Sửa sai nhưng có tiếp tục sai?

(PLO) - Sau gần 2 tháng ban hành lệnh cấm, ngày 14/4/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) ra quyết định thu hồi Quyết định và Công văn của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) về việc thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 với lý do không đủ cơ sở tạm thời dừng phổ biến. Có thể coi đây là việc sửa sai trước quyết định tùy tiện của Cục NTBD.
Sửa sai nhưng có tiếp tục sai?

Quản lý mà không hiểu gì về nhạc?

Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương từng khẳng định, 5 ca khúc  gồm Cánh thiệp đầu xuân - tác giả Lê Dinh, Minh Kỳ; Rừng xưa - tác giả Lam Phương; Chuyện buồn ngày xuân -  tác giả Lam Phương; Con đường xưa em đi - tác giả Châu Kỳ, Hồ Đình Phương; Đừng gọi anh bằng chú - ghi tên tác giả là Diên An  đều đã điều chỉnh lời bài hát so với bản gốc, nghĩa là vi phạm vấn đề bản quyền. Chính vì vậy, cả 5 bài sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn.

Trước việc 5 ca khúc bị cấm, dư luận đặt ra câu hỏi làm sao xác định được một tác phẩm là bản gốc? Cục NTBD đã kiểm chứng bằng cách nào, so sánh nguồn chính xác ở đâu để lấy lý do các tác phẩm trên sai phạm về nội dung để bị cấm lưu hành? Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cho rằng, Cục NTBD cần công bố bản gốc của 5 ca khúc này và lấy ý kiến của các nhà chuyên môn để có những đánh giá sâu sắc, khách quan nhất về tính nghệ thuật, tính lịch sử. Một tác phẩm có giá trị về nội dung, nghệ thuật, trước khi đưa ra một quyết định nào đó cần cân nhắc nhiều chiều.

Khi dư luận yêu cầu Cục NTBD công bố bản gốc các ca khúc trên nhưng ông Chương từ chối với lý do: “Quy định của pháp luật không có câu chuyện đó. Hơn nữa chúng tôi công bố là vi phạm quyền tác giả, chủ sở hữu bản gốc các ca khúc không cho phép công bố tại sao lại công bố”.  

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), bà Nguyễn Thị Lựu - Phụ trách lưu trữ phân phối VCPMC khẳng định, 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị Cục NTBD cấm lưu hành, trong đó có “Con đường xưa em đi” đều được các tác giả đăng ký bảo vệ quyền tác giả với VCPMC. “Những ca khúc này được Trung tâm bảo vệ tác quyền cho đến khi Cục NTBD tạm dừng lưu hành”, theo bà Lựu.

Sau hàng loạt những ca khúc bất hủ đã bị Cục NTBD cấm sử dụng, nhiều khán giả lo lắng bản tình ca “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng mang số phận như vậy. Ca khúc “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu hiện tại về thời điểm sáng tác vẫn chưa xác định rõ ràng (năm 1917, 1918 hay 1919) hiện đang lưu hành trên thị trường với nhiều dị bản khác nhau và khán giả vẫn không biết đâu là câu từ thật sự trong bản gốc. 

Việc 5 ca khúc bị cấm và “Dạ cổ hoài lang” vào “vòng nguy hiểm”, dư luận lại bức xúc vì rất nhiều ca khúc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép. Dư luận đặc biệt quan tâm khi 3 ca khúc “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Ca dao mẹ” và “Đêm thấy ta là thác đổ” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn không có trong danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến  do Cục NTBD cấp phép.

Trong danh sách 2.587 ca khúc được Cục NTBD cấp phép phổ biến, không có bất cứ sáng tác nào của nhạc sĩ Văn Cao ngoài ca khúc Quốc ca do đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước. Theo đó, trên website chính thức của Cục NTBD, ở danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến, không xuất hiện bất cứ sáng tác nào đề tên nhạc sĩ Văn Cao. Và thật bất ngờ tới khó tin, tới 7 ca khúc “Buồn tàn thu”, “Chiều buồn trên bến Bạch Đằng”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi” là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao nhưng lại xuất hiện trong bảng danh mục trên với tư cách tác phẩm của một người khác - nhạc sĩ Văn Chung. 

Họa sĩ Văn Thao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao  chia sẻ: “Tôi không hiểu người ta cấp phép rồi sao lại ngừng cấp phép? Những sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao đã được cất lên gần một thế kỷ nay rồi, đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, tại sao lại phải đo đếm, nâng đặt với những nhạc phẩm ấy? Việc chưa cấp phép và sai tên tác giả chứng tỏ họ không biết một chút gì về nhạc sĩ Văn Cao. Đó là điều hết sức đáng buồn”.

Giơ cao đánh khẽ?

Việc bất ngờ dừng lưu hành của cơ quan quản lý văn hóa như đối với một số ca khúc vừa qua khiến không ít gia đình nhạc sĩ, ca sĩ lo lắng. Gia đình nhạc sĩ bị ảnh hưởng danh tiếng và bị mất tiền thu tác quyền. Còn ca sĩ bị thiệt hại lớn về kinh tế, khi album, đĩa nhạc vừa phát hành lại phải thu hồi. Ca sĩ Anh Thơ đã bày tỏ lo lắng vì không biết xử lý thế nào với đĩa CD “Khi con tim yêu”, vừa được tái bản với số lượng lớn vào đầu năm 2017, vì có sử dụng ca khúc “Con đường xưa em đi”. “Bỏ đi thì lãng phí công sức và tiền của, mà đã dừng việc lưu hành rồi thì không thể đem CD bán ngoài các quầy băng đĩa được” – ca sĩ Anh Thơ bối rối.

May sao sau gần 2 tháng ban hành lệnh cấm, ngày 14/4, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD đã ký văn bản thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên. Trong văn bản nêu rõ lý do là “chưa đủ cơ sở tạm dừng phổ biến 5 bài hát: “Con đường xưa em đi”, “Rừng xưa”, “Cánh thiệp đầu xuân”, “Chuyện buồn ngày xuân” và “Đừng gọi anh bằng chú”. Trước đó, cũng trong ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên đã có Công văn số 1575/BVHTTDL-VP gửi Cục NTBD, yêu cầu Cục NTBD thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát trên.

Theo lãnh đạo Bộ, việc tạm dừng 5 ca khúc là “chưa đủ căn cứ, gây phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội”. Công văn gửi Cục NTBD nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTT&DL: “Yêu cầu Cục NTBD tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được phép phổ biến nêu trên.

Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Bộ VHTT&DL trong việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối với các bài hát sáng tác trước năm 1975 và bài hát do người Việt Nam định cư tại nước ngoài sáng tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác phẩm nghệ thuật có nội dung tư tưởng tốt, có chất lượng nghệ thuật được phổ biến rộng rãi phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng”.

Chuyện lạ là, việc sửa sai này chỉ bị yêu cầu tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc chứ không hề nhắc tới phần xử lý trách nhiệm người ký “lệnh cấm” này. Dư luận cho rằng, không chỉ xử lý nghiêm minh người ký “lệnh cấm” mà lãnh đạo Cục NTBD phải xin lỗi tác giả, gia đình cố tác giả, các ca sĩ và xin lỗi tất cả công chúng yêu nghệ thuật. 

Nếu ngành văn hóa không xử lý người làm sai một cách rốt ráo và xin lỗi thành thực thì e rằng việc bị “cấm rồi thả, thả rồi tiếp tục cấm” một cách tùy tiện, cảm tính như vậy sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.