Tại sao 20 năm thi đấu, nhan sắc Việt vẫn "tay trắng"?

(PLO) - Trong 20 năm qua, những người đẹp Việt tham dự các cuộc thi nhan sắc thế giới chỉ đạt được một số kết quả khiêm tốn. Lý do nào khiến sắc đẹp Việt luôn bị “đo ván” và không qua được “cửa ải” top 10?.
Hoa hậu hòa vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương
Hoa hậu hòa vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương
Tủi thân vì một mình “tự bơi”
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 diễn ra tại Mỹ vào tối 20/12 khiến rất nhiều người Việt Nam hụt hẫng khi công bố top 15, đại diện được đánh giá rất cao của Việt Nam là Phạm Hương lại không được gọi tên. Trong khi ba thí sinh châu Á khác được đánh giá thấp hơn là người đẹp Thái Lan, Indonesia và Philippines đều có mặt trong danh sách này. 
Trước đó, cuộc thi Hoa hậu Thế giới ngày 19/12 diễn ra tại Trung Quốc, người đẹp Lan Khuê chỉ dừng lại tại top 11. Việc hai người đẹp liên tiếp trắng tay trên đấu trường sắc đẹp quốc tế khiến Việt Nam vẫn là dấu chấm mờ trên bản đồ sắc đẹp thế giới.
Trải qua 20 năm mang sắc đẹp đi “chinh chiến”, Việt Nam chỉ loay quanh với thứ hạng ngoài top 10. Năm 1995, người đẹp Trương Quỳnh Mai đã đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 1995 và vị trí mà cô giành được là top 15. Trong 20 năm qua, những người đẹp Việt tham dự các cuộc thi nhan sắc thế giới chỉ đạt được một số kết quả khiêm tốn. 
Theo đó, Phạm Thị Mai Phương - top 20 Hoa hậu Thế giới 2002, Nguyễn Thị Huyền - top 15 Hoa hậu Thế giới 2004, Mai Phương Thúy - top 17 Hoa hậu Thế giới 2006, Thùy Lâm - top15 Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Trần Thị Hương Giang- top16 Hoa hậu Thế giới 2009, Lưu Thị Diễm Hương - top 14 Hoa hậu Trái đất 2010, Trương Tri Trúc Diễm - top 15 Hoa hậu Quốc tế 2011, Nguyễn Thị Loan - top 25 Hoa hậu Thế giới 2014...
Tại Việt Nam, Hoa hậu không được coi là một ngành công nghiệp nên việc gửi các thí sinh đi thi quốc tế là có phần bột phát và thiếu chuyên nghiệp. Mang tiếng đi tìm vinh quang cho đất nước nhưng các người đẹp chưa được Nhà nước đầu tư cần thiết. 
Từ trước đến nay, các nhan sắc Việt khi đi thi sắc đẹp ở quốc tế đều phải đi một mình và tự lo toan mọi việc, trong khi các nước khác có cả một ekip hùng hậu đi “hộ tống” người đẹp. Trên trang cá nhân, Lan Khuê từng tiết lộ về việc tự trang điểm cho bản thân. Về phần trang phục, cô được nhà thiết kế Lý Quí Khánh hỗ trợ, tuy nhiên khi sang Trung Quốc, mọi vấn đề về bảo quản, chọn đồ để diện... người đẹp đều phải làm một mình, không có trợ lý giúp đỡ. 
Phạm Hương cũng tủi thân không kém. “Bên này Hương tự thân một mình không có ai hỗ trợ, tự lo hết. Hoa hậu Mỹ còn có 2 người đi theo xách va li giùm, còn Hương đi sau kéo cái va li, xách đồ nhiều lắm. Nguyên ngày có được ăn uống gì đâu. Make up cũng phải tự làm. Thấy trên hình như vậy chứ ở ngoài sơ sài lắm... Thấy vậy thôi để Hương về phòng. Vừa về phòng, 5 phút sau thấy đăng hình ly mỳ gói luôn. Những hình ảnh gửi về quê nhà lúc nào cũng tươi rói. Mà mình đâu biết đằng sau là mồ hôi, nước mắt, sự cố gắng từng giây từng phút của cô gái này. Xót xa quá”- một người bạn đã chia sẻ trên mạng xã hội.
Hoa khôi áo dài Lan Khuê
 Hoa khôi áo dài Lan Khuê
Căng thẳng trong các cuộc thi, chỉ được ăn mì gói, tự tay làm các việc, đêm đến lại bò người gửi ảnh và thông tin cuộc thi về quê nhà, thử hỏi các sắc đẹp Việt có còn đủ phong độ để vào đấu trường lớn? Đó là thiệt thòi lớn của các người đẹp và cũng là một trong những lý do sắc đẹp Việt bị “đo ván”.  
Tiếng Anh “xóa mù”, kiến thức xã hội “i tờ”
Có rất nhiều lý do khiến sắc đẹp Việt không thể qua “cửa ải” top 10, chứ chưa nói tới việc đạt vương miện. Ngoài ngoại hình không quá nổi bật giữa “rừng” sắc đẹp, Lan Khuê còn nghi bị xử ép trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới vừa qua. Trên trang cá nhân của mình, Lan Khuê cũng chia sẻ nỗi buồn và có chút thừa nhận chuyện bị xử ép của mình tại cuộc thi năm nay. Trong đêm chung kết, tiết mục với điệu múa nón quai thao của cô bất ngờ bị cắt không rõ lí do. 
Trước những chuyện bị cho là bất công với Lan Khuê hay người đẹp Việt bị xử ép trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Trung Quốc, nhiều người đã đồn đoán chính vì việc Lan Khuê lồng ghép hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ Việt Nam khi tham gia phần thi Hoa hậu Nhân ái dự án “Chung tay cùng Khuê”. Kết quả, dù được đánh giá rất cao nhưng Lan Khuê cũng trượt top phần thi này đầy khó hiểu.
Còn Phạm Hương, dù công chúng đánh giá cao về sắc đẹp, bản lĩnh nhưng về khách quan, Hương gặp một nhược điểm lớn ở số đo 3 vòng quá mỏng là 80-60-93, đúng như lo ngại của nhiều người hâm mộ. Bởi ai cũng biết cuộc thi này đề cao những thân hình cực kỳ bốc lửa, đặc biệt là vòng một. 
Ngoài ra, chiều cao của Phạm Hương là 1,74m thuộc mức trung bình với mặt bằng chung thế giới nên không nổi bật. Dù Phạm Hương được “quê nhà” đánh giá cao về sự tự tin, hòa đồng và ứng xử nhưng trong mắt bạn bè quốc tế thì đại diện Việt Nam, khi gặp những câu hỏi khó cô trả lời có phần hời hợt, chưa sâu sắc và diễn đạt ý chưa được tốt, hoàn toàn thiếu đi ngôn ngữ hình thể. 
Ngay cả bà  Inès Ligron - “bà trùm sắc đẹp” nổi tiếng người Pháp cũng không  ngại ngần hé lộ điểm yếu duy nhất của Phạm Hương đó là khả năng tiếng Anh kém vì không thể hiểu hết câu hỏi của phóng viên mỗi khi được yêu cầu trả lời phỏng vấn.
Dù được rất nhiều người ngưỡng mộ về sắc đẹp cũng như sự tự tin của các người đẹp nhưng những người đẹp Việt đều ra về “tay trắng”.  Hầu hết các người đẹp Việt đều bị “mất điểm” bởi kỹ năng giao tiếp. Ngoài trình độ tiếng Anh “xóa mù”, các kiến thức, thông tin cơ bản về văn hóa, xã hội, tôn giáo, chính trị thời sự  thế giới trong năm đó, các người đẹp Việt đều “i tờ” và lảng tránh câu hỏi của các phóng viên quốc tế. 
Không quá khó hiểu khi rất nhiều hoa hậu Việt “trốn tránh” đi thi Hoa hậu Thế giới. Nếu như Ngọc Hân bị cho rằng kém sắc, Thùy Dung kém về học vấn và cung cách cư xử thì Thu Thảo được cho là kém về thể trạng cơ thể cũng như không đủ “trình” để đưa Việt Nam tiến xa hơn trên bảng xếp hạng nhan sắc thế giới.
Người đẹp Việt lượng nhiều, chất ít. Việc chọn người đi thi đủ tiêu chuẩn, phù hợp với từng cuộc thi quốc tế không hề đơn giản. Gần sát thời gian thi, Ban Tổ chức mới quáng quàng tìm ra một người đẹp đại diện rồi mới bắt đầu công tác huấn luyện cấp tốc. Các người đẹp phải gò mình vào các khóa tập thể hình, luyện đi đứng, nói năng, ngoại ngữ, chuẩn bị phần thi tài năng trong thời gian quá ngắn ngủi, tạm bợ. Trong khi các cường quốc sắc đẹp như Venezuela, Colombia, Philippines… chuẩn bị hành trang cho các người đẹp từ nhiều năm trước.  
Có thể thấy, nếu Việt Nam có sự chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng và chuyên nghiệp hơn, chắc chắn nhan sắc của đất nước hình chữ S không đến nỗi 20 năm đi thi đấu, ra về vẫn chỉ… “hai bàn tay trắng”. 

Đọc thêm