Sự cố đình đám về ảnh minh họa

(PLO) - Sự việc quyển sách 150 năm hình bóng Sài Gòn phải tạm ngưng xuất bản vì đăng nhầm ảnh chế lấy trên mạng đã thêm một vụ việc không hay nữa vào danh sách các sự cố đình đám khi tự ý lấy ảnh trên mạng để minh họa cho tác phẩm, chương trình mà không rõ nguồn gốc, tác giả.
Vì lấy ảnh trên mạng quên kiểm tra nguồn gốc, tác giả quyển sách ảnh 150 năm hình bóng Sài Gòn đã đưa nhầm ảnh chế vào minh họa, khiến sách phải in lại.
Vì lấy ảnh trên mạng quên kiểm tra nguồn gốc, tác giả quyển sách ảnh 150 năm hình bóng Sài Gòn đã đưa nhầm ảnh chế vào minh họa, khiến sách phải in lại.

Sự cố nối tiếp sự cố

Mới đây, NXB Trẻ đã thông báo về việc cho in lại quyển sách  ảnh 150 năm hình bóng Sài Gòn. Trước đó, dư luận được một phen xôn xao khi sách vừa ra mắt, một họa sĩ đã đứng ra nhận một bức tranh tư liệu trong sách là… ảnh do mình tự chế bằng photo shop.

Một cuốn sách nghiêm túc về lịch sử bỗng dưng trở nên… dở cười dở mếu khi người ta so sánh bức ảnh tư liệu gốc do nhiếp ảnh gia Hà Lan Hubert Van Es chụp dòng người di tản trên nóc nhà bằng máy bay trực thăng trưa 29/4/1975 tại Sài Gòn, với bức ảnh chế có tính “giễu nhại” với cảnh người đứng trên trực thăng đang giơ chân đạp ngã chiếc thang khiến dòng người đổ xuống.

Tác giả của cuốn sách cũng đã tự ý đặt chú thích cho hợp với nội dung bức ảnh: “Người di tản chen nhau trèo lên nóc một tòa nhà, trên đường Thống Nhất, để được trực thăng chở đi”. Trước sự việc này, ông Tam Thái, tác giả bức tranh đã thừa nhận, sai sót là do ông lấy ảnh trên mạng và chú thích mà không kiểm tra rõ nguồn gốc thực sự của bức ảnh.

Sự cố này đã khiến NXB Trẻ phải lập tức ngưng phát hành quyển sách ảnh, sau đó tiến hành in lại và thông tin cho bạn đọc về việc đem sách đã in sai đợt đầu đến đổi lấy sách có ảnh gốc in ở đợt hai.

Đây không phải là lần đầu một cá nhân, tổ chức gặp sự cố vì lấy ảnh trên mạng không rõ nguồn gốc. Cách đây vài tháng, Ban tổ chức chương trình lễ hội áo dài mang tên Nơi huyền thoại bắt đầu nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2016 đã gặp phải rắc rối khi sử dụng một bức ảnh sương mù ở Huế để làm clip phông nền mà không xin phép tác giả. Sau đó, đạo diễn Đinh Anh Dũng của chương trình đã cho biết, sự cố xảy ra là do một nhân viên của chương trình lên mạng lấy ảnh về làm phần hình ảnh chương trình mà không biết nguồn gốc ảnh. 

Không chỉ là sự cố mà đã phạm luật

Lên mạng, tìm và “chôm” ảnh đã trở thành một thói quen của rất nhiều người, với nhiều mục đích khác nhau: sử dụng để minh họa chương trình, cho tác phẩm xuất bản, mục đích thương mại, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ… 

Đầu năm 2016, một đôi vợ chồng mới cưới đã bức xúc vì bộ ảnh cưới độc đáo mà mình bỏ nhiều tâm huyết, tình cảm và tiền bạc để thực hiện cùng với bạn bè đã bị khá nhiều dịch vụ ảnh cưới sử dụng để quảng cáo cho dịch vụ của mình, hút khách.

Các nhiếp ảnh gia cho biết, chuyện ảnh chụp của họ đăng trên mạng và bị “chôm chỉa” là rất bình thường, hầu như không nhiếp ảnh gia nào chưa trải qua. Đặc biệt là các bức ảnh chụp phong cảnh đẹp và ảnh trẻ em, ảnh gia đình, rất thường bị các nhà làm lịch, website kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ tự ý lấy về, chỉnh sửa và đăng tải mà không xin phép.

Có những bức ảnh đã bị “chôm” nhiều lần đến mức trở thành “của công”, như những bức ruộng bậc thang ở Sapa, bức ảnh gia đình sum vầy ngày Tết, ảnh trẻ em vùng cao. Những cá nhân, tổ chức “chôm” ảnh, không ít trong số đó  là những người có địa vị, những tổ chức có uy tín, những ban tổ chức các chương trình lớn, công ty uy tín, thậm chí cả đơn vị truyền hình.

Tuy việc tự ý lấy ảnh trên mạng về sử dụng đã trở thành một thói quen phổ biến của rất nhiều người, nhưng ngoại trừ một số vụ việc đình đám, có mức độ nghiêm trọng, hoặc nạn nhân quyết đeo đòi lại công bằng đến cùng, những sự việc được đưa ra ánh sáng, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, mặc dù pháp luật đã có quy định chế tài cho hành vi vi phạm bản quyền. 

Có thể kể đến vụ nhiếp ảnh gia Na Sơn kiện Bảo tàng Hà Nội tự ý sử dụng ảnh cưới của anh làm tư liệu trưng bày năm 2014, vụ một công ty ở Đà Nẵng đã bị tuyên bồi thường 14 triệu đồng cho tác giả một bức ảnh, nguyên nhân là công ty này tự ý lên mạng “chôm” ảnh về, đổi tên rồi sử dụng trên website của mình với mục đích quảng bá dự án.

Hay câu chuyện đi kiện nhiều nơi, nhiều năm của họa sĩ Nguyễn Văn Lộc, tác giả của tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” đã được đăng kí bản quyền. Vì chứng kiến tranh của mình bị các công ty, đơn vị “chôm” quá nhiều vào đủ mục đích, tác giả này đã theo đuổi các vụ kiện trong nhiều năm, ở nhiều địa phương, có nơi thắng kiện, có nơi thua, có nơi không được thụ lý và đến nay tác phẩm này vẫn bị sử dụng trái phép bởi nhiều đơn vị khác.

Như vậy có thể nói hành vi “chôm” ảnh trên mạng không chỉ là sự cố mà đã phạm luật. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà pháp luật chưa phát huy tác dụng tối đa thế nên câu chuyện “chôm ảnh” vẫn diễn ra như một thói quen xấu và phổ biến thuộc về ý thức của cộng đồng.