Sợ rơi máy bay, hành khách hủy tour nước ngoài

Tâm lý hoang mang xuất hiện trên các diễn đàn sau nhiều sự cố liên tiếp xảy ra với ngành hàng không thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng máy bay vẫn là phương tiện an toàn nhất.
Trấn an tâm lý khách hàng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không khẳng định máy bay vẫn là phương tiện vận chuyển an toàn nhất. Ảnh: Anh Quân
Trấn an tâm lý khách hàng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không khẳng định máy bay vẫn là phương tiện vận chuyển an toàn nhất. Ảnh: Anh Quân
"Sắp tới có chuyến công tác đến Đà Lạt, chẳng lẽ lại chuyển sang đi ôtô cho yên tâm", chị Huyền, một nhân viên truyền thông ở TP HCM viết lên Facebook sau khi biết tin hàng loạt sự cố hàng không thế giới những ngày gần đây. Chia sẻ của chị nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng. Bên dưới, có người bạn bình luận rằng trong giai đoạn này, nếu không có việc cần thiết thì không nên đi máy bay.
Anh Nam, nhân viên nam của một hãng hàng không trong nước chia sẻ, đến vợ anh cũng không dám đi máy bay nữa. "Hôm qua vợ tôi từ quê trở về Hà Nội, đã mua vé máy bay rồi nhưng lại nói sẽ đi tàu. Đọc tin 2 vụ máy bay rơi liên tiếp ở Đài Loan và Algerie, vợ tôi có phần lo lắng, sợ sệt", anh này kể. Sau khi chồng thuyết phục, vợ anh Nam vẫn quyết định lên máy bay.
Tâm lý "sợ" máy bay cũng đang lan tràn trên các mạng xã hội, diễn đàn. Nhiều người tuyên bố trong thời gian này không di chuyển bằng đường hàng không. Có người bị ám ảnh bởi sự trùng hợp của những con số 7 lặp đi lặp lại, nên khẳng định sẽ không đi chuyến bay có số 7 hoặc vào ngày 7.
Hiện tượng sợ máy bay lập tức ảnh hưởng đến ngành du lịch. Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc điều hành hãng lữ hành Vietrantour cho biết: "Nhiều khách đã gọi điện đến để xin tư vấn. Có khách mua tour từ trước, nay gọi lại hỏi xem hãng nào sẽ vận chuyển. Có người hỏi về tình hình an ninh, mức độ an toàn của hãng hàng không giá rẻ", chị Huyền cho biết. Sau khi nhận được tư vấn, cho đến nay chưa có khách nào bỏ tour.
Còn ở công ty Vietravel, đã có nhóm khách hàng đầu tiên bỏ tour vào hôm nay. "Đã có một số khách hàng hủy tour nước ngoài đi Malaysia", chị Phạm Hà Anh, đại diện của công ty cho biết. Tour kết hợp Singapore - Malaysia tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa có khách nào hủy, chị nói thêm.
Khảo sát tại các hãng lữ hành khác Amitours, Hello World Travel, tuy hiện tượng hủy tour chưa xuất hiện, nhưng nhiều khách hàng vẫn lo lắng về vấn đề an toàn hàng không. Những khách lo lắng nhất thường là người mua tour nước ngoài. Tâm lý khách mua tour nội địa ít bị ảnh hưởng hơn, các hãng cho hay.
Ở các đại lý bán vé máy bay, một đại lý trên phố Kim Mã, Hà Nội cho biết có nhóm khách hàng định rút không mua nữa dù đã đặt vé. "Chúng tôi đã phải thuyết phục khách rằng số lượng tai nạn tàu bay còn ít hơn đường bộ. Tuy nhiên tâm lý họ vẫn hoang mang vì trong một thời gian ngắn quá có nhiều sự cố xảy ra. Khách quyết định vẫn đặt vé nhưng dời sang hết tháng 7", chị Nhung, nhân viên kinh doanh của đại lý cho biết.
Đại diện hãng hàng không Vietjet nhận định tâm lý sợ máy bay sau các sự cố liên tiếp là có thật. "Tuy nhiên, nhiều người hiểu rằng máy bay vẫn là phương tiện an toàn nhất hiện nay. Ai có công việc họ vẫn đi, chưa thấy hiện tượng khách nào hủy vé", chị nói.
Tương tự, đại diện truyền thông của Jetstar cũng đưa ra lý do tại sao hành khách không cần phải "sợ" máy bay. "Trong ngành hàng không, có một nguyên tắc mà bất cứ ai cũng phải thuộc nằm lòng, đó là không có bất cứ một sự thỏa hiệp nào đổi lấy sự an toàn của khách", anh nói.
Mỗi chuyến bay cất cánh lên trời đều chịu sự kiểm soát về an toàn không chỉ của hãng mà còn của cơ quan quản lý hàng không nước đó, của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế và của nhà sản xuất tàu bay. Quy trình bảo dưỡng và kiểm tra luôn được thực hiện theo đúng lịch quy định.
"Thực tế tại Việt Nam, có chuyến bay bị chậm chỉ vì thiếu một cái áo phao, dù áo phao là vật hiếm khi được dùng đến. Tuy nhiên các quy định về an toàn không được bỏ qua dù chỉ là nhỏ nhất. Ở các hãng hàng không, có một lực lượng lên đến hàng nghìn người phục vụ cho một đội tàu bay để đảm bao an toàn", đại diện Jetstar nói thêm.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành hàng không nhận định rằng những lo lắng, cảm xúc của người dân trước các sự cố gần đây là điều dễ hiểu, vì tai nạn hàng không thường thảm khốc. Chúng cũng được báo chí đăng tải, bình luận nhiều hơn so với tai nạn của các loại giao thông khác.
"Nhưng khi cảm xúc đã bớt đi, cũng cần nhìn vào các con số biết nói để công bằng hơn cho hàng không", Tiến sĩ Lương Hoài Nam nói. Theo đó, tỷ lệ số người bị chết vì tai nạn tính trên 100.000.000 khách mỗi dặm của hàng không là 0,003. Tức là người chết vì máy bay còn ít hơn người chết vì tai nạn đi bộ trên phố.
"Những số liệu này cũng là minh chứng tôi thuyết phục được vợ tiếp tục đi máy bay, thay vì ngồi cả đêm từ quê ra Hà Nội trên tàu hỏa. Là người trong ngành, tôi tin rằng vợ tôi hoặc bất cứ ai không cần sợ tàu bay", anh Nam, nhân viên hàng không có vợ sợ đi máy bay nói.