“Soi” Tết Nguyên đán các nước qua món ăn

(PLO) - Ngoài Việt Nam, một số nước khác trên thế giới cũng tưng bừng đón Tết Nguyên đán. Nhân ngày đầu năm mới, PLVN xin mời các bạn cùng “khám phá” những món ăn truyền thống ngày Tết của các nước cùng đón năm mới với Việt Nam.
Mâm cơm Tết của người Hàn Quốc.
Mâm cơm Tết của người Hàn Quốc.
1. Hàn Quốc 
Người Hàn Quốc cũng đón năm mới vào ngày 1/1 theo lịch Âm. Và, với họ, Tết sẽ không phải là Tết nếu thiếu món Tteokguk. Món canh này gồm có nước dùng và bánh gạo cắt lát cùng một số gia vị khác. Người Hàn Quốc ăn món Tteokguk vào ngày đầu năm vì họ cho rằng món ăn này sẽ mang lại cho họ may mắn. Bên cạnh đó, với Hàn Quốc, món ăn này cũng biểu thị cho việc họ đã tăng thêm một tuổi. Chính vì vậy nên người Hàn Quốc thường hỏi nhau: “Anh/chị đã ăn món Tteokguk bao nhiêu lần?” như một cách nói vui để hỏi về tuổi của người khác. 
Ngoài ra, mâm cơm ngày Tết của người Hàn Quốc cũng bao gồm một số món ăn khác như: sườn bò, miến trộn, 3 loại rau trộn có 3 màu xanh, trắng và nâu, bánh rán kiểu Hàn Quốc, kim chi…
2. Mông Cổ
Lễ mừng năm mới theo Âm lịch của Mông Cổ có tên Tsagaan Sar, là một trong những sự kiện quan trọng nhất của người Mông Cổ trên khắp cả nước này và kéo dài trong 15 ngày. Đây là thời điểm để các gia đình đoàn tụ nhằm thắt chặt hơn nữa tình cảm gia đình, đặc biệt là người già với người trẻ, trả nợ nần cũng như giải quyết những bất đồng.
Các món ăn truyền thống của người Mông Cổ trong dịp này bao gồm những món ăn làm từ sữa, cơm trộn nho khô, các loại bánh truyền thống được xếp hình kim tự tháp tượng trưng cho Núi Sumeru, thịt cừu, thịt bò bằm, thịt ngựa, bánh buuz…
3. Nhật Bản
Vào ngày Tết, người Nhật thường ăn món bánh có tên Kagami Mochi. Chiếc bánh này bao gồm 2 lớp bánh gạo (mochi) được đặt chồng lên nhau, chiếc bánh nhỏ hơn được đặt lên trên chiếc bánh lớn và có thể được trang trí thêm một số thứ như quả hồng phơi khô. 2 lớp bánh này được cho là tượng trưng cho năm đã qua và năm tới, cho trái tim của con người, cho âm – dương… Người Nhật Bản ăn món bánh này vào đầu năm với hy vọng sẽ gặp được nhiều may mắn, có được sức khỏe và sự trường thọ.
 
4. Singapore
Vào dịp Tết Nguyên Đán, người Singapore thường dùng món ăn có tên Yusheng với mong muốn họ sẽ gặp nhiều may mắn trong năm tới. Thành phần của món Yusheng bao gồm nhiều nguyên liệu khác nhau, nhưng thường có cá sống (cá hồi hoặc cá thu) và các loại rau được cắt nhỏ, trộn với các loại nước sốt và dầu mè. Mỗi thành phần trong món gỏi này mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng thường có liên quan đến may mắn và sự thịnh vượng.
Cách ăn món salad Yusheng cũng khá đặc biệt: người ăn sẽ dùng đũa để gắp các thành phần của món ăn vào bát, sau đó tung các thành phần đó lên cao nhất có thể vì cho rằng càng tung cao càng có nhiều “lộc”, cũng là để trộn đều món ăn. Món salad ngọt, mát này được cho là sẽ mang đến may mắn cho những người dùng. Ngoài ra, nó còn là món ăn “giảm ngấy” khi mọi người đã ăn quá nhiều đạm trong những ngày Tết.
5. Triều Tiên
Do có chung lịch sử, đến gần đây mới bị cắt thành 2 nước nên phong tục đón Tết của người Triều Tiên cũng tương đối giống người Hàn Quốc. Vào sáng mùng 1, họ cũng sửa soạn quần áo chỉn chu, thực hiện lễ tạ ơn gia tiên trước người đàn ông nhiều tuổi nhất trong nhà rồi cùng nhau dùng món Tteokguk với ý nghĩa tương tự như người dân Hàn Quốc. 
Ngoài ra, một món ăn khác không thể thiếu được trong ngày Tết Nguyên đán của người Triều Tiên là “cơm thuốc”, có tên tiếng Hàn là Yakbap. Sở dĩ món này được gọi là “cơm thuốc” vì nó chứa mật ong – vốn được người Triều Tiên xưa gọi là mật. Để chế được món này, người Triều Tiên mang hấp sơ gạo nếp rồi trộn với mật ong, táo, dầu mỡ, tương… rồi hấp chín.  
Theo quan niệm của người Triều Tiên, ăn món cơm này vào ngày đầu tiên của năm mới thì cả năm sẽ sung túc và ngọt ngào như món mật.
6. Trung Quốc
Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán của Trung Quốc chính là Nian Gao (Bánh tổ). Bánh được làm từ gạo nếp, đường và gừng. Trong tiếng Trung Quốc, Nian Gao đồng âm với sự thăng tiến. Không những thế, người Trung Quốc ăn bánh nếp vào đầu năm với hy vọng việc này sẽ gắn kết những người trong cùng gia đình với nhau.
Ngoài ra, vào dịp Tết, người Trung Quốc cũng ăn bánh sủi cảo với hy vọng việc này sẽ mang lại cho họ sự giàu có vì món bánh này có hình dạng gần giống đồng tiền. Trong tiếng Trung Quốc, chữ cá nghe rất giống “dư thừa” nên người Trung Quốc thường ăn món này vào dịp đầu năm với niềm tin làm vậy sẽ giúp họ có một năm mới đầy đủ, thừa thãi. 
Cũng trong dịp Tết, người Trung Quốc còn ăn bánh bao, chả giò, thịt viên, những loại hoa quả mà họ cho là sẽ mang đến may mắn như cam, bưởi…
7. Bhutan

Lễ hội năm mới của người Bhutan được gọi là Losar, là dịp để người dân đoàn tụ gia đình, ăn uống no nê, dâng lễ vật bày tỏ sự cảm ơn và cầu một năm mới tốt lành hơn. Những món ăn trong dịp Losar và việc chuẩn bị, trình bày, cách dùng cũng như ý nghĩa biểu tượng của chúng đều là những nghi lễ mang tính truyền thống nhằm củng cố mối quan hệ cộng đồng cũng như duy trì bản sắc của người Bhutan.

 
Thông thường, trong dịp Tết, người Bhutan dùng một bữa truyền thống vào lúc mặt trời lên, một bữa lúc trưa và ăn nhẹ vào buổi chiều. Các món ăn này bao gồm bánh quy, quýt, mía, gạo lên men, các món hầm, cháo, pho mát, trà và những viên kẹo đặc biệt có tên shudre.