'Sao' Việt đua nhau hát nhạc 'sến'

(PLO) - Nếu như chục năm về trước, bolero gần như bị lãng quên ở các sân khấu âm nhạc thì giờ đây, bolero đang trở lại gần như là một mốt “thời thượng”.  
Một cảnh trong gameshow Tình bolero đang phát sóng trên truyền hình.
Một cảnh trong gameshow Tình bolero đang phát sóng trên truyền hình.

Ngoài những chương trình truyền hình thực tế liên tục được dàn dựng, nhiều ca sĩ thuộc các dòng nhạc cũng đua nhau “lận lưng” vài album bolero để bắt kịp xu thế.

Khi “nhạc sến” trở thành trào lưu thời thượng

Không phải không có lý do, khi nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã lên tiếng khẳng định mình và ê kip thực hiện chương trình “Tuyệt phẩm bolero” sắp diễn ra tại Hà Nội hoàn toàn không phải “ăn theo” trào lưu bolero đang phát triển mạnh và được ưa chuộng. Một chương trình như “Tuyệt phẩm bolero” là cần thiết, giữa thời điểm bolero đang nở rộ như “nấm sau mưa”, khán giả bật kênh nào cũng gặp bolero, và quan trọng hơn là tinh thần của bolero đã bị làm sai lệch, hiểu nhầm đi khá nhiều.

Thời trang là sự quay vòng, câu nói đó không chỉ đúng trong lĩnh vực thời trang. Với âm nhạc và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, vòng tuần hoàn của “mốt” cũng luôn được minh chứng. Trong trường hợp của bolero cũng thế. Hơn chục năm về trước, bolero hầu như chỉ được mở ở quán café và bởi một vài người thuộc thế hệ cũ còn yêu thích dòng nhạc này. Trong thị trường âm nhạc, bolero hoàn toàn vắng bóng. Nhắc đến bolero, người ta nghĩ ngay đến dòng nhạc xưa cũ, sến sẩm, thậm chí bị đánh giá là “rẻ tiền”.

Nhiều năm về trước, với sự “phục dựng” bolero của một số ca sĩ “ăn khách”, lượng fan đông đảo trên thị trường như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Quang Dũng…, nhiều khán giả bỗng dưng gật gù nhận ra, bolero cũng “hay ra phết”. Rồi dần dà, những ca sĩ thể nghiệm mình trong dòng nhạc này nhiều dần lên. Cho đến nay, bolero gần như là một “trang sức” không thể thiếu với nhiều nghệ sĩ.

Người ta thấy Đàm Vĩnh Hưng lần lượt ra mắt hàng loạt album bolero, nhạc vàng, nhạc xưa đủ kiểu. Nhiều người khen Đàm Vĩnh Hưng đã đưa bolero thành một trào lưu với cách thể nghiệm độc đáo, nhưng cũng không ít khán giả cho rằng, "ảnh hát nhạc xưa như “đấm vào tai”, hay “làm hỏng bolero”. Nhưng ai khen, chê, Đàm Vĩnh Hưng vẫn tiếp tục con đường của mình, trở thành nam ca sĩ “ăn khách” nhất làng giải trí, dù rằng nói đến anh, nhiều khán giả vẫn không biết anh chuyên về dòng nhạc nào. 

Điều tương tự cũng diễn ra với con đường âm nhạc của “nữ hoàng nhạc giải trí” Lệ Quyên. Dường như sự nghiệp âm nhạc của Lệ Quyên là một quá trình thể nghiệm, khi cô ra hàng loạt album từ nhạc trẻ đến tiền chiến, âm nhạc của thập biên 90, và bolero cũng được ưu ái, chiếm gần 1/2 trong gia tài âm nhạc của nữ ca sĩ. Mỹ Tâm, vốn trung thành với pop và những bài hát do chính mình sáng tác, cũng kịp “lận lưng” một album bolero với những tình khúc của nhạc sĩ Quốc Dũng.

Ngay cả Thanh Thảo, ca sĩ chuyên trị dòng nhạc sôi động, dance cũng từng ra mắt một album nhạc “sến” tên gọi “Hoàng tử trong mơ”, kết hợp “công nghệ” với hình ảnh 3D kèo theo mỗi album bán ra. Tương tự, các ca sĩ nổi tiếng như Cẩm Ly, Bằng Kiều, Quang Dũng đều có những album nhạc xưa cho mình.  Kế cận lớp ca sĩ đàn anh, đàn chị, một thế hệ ca sĩ trẻ cũng đi theo con đường như thế, khi chọn các dòng nhạc khác nhau nhưng cũng thử nghiệm với bolero: Quang Hà, Duy Mạnh, Quách Tuấn Du, Uyên Linh…

Đừng “ngủ quên” với âm nhạc của quá khứ

Bắp kịp xu thế của thị trường, các nhà sản xuất cũng xây dựng những game show chuyên về dòng nhạc này: Thần tượng bolero, Solo cùng bolero, Tình bolero... Cạnh đó, các gameshow truyền hình thực tế khác như Làng hài mở hội, Hội ngộ danh hài, Cười xuyên Việt… cũng liên tục đưa các tiết mục bolero vào chương trình để “câu khách”. Cũng từ các chương trình truyền hình thực tế đã tạo ra một lớp ca sĩ trẻ được mệnh danh hot boy, hot girl bolero: Mai Trần Lâm, Tố My, Hà Vân. Sau mỗi chương trình, họ lại rầm rộ ra mắt các album bolero để đánh dấu sự nghiệp của mình.

Tất nhiên, trào lưu nào cũng có hai mặt của nó. Trong khi làng giải trí chộn rộn với bolero thì một số nghệ sĩ tên tuổi lại có những cái nhìn trái chiều. Nhiều nghệ sĩ lớn cho rằng, giới trẻ đang quá lạm dụng bolero, đua đòi cùng bolero như một thứ trang sức thời thượng. Trong khi bolero lại là một dòng nhạc gắn liền với một thời điểm lịch sử, đòi hỏi ở  ca sĩ ngoài khả năng còn phải có nội lực, chiều sâu và cả sự trải nghiệm cuộc sống nhất định. Sự đua theo trào lưu sẽ làm mất đi tinh thần vốn có của bolero, cũng như khiến ca sĩ trẻ có thể lệch hướng, chọn sai dòng nhạc phù hợp với chất giọng của mình.

Bên cạnh đó, dù là một dòng nhạc bất hủ, có giá trị bền vững cùng thời gian, nhưng bolero dù sao vẫn là một dòng nhạc của quá khứ. Việc ca sĩ có tiếng lẫn trẻ tuổi chập chững vào nghề đua nhau đi cùng trào lưu bolero cũng đã dấy lên mối lo về hiện tượng “ngủ quên” trong âm nhạc. Thay vì tìm tòi, khám phá và sáng tạo những dòng nhạc mới mẻ, trẻ trung, giàu sức sống, ca sĩ trẻ chỉ thi nhau lựa chọn bolero để chứng tỏ “đẳng cấp”, cho hợp thời và làm đẹp lòng khán giả, có chỗ đứng trong làng giải trí. Điều này rất đáng ngại vì nó sẽ góp phần làm chậm nhịp, mất sức sáng tạo và lão hóa thị trường âm nhạc trong nước.