Sherlock Holmes lại “nóng” với chuyện bản quyền

(PLO) - Cuộc chiến pháp lý kéo dài tại Mỹ có thể sẽ thay đổi cách thức Sherlock Holmes và các nhân vật nổi tiếng khác được miêu tả trong những cuốn sách và các bộ phim trong tương lai. 
Sherlock Holmes lại “nóng” với chuyện bản quyền
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vấn đề pháp lý xung quanh nhân vật này, một thẩm phán liên bang ở Chicago (Mỹ) hồi tháng trước đã ra phán quyết cho rằng một nhà văn người Mỹ đồng thời cũng là một người hâm mộ Sherlock Homes hàng đầu có thể xuất bản các tác phẩm lấy cảm hứng từ các câu chuyện của Arthur Conan Doyle mà không phải lo ngại hành động pháp lý từ công ty quản lý bản quyền của văn sỹ người Scotland. 
Theo thông tin từ nhà văn Leslie Klinger, công ty quản lý bản quyền tác phẩm của Doyle đã yêu cầu phải trả 5.000 USD để được quyền xuất bản một cuốn sách về những câu chuyện ngắn có mang các tính cách đặc trưng và các yếu tố từ tác phẩm của Conan Doyle. Klinger đã từ chối với lập luận được đưa ra trước tòa hồi tháng 2 vừa qua rằng ông hoàn toàn có quyền tự do xuất bản cuốn sách của mình vì 50 câu chuyện nguyên gốc của Conan Doyle hiện là tài sản của công chúng Mỹ, trong đó có cả các đặc điểm chính và các yếu tố của câu chuyện. 
Về mặt luật pháp, theo quy định của Mỹ, thời hạn bản quyền kéo dài 70 năm sau khi tác giả qua đời hoặc 95 năm sau khi tác phẩm được xuất bản. Nói một cách ngắn gọn, trong số các tác phẩm của Conan Doyle vẫn có 10 truyện còn bản quyền cho đến năm 2012. Trong khi đó tại Anh, Luật Bản quyền chỉ áp dụng trong vòng 70 năm, do đó tất cả các câu chuyện về thám tử Holmes đều đã hết bản quyền từ năm 2000. 
Công ty quản lý bản quyền của Conan Doyle khăng khăng rằng, cho đến khi hết hạn vào năm 2020, Holmes vẫn là “một nhân vật phức tạp” không thể “bị phá hủy”. Công ty này cũng nói thêm rằng một số diễn biến trong các câu chuyện, ví dụ như việc phát triển thêm mối thâm tình của Holmes với Watson vẫn thuộc bản quyền. Tuy nhiên, thẩm phán đã bác bỏ lập luận này và ra phán quyết cho rằng tất cả các tác phẩm xuất bản trước năm 1923 đều là tài sản công. 
Vụ việc đã cho thấy sự phức tạp và những cạnh tranh lợi ích liên quan đến Luật Bản quyền. Ông Alistair McCleery – Giám đốc Trung tâm Sách Scottish thuộc Trường Đại học Napier – cho rằng những giá trị kinh tế vô hạn của các nhân vật như Holmes đã bóp méo mục đích của Luật Bản quyền. “Trước đây bản quyền thường được cho là sự bảo vệ giới hạn để tác giả và một số hậu duệ của họ được lợi ích về mặt kinh tế. Hiện nay nhiều người đang cố để gia hạn bản quyền lâu nhất có thể”. 
Trở lại trường hợp của công ty nắm giữ bản quyền tác phẩm của Conan Doyle, nếu công ty này chiến thắng trong việc kháng cáo quyết định của thẩm phán, vụ việc sẽ dấy lên những câu hỏi mới và các vụ việc tương tự đối với một số nhân vật nổi tiếng. Trong số đó đáng chú ý nhất có lẽ là vấn đề bản quyền các tiểu thuyết về James Bond của Ian Fleming, sẽ hết hạn vào năm 2034. Tuy nhiên, con cháu của văn sỹ này đã rất khôn ngoan khi phủ thêm một lớp bảo vệ mới bằng cách đăng ký bảo hộ thương hiệu, trong đó có James Bond.
Trong khi vụ việc pháp lý vẫn chưa đi đến hồi kết, ông McCleery đã đặt ra câu hỏi về vai trò của các thẩm phán trong các vụ việc tranh chấp như vậy: “Các vị đang đòi họ phải vượt khỏi vấn đề tư pháp và đưa ra các phán quyết thuộc về văn chương. Con người có quyền kiếm tiền trên những gì họ sáng tạo ra nhưng chúng ta phải nhận thấy chúng ta đã mất đi những gì khi một tác phẩm bị giữ ngoài vòng tài sản công cộng”. 

Đọc thêm