"Số hóa" sách có làm giới trẻ mê đọc hơn?

(PLO) - Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, văn hóa đọc của một bộ phận giới trẻ đang dần bị mai một. Các trào lưu đọc sách theo hướng số hóa, các tác phẩm văn chương chưa thực sự có giá trị lại được đông đảo bạn trẻ đón nhận. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, liệu số lượng có đi kèm với chất lượng?
 
Hình minh họa
Hình minh họa

“ Trào lưu ngôn tình ”

Những năm gần đây, hàng loạt các tác phẩm ngôn tình Trung Quốc theo luồng hội nhập văn hóa xâm nhập vào Việt Nam. Đó là thể loại truyện tiểu thuyết tình cảm hướng tới đề tài tình yêu đôi lứa, chứa nhiều chi tiết lãng mạn cảm động, dễ đọc, tuy nhiên lại ít có chiều sâu về ý nghĩa.

Không khó để bắt gặp những quyển truyện ngôn tình được bày bán với số lượng lớn ở tất cả các cửa hàng sách, hiệu sách lớn trên TP Hà Nội. Ngay cả những nhà sách lớn như Kim Đồng, Thái Hà hay Fahasa, sách truyện ngôn tình vẫn nghiễm nhiên được ưu ái hẳn một giá riêng, hoặc một khu riêng với rất nhiều tác phẩm khác nhau.

Đặc biệt, các tác phẩm này lại chiếm được sự quan tâm của đông đảo bộ phận giới trẻ. Khi được hỏi về lí do yêu thích truyện ngôn tình, bạn Vũ Hải Anh, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Mình thường hay đọc truyện ngôn tình để giải trí, thư giãn. Những chi tiết trong truyện rất lôi cuốn và lại phù hợp với tâm lý, đời sống tình cảm của mình. ” 

Hàng loạt các tác phẩm ngôn tình được bày bán với số lượng lớn
Hàng loạt các tác phẩm ngôn tình được bày bán với số lượng lớn 

Đi cùng trào lưu ngôn tình, các tác phẩm văn chương “mì ăn liền ” cũng ngày càng được ưu ái. Đó thường là những tác phẩm viết theo hướng triết lý về những suy nghĩ của cuộc sống, tình yêu với sắc màu thường mang tính u uất, sầu thương đầy chiêm nghiệm.

Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của bộ phận giới trẻ, kéo người đọc đến với những cảm xúc tiêu cực, đắm chìm vào nỗi buồn vô nghĩa và khiến họ có cái nhìn sai lệch về cuộc sống.

Tuy nhiên, các tác phẩm văn chương ba xu như vậy lại rất được đón đọc, nhờ những câu văn và giọng điệu mang đầy sự từng trải, những thực chất chỉ mang tính chất giải trí, không hề có ý nghĩa hay nội hàm sâu sắc.

Lặng lẽ “ số hóa ” sách

Trước sự ra đời của hàng loạt các loại hình đa phương tiện mới, sự bùng nổ công nghệ thông tin trong thời đại Internet ngày càng phát triển, văn hóa đọc của giới trẻ cũng có sự thay đổi đáng kể. Đa phần các bạn trẻ lựa chọn cách đọc online, đọc trực tuyến trên mạng internet thay vì việc đi mua sách về đọc hàng ngày.

Bạn Lưu Huyền Phương, sinh viên trường Đại học Đại Nam chia sẻ: “Mình thường hay đọc sách truyện online trên smartphone và laptop, nó rất thuận tiện mà lại còn không mất tiền, giúp mình tiết kiệm thời gian và tài chính. Ngoài ra, đọc sách cầm cả quyển dày cộp khiến mình rất dễ buồn ngủ. ” 

Các trang web đọc truyện thu hút sự quan tâm của một bộ phận giới trẻ
Các trang web đọc truyện thu hút sự quan tâm của một bộ phận giới trẻ

Thay vì mua sách truyện về nhà hay lên thư viện tìm đọc sách truyện để giải trí, đa số giới trẻ ngày nay thường lựa chọn việc lên mạng tìm đọc các tác phẩm online, hay dùng thời gian rảnh để lướt web, lên mạng xã hội.

Điều này chứng tỏ, một bộ phận giới trẻ đang ngày càng phụ thuộc vào các loại hình truyền thông, đặc biệt là internet. Văn hóa đọc cũng vì thế mà ngày một xuống cấp, trào lưu số hóa sách vì thế ngày càng có xu hướng gia tăng. 

Nâng cao văn hóa đọc của giới trẻ

Nâng cao văn hóa đọc cũng là nâng cao sự nhận thức của giới trẻ về vai trò, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách. Dù ở trong thời kì nào, sách cũng là nguồn tri thức vô tận, chứa đầy những bài học sâu sắc và luôn giữ nguyên giá trị truyền thống lâu đời. Do vậy, văn hóa đọc của giới trẻ cần được trau dồi và hướng đến những “ chuẩn mực ” đúng đắn hơn. Mỗi bạn trẻ cần phải tự đặt ra tiêu chí tiếp nhận sách truyện của riêng mình.

Đặc biệt, việc xây dựng thói quen đọc sách với những tác phẩm chất lượng sẽ giúp mỗi người nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức, định hướng được văn hóa, “ chuẩn mực” đọc sách truyện của bản thân. Nhân thức đúng đắn đó của mỗi bạn trẻ sẽ góp phần nâng cao văn hóa đọc, thúc đẩy sự phát triển văn hóa của toàn xã hội.