiếu văn hoá được mặc sức tung hoành cùng với những suy nghĩ bệnh hoạn, thác loạn “án ngữ” các bài nhạc chế. Bài “Biết tin em có thai” mở đầu bằng giọng đọc khào khào lải nhải chuyện tình dục và ca ngợi thói sở khanh. Còn bài “Kỹ sư đào mỏ” có đoạn “Vì tôi đẹp trai bao nhiêu cô cứ theo hoài. Vì tôi đẹp trai nên bao nhiêu cô đã rớt đài và nhiều người đã có thai...”. 
Hoặc bài “Con gái thời nay”: “Con trai bây giờ í hả, 100 đứa thì 99 đứa không đàng hoàng, còn một đứa đàng hoàng là gay, a ha!”. Bài hát thiếu nhi “Kìa con bướm vàng” bị thay lời, sửa nhạc bằng những từ ngữ thô thiển như: “Kìa con gái kìa, kìa con gái kìa, rủ đi chơi, rủ đi chơi, ba tháng sau em có bầu...”. Khó chấp nhận hơn, trong đoạn đọc rap, nhóm này cũng lồng ghép những ca từ chửi tục, chửi thề theo kiểu chợ búa. “Bởi vì anh rất khỏe cho nên không có gì là khó/Anh thì không sợ khổ mà chỉ có cái tật sợ khô…”. 
Bài “Em yêu kem chuối” là một ví dụ. Ca khúc trên miêu tả sự ham muốn dục vọng của phụ nữ bằng những ngôn từ khó chấp nhận trên nền nhạc rap, pha trộn các âm thanh phòng the đầy gợi dục. Sau ngày được phát tán trên mạng, ca khúc trên nhanh chóng được một bộ phận giới trẻ đón nhận. 
Ngoài nhạc “chế” sex, còn có nhạc bạo lực như “Con thỏ chiên bánh”: “Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ. Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi”. Hay “Chuyện tình lan can”: “Trong đêm trăng thanh, em gọi nhầm tên anh/Anh lao lên tung quả đá song phi, em đập vào lan can / Ô ú ô, em đập vào lan can” ...  
Thậm chí, những điệu lý, điệu hò mang âm hưởng dân ca mượt mà cũng bị xuyên tạc thành những “Lý nói láo”, “Lý bán quán”, “Lý gái hư”... Ngay cả những ca khúc cách mạng hay những tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng cũng bị “nhào nặn” ra một hình hài quái thai, “lập dị”. Nhạc “chế” đã phát triển đột biến cả về số lượng lẫn chất lượng theo hướng mỗi ngày một thô tục, suy đồi hơn.
Các bản nhạc “quái thai” này xâm lấn vào cuộc sống giới trẻ với tốc độ chóng mặt, như một dịch bệnh, qua các thiết bị điện tử như máy tính, di động, ipad, giới băng đĩa lậu tiếp tay phát tán trong những CD ở các cửa hàng băng đĩa, tràn ngập các quán bar.
Mức phạt không thấm với tác hại
Nhạc “chế”, rap “bẩn” tung hô sex, kích động bạo lực, bi quan, chán đời đang dần gặm nhấm thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ. Trước thực tế này, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương không khỏi bức xúc: “Lần đầu tiên tôi thấy có bài hát với đoạn rap thô tục vậy. Những bài hát này thể hiện suy nghĩ lệch lạc, lối sống bản năng bị chế ngự bởi nhục dục của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Văn hoá người Việt mình không bao giờ có thể chấp nhận những ngôn ngữ đó trong một bài hát, quá thô tục, làm ô uế nhạc Việt”. 
Cơ quan chức năng đã từng “tuýt còi” xử phạt ca sĩ hát loại nhạc này. Điển hình vào tháng 6 vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) ra quyết định xử phạt hành chính đối với Yanbi (tên thật là Tô Minh Vũ), Mr.T (tên thật là Tằng Quốc Anh) mức phạt 5 triệu đồng/người việc ca khúc “Phiếu bé ngoan” với ca từ tục tĩu được đăng tải khá công khai, tự do trên một số trang nhạc trực tuyến như Nhacvietplus.com.vn, Nhaccuatui.com, Chacha.vn, Nhac.vui.vn, Nhacso.net, Imuzik, Zing Mp3... khiến dư luận bức xúc. 
Trước đó  năm 2013, phần biểu diễn của Yanbi và Mr.T với ca khúc “Thu cuối” tại Hải Phòng cũng đã từng bị dư luận lên án gay gắt bởi những ngôn từ tục tĩu và đã bị Sở VHTT&DL địa phương phạt 10 triệu đồng. Không chỉ ca sĩ, 7 trang mạng trực tuyến đã bị cơ quan quản lý văn hóa nhắc nhở và xử phạt với mức 8 triệu đồng/mỗi trang mạng.
Tuy nhiên, bản thân những người có thẩm quyền xử phạt cũng như dư luận đều cho rằng, việc xử phạt này khá nhẹ tay so với những “rác” mà các ca sĩ, trang mạng gieo vào giới trẻ. Thế nên, trong lúc chờ đợi chế tài xử phạt được nâng lên thì các cơ quan quản lý văn hóa cần phối hợp với các đơn vị quản lý an ninh mạng ráo riết thanh, kiểm tra các trang web, forum, mạng xã hội và xử lý nghiêm minh. Hơn lúc nào hết, âm nhạc Việt rất cần một sự trong lành. 

Đọc thêm